Giành độc lập, phương sách và hệ quả

Hoàng Lan Mộc Châu (Danlambao) - Con đường đấu tranh giành độc lập của mỗi dân tộc bị đô hộ đều bắt đầu ngay khi bước chân quân xâm lược đặt lên quê hương họ như phản ứng tự nhiên của lòng yêu nước. Giành được độc lập không thể kể công riêng cho một cá nhân, một đảng phái; đó là công lao của toàn dân tộc. Tuy nhiên phương thức đấu tranh giành độc lập, và hệ quả của sự lấy lại độc lập cho quốc gia dân tộc còn tùy sự khôn khéo của người lãnh đạo. Sau thế chiến thứ hai, hầu hết các quốc gia bị trị, cách này cách khác, lần lượt tuyên bố độc lập, chấm dứt sự cai trị của ngoại bang trong đó có Việt Nam, Ấn Độ và Kampuchia.

Kampuchia.

Sau hàng thế kỷ hết bị đô hộ bởi Thái Lan và Việt Nam, Kampuchia lại bị rơi vào tay Pháp.

Năm 1941, ông Hoàng 19 tuổi Norodom Sihanouk mà người Pháp nghĩ dễ sai bảo, dễ lợi dụng cho chính sách cai trị thuộc địa của họ, được đưa lên làm vua. Người Pháp đã nghĩ sai lầm về ông vua trẻ, hào hoa này.

Năm 1953, Sihanouk bị TT Pháp Vincent Auriol bác bỏ yêu cầu cho Khmer hoàn toàn độc lập khi ông đến Paris. Bất chấp bị đe dọa truất phế vì thái độ bất cộng tác của ông, Sihanouk không trở về nước, ông đi vòng qua Mỹ, Canada, Nhật vận động cho sự độc lập của nước mình.

Tháng 6/1953, Sihanouk tuyên bố nếu nước Pháp không trả độc lập hoàn toàn cho Khmer, ông sẽ không về nước và sẽ lưu vong tại Thái Lan. Thái không chấp nhận. Sihanouk vào khu tự trị Siemreap của Trung tá Lon Nol và cùng ông này bắt đầu một cuộc chiến tranh chống Pháp.

Chống cự không xong với các mặt trận kháng chiến toàn quốc của nhiều đảng phái, trong đó có đảng cộng sản Khmer Issaraks, Pháp tuyên bố thảo luận về thể chế độc lập của Khmer trong khối Liên Hiệp. Ông Hoàng Sihanouk khải hoàn về Phnom Penh và tuyên bố độc lập ngày 9 tháng 9 năm 1953. Đường lối "đi dây" của Shihanouk nghiêng ngả lúc theo tây phương, lúc theo cộng sản, và sau này ngã hẳn theo Bắc Kinh, cho phép Hà Nội xâm nhập, đặt căn cứ trên đất Khmer, đánh phá Nam VN. Bị quân đội dẫn đầu bởi tướng Lon Nol truất quyền năm 1970, ông, với trợ lực của Bắc Kinh, thành lập chính phủ lưu vong. Nội chiến kéo dài cho đến khi Nam Vang lọt vào tay quân cộng quân Khmer Đỏ.

Chiếm được Nam Vang, cộng sản mau chóng biến thủ đô này thành thành phố ma, và bắt đầu tội ác diệt chủng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người với một phần năm đồng bào của họ bị tiêu diệt. Cộng quân Khmer Đỏ lúc đầu được huấn luyện và được tích cực giúp đỡ bởi cộng sản Việt Nam. Sau khi chiếm được Nam Vang, chúng xoay trục về Bắc Kinh chống lại quan thày cũ, điều này đe dọa CSVN. VN mang quân xâm lược Kampuchia. Cuộc chiến kéo dài mười năm với hàng trăm ngàn thương vong cả hai bên. Khmer Đỏ thất bại. Trong thời gian đen tối này, hàng triệu người Khmer phải vượt biên chạy trốn sự giải phóng của cả hai phe cộng sản.

Việt Nam triệt thoái tất cả quân đội khỏi Kampuchia năm 1989.

Năm 1993, bầu cử quốc hội do Liên Hiệp Quốc tổ chức, Đảng FUNCINPEC (Mặt trận Thống nhất Dân tộc vì một nước Campuchia Độc lập, Trung lập, Hòa bình và Hợp tác) của hoàng thân Ranariddh nhận được gần 50% số phiếu, tiếp theo là Đảng Nhân dân Kampuchia của Hun Sen (hậu thân của đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, CPRP, đã từ bỏ ý thức hệ Cộng sản), và Đảng Dân chủ Tự do Phật giáo. Đảng FUNCINPEC thành lập chính phủ liên minh với các đảng phái tham gia bầu cử. Kampuchia trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến, đa đảng. Sihanouk được đưa lên làm vua trở lại. 

Kampuchia dần dần khôi phục. Hàng trăm tu viện Phật giáo được mở lại, số tu sinh tăng nhanh, nhân quyền, quyền tư hữu tài sản, đất đai được công nhận. Chính quyền đa đảng được quốc tế ủng hộ và tài trợ, kinh tế tăng trưởng và từng bước nhận được lòng tin của giới đầu tư và sự giúp đỡ của các tổ chức ngoại quốc.

Việt Nam

Không giống như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và lại càng không giống đường lối của vua Bảo Đại và Trần Trọng Kim, sau 30 năm lưu lạc giang hồ, Hồ Chí Minh về nước với tư tưởng giải phóng nổi bật những điểm: 

1/ Làm cách mạng bạo lực triệt để, theo gương cách mạng vô sản Nga, đi theo chủ nghĩa Mác, Lê-Nin, tiêu diệt lũ ác quỷ thực dân và bè lũ tay sai của chúng theo kiểu "thề ăn gan uống máu quân thù và "đường vinh quang xây xác quân thù"

2/ Đảng Cộng Sản tuyệt đối lãnh đạo công cuộc chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập dựa vào sức mạnh của giai cấp vô sản. Bước đầu đoàn kết tất cả các thành phần xã hội, sau đó giải quyết mối quan hệ giai cấp.

Trong chiến tranh chống Pháp, ĐCSVN lúc đầu đã đoàn kết với các đảng phái QG, các thành phần giai cấp trong xã hội, sau đó đã bằng mọi cách mau chóng giải quyết các mối quan hệ này. Trong chiến tranh với miền Nam, họ sinh ra và nuôi dưỡng Mặt trận Giải Phóng Miền Nam VN, và họ đã bức tử đứa con này ngay khi vào Sài Gòn.

3/ Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mối quan hệ qua lại, thống nhất hữu cơ. Độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện để đi tới chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là bảo đảm đầy đủ, chắc chắn, bền vững nhất của độc lập dân tộc.

4/Liên kết với Cộng sản thế giới đấu tranh.

Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, thế giới cs nói chung, nhất là Liên Xô, Trung quốc, Cuba là nguồn chi viện người, lương thực, vũ khí, tiền bạc rất lớn cho CSVN.

Hồ Chí Minh chủ trương độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với đảng CS với chủ nghĩa Mác-lê làm nòng cốt, lấy cách mạng tháng 10 Nga do Lê Nin lãnh đạo làm hình mẫu.

Sau hiệp định Genève, đảng CSVN không ngừng ở vĩ tuyến 17 để kiến tạo một nước VNDCCH có dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc như họ tuyên truyền. Đảng CSVN quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất, giành độc lập cho cả nước, “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.(HCM)

HCM nhiều lần nhắc đi nhắc lại chiến tranh ác liệt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Người Việt còn phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Ông mơ mộng sau khi đánh bại hai đế quốc sẽ có được một đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Kết quả của cuộc cách mạng giải phóng giành độc lập dân tộc với sự tiếp tay, chỉ huy của Nga-Tàu là một cuộc chiến kéo dải 30 năm, với 10 triệu người hy sinh, hàng trăm ngàn người chết trong đấu tố, cải cách ruộng đất, tù đầy cải tạo, hàng triệu người bị tống đi kinh tề mới, 800 ngàn người Bắc phải di cư lìa xa đất tổ vào Nam, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do, hàng trăm ngàn người chạy trốn mong thoát bị CS tra tấn, bỏ tù, giết chết lại phải vùi thân đáy biển. Đất nước chậm tiến hàng chục năm so với các nước trong khu vực. Đặc biệt càng ngày càng mất độc lập, bị trói buộc trong hệ thống đảng cộng sản với Trung quốc, chủ quyền ngày càng bị quan thày lấn lướt, lãnh thổ, lãnh hải bị chúng từng bước chiếm dần.

Cho đến nay, sau hơn 60 năm làm chủ miến Bắc và 40 năm "giành được độc lập cho cả nước", dân hàng chục tỉnh vẫn không đủ ăn, không đủ mặc. Thiếu trường học, bệnh viện, Văn hóa, giáo dục xuống dốc. Quảng Nam, nơi đã bỏ ra hơn 400 tỷ xây tượng đài mẹ VN anh hùng lớn nhất thế giới, tháng 4 này, vừa được cấp 1500 tấn gạo cứu đói.

Ấn Độ

Những cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ từ trước đều do những người theo chủ nghĩa quốc gia lãnh đạo, và thường trong tinh thần hợp tác hòa bình với đế quốc thực dân cai trị Anh. Cho đến khi Thánh Gandhi, một tín đồ Hindu, cảm hứng với Bài Giảng Trên Núi, trong Kinh Thánh, phát động phong trào đấu tranh bất bạo động, bất khuất, bất hợp tác, nhưng mang đầy tính khoan dung ngay cả với kẻ thù, đã đạt được, không qua bạo lực, những chiến thắng lớn lao, dù ông và những người theo ông phải trải qua biết bao sự đàn áp nghiệt ngã của thực dân Anh 

Trong công cuộc giành độc lập của Ấn Độ, không có các chiến thắng lẫy lừng vang dội địa cầu, không có bóng dáng một Hồ chí Minh, một Võ Nguyên Giáp, không có thịt nát, xương tan, không một bóng quân hay cố vấn Liên Xô, Trung cộng, Cuba. Thay vì hàng vạn gót chân rầm rập ra trận, hàng vạn dân công lầm lũi dưới bom đạn, chỉ thấy khối quần chúng vô cùng nhẫn nại, can đảm kiên trì với vũ khí khoan dung trong tay đối diện với quân thù. Gandhi dậy: "Tranh đấu cho độc lập là tranh đấu cho cuộc sống", "Ở đâu có tình yêu, ở đó có cuộc sống". Thánh Gandhi không chủ trương hủy diệt cuộc sống của nhân dân để có độc lập, ông cũng không vì độc lập của dân tộc mà hủy diệt đời sống kẻ thù. Ông cũng dậy: "Nếu lấy mắt đổi mắt, cuối cùng thế giới sẽ mù cả."

Phương thức đấu tranh ôn hòa, khoan dung, bất bạo động của Thánh Gandhi chắc nghe lạ tai và không thể chấp nhận được đối với những người cộng sản.

Một nhà hoạt động xã hội Anh tại Ấn độ cuối thế kỷ 19, Sir John Strachey, nói đại ý, Ấn Độ với sụ nghèo đói, lạc hậu, chia rẽ cả về địa lý, chính trị, tôn giáo không bao giờ có hy vọng là một quốc gia.

Lá cờ của đế quốc Anh bị hạ xuống năm 1947, ra đời một nước Ấn Độ cộng hòa lập hiến với chế độ dân chủ đại nghị, trong đó "quyền lực đa số bị kiềm chế bởi các quyền thiểu số được bảo vệ theo pháp luật".

Đến nay quốc gia Ấn Độ và nhân dân họ đã nhận được chỗ đứng đáng kính phục dưới ánh mặt trời với sự ngưỡng mộ của toàn thế giới.



__________________________________

Tài liệu tham khảo:




Previous Post
Next Post
Related Posts