“Khởi tố – bắt nhốt – xin lỗi”: Khi quan thị uy bằng luật thì dân biết làm sao?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Câu chuyện tuần qua của ngành tư pháp Việt Nam xoay quanh 3 hành động: khởi tố, bắt nhốt và xin lỗi. Nghe có vẻ nực cười, nhưng người ta có thể thấy quy trình tố tụng thực sự có vấn đề. Khi cơ quan chức năng lạm quyền, tùy tiện – người dân phải gánh chịu hậu quả ra sao?

Vụ thứ nhất: Công an huyện Bình Chánh, VKS Nhân dân huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán café Xin Chào vì tội chậm đăng ký kinh doanh.

Vụ thứ hai: Ông Nguyễn Văn Bỉ (47 tuổi, ngụ tại TT.Tân Túc, H.Bình Chánh), người cho ông Tấn thuê đất để mở quán cà phê Xin Chào cũng bị khởi tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 BLHS. (1)

Cả hai vụ án trên đều do đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an huyện Bình Chánh ký quyết định khởi tố. Và ông Lê Thanh Tòng, Phó viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh (hiện ông Tòng là Phó viện trưởng Viện KSND Q.6) là người ký phê chuẩn.

Dư luận cho rằng cả ông chủ quán café và ông chủ đất dựng chòi vịt bị đại tá Quý xử lý vì “các lý do cá nhân”. 

Và thực tế, khi báo chí thông tin, các cơ quan cấp cao hơn vào cuộc thì các sai phạm xung quanh những quyết định đã ký mới được phanh phui.

Vụ án thứ 1 đã bị đình chỉ. VKS Nhân dân Tối cao ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Bình Chánh và ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, người ký quyết định truy tố ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ quán cà phê Xin chào. (2)

Vụ án thứ 2 chưa có quyết định từ các cơ quan chức năng sau khi báo chí thông tin.

Vụ thứ ba: VKS Nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có buổi gặp mặt và nhận sai với bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc vào chiều 24/4/2016, sau khi đã phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt giam bà Ngọc vào ngày 19/4/2016. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc là người tố cáo các nhân viên bảo vệ rừng tiếp tay cho cát tặc, và bị lực lượng bảo vệ rừng hành hung. Oái oăm thay từ vai trò người tố cáo sai phạm, bà bị các cơ quan chức năng khởi tố và bắt giam vì cho rằng bà có “hành vi chống người thi hành công vụ”. Việc bắt giam bà Ngọc cũng được thực hiện khá ly kỳ khi công an mời bà đến trụ sở làm việc với lý do liên quan đến lực lượng bảo vệ rừng trong vụ án khác và bà bị bắt với một lý do khác. Sự việc chỉ thay đổi khi các cán bộ môi trường gửi đơn kêu cứu cho bà Ngọc.

VKS Nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có lẽ đi trước một bước sau khi rút kinh nghiệm từ VKS Nhân dân huyện Bình Chánh (Sài Gòn) nên tổ chức nhận sai ngay vào ngày Chủ Nhật mặc dù lý do buổi gặp mặt, nhận sai đưa ra vẫn còn rất cửa quyền: “Mục đích của buổi gặp chị Ngọc là muốn chị nói tất cả những tâm tư, tình cảm của mình về vụ việc sau khi bị bắt tạm giam” (3)

Cả ba vụ án nêu trên có điểm chung là các cơ quan chức năng có thẩm quyền cao hơn nơi ký quyết định khởi tố, tạm giam chỉ vào cuộc khi báo chí thông tin và công luận lên tiếng. 

Việc truy tố, khởi tố và bắt tạm giam một con người sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và tâm lý của họ.

Luật pháp là để thiết lập lại trật tự xã hội trên cơ sở công bằng văn minh chứ không phải là công cụ để thị uy hay dằn mặt người dân. 

Những người tù oan khuất như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, các thanh niên bị bắt oan ở Sóc Trăng… biết phải làm sao khi nhận lãnh luôn trách nhiệm chứng minh cơ quan tố tụng làm sao, và phải có hóa đơn chứng minh thiệt hại thì mới được đền bù tổn thất?

Đẩy một con người vào tù, và sửa sai bằng lời xin lỗi – có lẽ là hoạt động tư pháp chỉ có ở Việt Nam.

Làm sai – sửa sai, và người dân phải biết ơn các cơ quan chức năng vì đã chịu sửa sai là tâm lý cũng chỉ có ở Việt Nam.

Bao giờ ta khá nổi?!


____________________________________

Chú thích:

Previous Post
Next Post
Related Posts