Việt Nam: Người biểu tình ôn hòa vì môi trường bị đàn áp

Anh Trần Bảo Thắng - bị bắt về đồn trong buổi biểu tình ôn hoà vì môi trường ngày 8.5, sau đó anh bị đánh bầm dập.
Hãy tôn trọng quyền biểu tình và tự do ngôn luận

Human Rights Watch (New York, ngày 18 tháng Năm năm 2016) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần lập tức chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu, đe dọa và trả đũa các nhà hoạt động vì môi trường. Chính quyền cần tôn trọng quyền biểu tình của người dân và phóng thích tất cả những người đang bị giữ trái luật.

Liên tiếp trong ba Chủ nhật vừa qua – các ngày mồng 1, mồng 8 và 15 tháng Năm – hàng ngàn người ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế và Nghệ An đã biểu tình công khai để yêu cầu chính phủ điều tra minh bạch về hiện tượng cá chết hàng loạt ở bờ biển Hà Tĩnh trong thời gian gần đây. Cuộc tuần hành ngày mồng 1 tháng Năm chỉ bị chính quyền can thiệp nhẹ, nhưng trong hai ngày Chủ nhật tiếp theo, công an và các lực lượng an ninh đã sử dụng vũ lực không cần thiết và quá mức để dẹp biểu tình.

“Chính quyền Việt Nam cố tình quên rằng biểu tình ôn hòa là một quyền cơ bản được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam và trong luật nhân quyền quốc tế,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Đáng lẽ đi tìm cách xử lý thảm họa môi trường, thì chính quyền lại tập trung nỗ lực vào việc giải tán các cuộc biểu tình và trừng phạt những người lên tiếng yêu cầu giải trình trách nhiệm.”

Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi chính phủ phản ứng quá chậm trước hiện tượng hàng trăm ngàn xác cá chết đột ngột xuất hiện dọc bờ biển khu kinh tế Vũng Áng ở tỉnh Hà Tĩnh. Các nhóm biểu tình ở một số thành phố mang theo biểu ngữ tự tạo kêu gọi “nước sạch, chính quyền sạch và minh bạch” tập trung tại các địa điểm công cộng để bày tỏ mối quan ngại của mình. Theo các nguồn tin trên mạng xã hội và các đoạn video trên trang Youtube, mọi cuộc biểu tình đều ôn hòa và tập trung vào các hành động như tọa kháng, hô khẩu hiệu, hát và tuần hành mang theo các biểu ngữ và khẩu hiệu.

Ngày mồng 8 tháng Năm, chính quyền đối phó với biểu tình bằng một chiến dịch có thể nói là tinh vi, phức hợp, huy động các lực lượng công an và dân phòng để triển khai các chiến thuật đa dạng. Hàng chục nhà hoạt động thông báo trên mạng xã hội về việc họ bị các lực lượng an ninh quản chế tại nhà trong sáng Chủ nhật, trước giờ dự kiến có biểu tình. Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng và nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng Đỗ Trung Quân cho biết bị côn đồ tạt sơn đỏ hoặc/và mắm tôm hôi vào nhà. Công an cũng khống chế ngay trên phố những người bị nghi là ủng hộ biểu tình, và câu lưu những người này hàng giờ để đảm bảo rằng họ không thể tham gia tuần hành.

Trong thời gian có biểu tình, công an và các lực lượng trật tự, dân phòng chặn đóng nhiều tuyến phố với hình ảnh phô trương sức mạnh rầm rộ. Khi các cuộc biểu tình diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhân viên an ninh dùng vũ lực cô lập nhiều người ra khỏi đoàn, cưỡng chế thô bạo, bắt giữ và đưa họ về các đồn công an địa phương. Khi một số nhà hoạt động đến bên ngoài đồn công an để phản đối bắt giữ người, họ cũng bị nhân viên an ninh tấn công.

Nếu vào ngày mồng 8 tháng Năm, chính quyền dùng vũ lực để giải tán các cuộc biểu tình, thì đến Chủ nhật tuần tiếp theo, ngày 15 tháng Năm, chính quyền đã vận dụng hàng loạt biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn biểu tình đông người nổ ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khi những người biểu tình hình thành các nhóm nhỏ hơn, thay vì tập trung số đông, họ bị lực lượng công an hùng hậu hơn gấp nhiều lần giải tán. Đường truy cập mạng Facebook thông thường bị chặn gần hết ngày hôm đó. Có nhiều thông báo khả tín trên mạng xã hội cho biết một số người bị bắt giữ đã bị đưa về một trung tâm hỗ trợ xã hội, nơi quản chế và giáo dục các đối tượng “lầm lạc.” Một số người vẫn còn đang bị giam giữ, tính đến thời điểm viết thông cáo này. Một số người khác bị báo chí nhà nước công kích, kết tội họ nhận tiền và làm theo sự điều khiển của các nhóm “phản động” nước ngoài.

Quyền tự do ngôn luận và nhóm họp ôn hòa được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự Và Chính trị, đã được Việt Nam thông qua năm 1982. Theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, vũ lực chỉ được sử dụng trong các tình huống thực sự cần thiết. Các Nguyên tắc Cơ bản về Sử dụng Vũ lực và Vũ khí của Liên Hiệp Quốc quy định các nhân viên công lực chỉ được sử dụng vũ lực khi mọi phương tiện khác không có hiệu quả hay không đảm bảo mang lại kết quả đã định. Khi sử dụng vũ lực, nhân viên công lực phải kiềm chế và hành động tương xứng với mức độ nguy hiểm của sự vi phạm và với mục đích hợp pháp.

“Lẽ ra cần để cho những người biểu tình ôn hòa thể hiện ý kiến, nhưng hình như chính quyền đã khiến cho mọi việc căng thẳng hơn khi sử dụng vũ lực,” ông Robertson nói. “Chính quyền Hà Nội cần có biện pháp để cải thiện tình hình tồi tệ này.”

Để biết thêm các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:


Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặc adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Previous Post
Next Post
Related Posts