Minh bạch thông tin - điểm yếu của nhà cầm quyền

Mẹ Nấm Gấu (Danlambao) - Một tháng 12 ngày sau khi thảm họa miền Trung được phát hiện, đã hơn 100 tấn cá biển chết (chỉ tính riêng tại Quảng Bình), hơn 60 tấn thủy hải sản nuôi trồng tại 4 tỉnh ven biển miền Trung thiệt hại, vùng biển ven bờ san hô chết, giáp xác chết… Và đáp trả với công luận là sự im lặng của các cơ quan chức năng. Bạn nghĩ gì về điều này?

Theo dòng diễn biến sự kiện từ ngày 6/4/2016 đến nay có thể thấy:

- Ngày 19/4/2016, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá bước đầu kết luận, nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Tuy nhiên, yếu tố cụ thể nào của môi trường nước làm cho cá chết bất thường vẫn chưa được xác định. Kết luận bước đầu cũng khẳng định, nguyên nhân không phải do tác nhân vi khuẩn, virut. (1)

- Ngày 26/4/2016, các nhà khoa học Việt Nam đã đo đạc thông số tại hiện trường và lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển; 200 mẫu cá chết để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt bất thường ở biển miền Trung. (2)

- Ngày 26/4/2016, kết quả thí nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy nước biển có cá chết hàng loạt ở cửa biển Lăng Cô bị nhiễm kim loại nặng. (3)

- Ngày 27/4/2016, trong một buổi họp ngắn ngủi kỷ lục, lúc 20h, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân đã đọc thông cáo báo chí công bố nguyên nhân ban đầu về việc cá chết hàng loạt tại miền Trung. Theo ông Võ Tuấn Nhân, có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.

Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà trên thế giới còn gọi là hiện tượng thủy triều đỏ. (4)

- Ngày 28/4/2016, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính về vụ việc cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Trong văn bản có nêu ý kiến: Nguyên nhân thủy triều đỏ (tảo nở hoa) nên được loại trừ bởi vì những biểu hiện đặc trưng của thủy triều đỏ không được ghi nhận trong thực tế, như lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển, cá tầng mặt chết hàng loạt và xác tảo trôi dạt vào bờ từng mảng lớn gây ô nhiễm, hôi thối… (5) 

- Ngày 7/5/2016, các thợ lặn hết sức hãi hùng khi chứng kiến những rạn san hô quý hiếm và hải sâm, vẹm, sò, hàu,.. chết thối rữa xếp lớp dưới đáy biển và đang trong quá trình phân hủy (6)

- Ngày 14/5/2016, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đến ngày 26-4, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... Ông Tạc cho biết tính đến ngày 26-4, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... và khu trú tập trung vào hai nhóm nguyên nhân chính độc tố học và tảo độc. (7)

Trên đây tôi điểm sơ các dữ kiện chính trên báo về chuyện công bố thông tin liên quan đến thảm họa môi trường về mặt khoa học và phát ngôn báo chí. Trước đó, bên cạnh việc người dân phát hiện ra ống xả thải ngầm ra biển của nhà máy Formosa cũng cho thấy quan điểm của các cơ quan chức năng về việc này rất trái chiều. Trả lời báo chí về giấy phép xả thải của Công ty TNHH Formosa (FHS) cũng như nghi vấn công ty này có liên quan tới việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: "Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút" (8) 

Khẳng định cuối cùng về tính hợp pháp của đường ống xả thải ra biển tại Formosa của Thứ trưởng Bộ TNMT trái ngược với câu trả lời trên báo Thanh Niên ngày 23/4/2016 của ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT: “đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động” (9)

Đến ngày 30/4/2016, khi thị sát trực tiếp tại Formosa, Bộ trưởng Bộ TN-MT, ông Trần Hồng Hà kết luận: “đối với pháp luật VN, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm là không cho phép”

Vậy dân biết nghe ai tin ai?

Đến tận hôm nay, sau 1 tháng 12 ngày phát hiện cá chết, việc gọi tên sự việc từ “thảm họa môi trường” do chính Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà công nhận, đã được biến tấu thành “sự cố môi trường” qua phát ngôn của Bộ Khoa học – Công nghệ.

Dư luận đã được dọn là do “thủy triều đỏ” (tảo độc)? Việc này có thể kiểm chứng bằng ảnh quan sát vệ tinh – nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Dư luận đã được dọn là do hiện tượng El-Nino?

Trong số các chuyên gia nước ngoài được Việt Nam mời về hiện nay, có giáo sư Yoshihiko Yamada (Đại học Tokai), được giới thiệu là một nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm nguyên nhân thảm họa môi trường lại được phát hiện là một giáo sư chuyên sâu về an ninh và chính sách hàng hải. (10)

Trước nhu cầu minh bạch thông tin vì sao cá chết và trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu, hàng ngàn người dân đã xuống đường tại các thành phố lớn suốt từ ngày ngày 1/5/2016 đến ngày 15/5/2016. Các cơ quan chức năng chuyên sâu về an ninh chính trị xã hội đã kịp chụp mũ “phản động” cho yêu cầu chính đáng này.

Như vậy có thể thấy đến tận lúc này, minh bạch thông tin không được các cơ quan chức năng lựa chọn là giải pháp để “đối thoại” với nhân dân.

Họ vòng vèo, lẩn tránh trách nhiệm và dối trá như đã làm hơn 40 năm qua. 

Và cũng như mọi lần, thay vì đáp ứng nguyện vọng của những người xuống đường, các cơ quan chức năng đã ra sức chụp mũ đàn áp, và tính đến phương án “huy động vàng” trong nhân dân để đánh bạc truyền thông.



____________________________________

Chú thích:

Previous Post
Next Post
Related Posts