Không biết - không bầu!

Phương Bích - Thời gian này, có quá nhiều sự kiện động trời xảy ra, khiến nhiều người xao lãng, thậm chí quên phứt chuyện bầu cử vào ngày 22/5 tới. Chỉ có một điều người ta nhớ, là chẳng thấy quốc hội, hay bất cứ một ông bà ứng cử viên nào của quốc hội kỳ này, quan tâm đến những nỗi lo của người dân. Không một ai lên tiếng, bày tỏ quan điểm trên các phương tiện truyền thông, nhằm động viên và trấn an dân chúng. Hình như họ coi đây là nhiệm vụ của đảng và chính phủ thì phải.

Cá biển chết. Cá sông cũng chết. Người ta tiếc rẻ nên thu mua cá chết về làm mắm, cá khô, phát tán đi khắp nơi. Có ai kiểm soát được chuyện kinh khủng này? Nạn ô nhiễm đang trở thành thảm họa về môi trường. Thế mà các vị được cho là đại diện cho dân, lại chỉ chăm chăm lo cho cái ghế của mình?

Có người hỏi tôi: gạch tất chứ?

Tô đáp: gạch tất thì họ sẽ coi đó là phiếu không hợp lệ.

Năm 2011, tôi đi bầu cử, cầm bút gạch tất cả các vị có tên trong phiếu. Không chỉ vì tôi chả biết gì về các vị ấy, ngoài cái bản lý lịch đẹp như mơ dán trên tường, mà tôi chả tin gì vào quốc hội này có thể làm gì cho dân. Tôi gạch chỉ để tỏ thái độ phản kháng của mình, cho dù sự phản kháng đó chả có tác dụng gì. Kết quả bầu cử lúc nào chả đúng quy trình đã được lập ra?

Trong bài "Bầu cử kiểu gì khi tệ ngay từ luật", giáo sư Hoàng Xuân Phú viết:

"Hiến pháp và Luật BCĐBQH đều không quy định công dân bắt buộc phải tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, thì tại sao vẫn tham gia, khi cho rằng bầu cử không thực chất?"

Theo giáo sư, "Đừng ngộ nhận là mình đã biết người ứng cử, sau khi xem bức ảnh màu mè và đọc họ tên cùng mấy dòng trích ngang lý lịch ngắn ngủi treo ở phòng bỏ phiếu. Hay sau khi mình may mắn thuộc vào một vài phần nghìn cử tri được tham gia màn "Hội nghị tiếp xúc cử tri", để nghe mấy lời giới thiệu sơ sài về những người ứng cử. Có lẽ những cử tri nghiêm túc ở Bến Tre, từng tham gia bầu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Trần Văn Truyền làm đại biểu Quốc hội khóa X, và bầu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền làm đại biểu Quốc hội khóa XII, đã tưởng rằng họ biết đủ rõ về ông, cho đến ngày ông bị báo chí phanh phui đủ chuyện, khiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải điều tra và kết luận, dẫn tới việc một phần trong số tài sản tham nhũng bị thu hồi.

Đừng tưởng tiếp nhận được thông tin ca ngợi, quảng cáo của đài báo chính thống thì mình đã có được thông tin khách quan và chính xác. Một ví dụ thời sự điển hình, được bao người biết tới, là Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt). Hay đi ô tô mang biển kiểm soát 80B…, rồi nhiều lần xuất hiện trên đài báo chính thống, với quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, lại được nhiều tướng và sĩ quan cấp tá tháp tùng. Vậy thì còn gì để nghi ngờ nữa? Tiếc rằng, với lòng tin ngây thơ, được báo chí chính thống chắp thêm đôi cánh, 6 vạn người đã nhẹ nhàng sa vào cái bẫy bán hàng đa cấp của tên trùm lừa đảo.

Tóm lại, mỗi cử tri trung thực và có tinh thần trách nhiệm cần cân nhắc thận trọng. Chẳng bầu cho những người mình không tín nhiệm đã đành, cũng không thể bầu cho những người mà mình không có đủ hiểu biết về họ. Nói gọn lại, nguyên tắc bầu cử trung thực và có trách nhiệm phải là: KHÔNG BIẾT - KHÔNG BẦU!

Trong một thông báo mới đây của hàng trăm bà con dân oan Dương Nội, họ tuyên bố sẽ tẩy chay bầu cử bằng cách không đi bầu. Khi nghe điều này, tôi chợt nghĩ đến hàng trăm ngàn cử tri ở miền Trung, đang khốn đốn vì đại nạn cá chết, họ còn lòng dạ nào đi bầu cho những vị đại biểu chỉ vào quốc hội để ngủ, hoặc im lặng?

Previous Post
Next Post
Related Posts