Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Bây giờ bạn đang ở đâu?

Thằng Lượm (Danlambao) - Năm học 1979-1980, tôi là Bí thư chi đoàn của một lớp sư phạm trung cấp. Hồi đó có phong trào “xây dựng lớp XHCN”. Lớp tôi được nhà trường chọn là lớp “đăng ký xây dựng lớp XHCN”. Để được Nhà trường công nhận là lớp “XHCN”, lớp tôi phải phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, gương mẫu, đạo đức và đặc biệt là phải kết nạp đạt chỉ tiêu trên 70% thanh niên trong lớp là đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là đoàn).

Việc kết nạp đoàn viên TNCSHCM cho đủ chỉ tiêu 70% trở lên, đương nhiên, do tôi chịu trách nhiệm.

Là một cán bộ lớp “mẫn cán”, tôi lao vào công việc chọn đối tượng đủ điều kiện, lập danh sách gửi đi học khóa học “cảm tình đoàn”, chuẩn bị bước tiếp theo gọi là “rèn luyện, thử thách” và làm thủ tục xét kết nạp đoàn viên mới cho đủ chỉ tiêu định sẵn.

Hồi đó chi đoàn lớp tôi mới có lèo tèo năm bảy đứa. Để đạt chỉ tiêu, tôi tính, mỗi học kỳ phải kết nạp cho được 15 người… Một con số kinh khủng (lớp 50 người).

Vì đã làm lễ “đăng ký lớp XHCN” nên thầy chủ nhiệm lớp liên tục nhắc tôi phải dành thời gian thực hiện cho được chỉ tiêu “quan trọng” này. Các chỉ tiêu thi đua khác đã có lớp trưởng và các lớp phó chuyên trách chịu trách nhiệm.

Danh sách đầu tiên tôi lập, đề nghị đưa đi học khóa “cảm tình đoàn” gồm 20 người. Trong đó có tên thằng Nguyên. Thằng này học khá, đầu lúc nào cũng chải mượt về sau.

Giờ sinh hoạt lớp sáng thứ bảy, tôi thay mặt BCH chi đoàn lớp đọc danh sách các bạn được đề cử đi học khóa “cảm tình đoàn” để sau này trở thành “lực lượng hậu bị, cánh tay phải của đảng”.

Tôi nói:

Đây là vinh dự dành cho các bạn. Các bạn có cơ hội cùng với lớp để phấn đấu xây dựng lớp XHCN như nhà trường và thầy chủ nhiệm đã tin tưởng giao phó và lớp ta đã đăng ký. Đây cũng là bước đầu để sau này các bạn phấn đấu rèn luyện thành đảng viên đảng CSVN quang vinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, phục vụ lý tưởng CS cao đẹp…

Tôi đọc khá nhuần nhuyễn những câu sao chép từ trong những bài giảng môn Chính trị mà chúng tôi buộc phải nhai lại từng ngày.

Tôi khá chủ quan nên đã không trao đổi với Nguyên trước khi lập và công bố danh sách. Sau khi nghe đọc tên, Nguyên đứng bật dậy, phản ứng gay gắt:

Tui không đi học!

Sao vậy? Xin bạn cho biết lý do?

Việc đi học “cảm tình đoàn” phải do tui tự nguyện đăng ký chứ sao lại tự ý ghi tên tui? Đoàn “cảm tình” tui chớ tui có “cảm tình” đoàn đâu mà bắt tui đi học?

Tôi lúng túng. Thầy chủ nhiệm lừ mắt nhìn tôi. Tôi vội lảng sang chuyện khác.

Thôi được, chuyện bạn Nguyên để tính sau. Còn các bạn khác, ai có ý kiến gì không?

Cả lớp im lặng. Thầy chủ nhiệm chốt lại cuối cùng:

Vậy là tạm ổn, các em phải cố gắng phấn đấu trở thành đoàn viên. Lớp ta đã đăng ký thi đua rồi, không thay đổi được. Riêng em Nguyên và em bí thư lớp, tối nay lên phòng của tôi để tôi trao đổi chút việc.

Bảy giờ tối hôm đó, tôi và Nguyên cùng có mặt tại phòng nội trú của thầy chủ nhiệm. Vừa ngồi xuống ghế, thầy chủ nhiệm chỉ vào Nguyên, nói ngay:

Em có biết phát biểu vô tổ chức của em sáng nay đã ảnh hưởng đến phong trào thi đua của lớp như thế nào không?

*

Tai sao em từ chối không chịu đi học “cảm tình đoàn”?

Thưa thầy, em đã nói rồi. Đoàn “cảm tình” em chớ em không “cảm tình” đoàn, vậy em học làm gì?

Em không được loạn ngôn như vậy! Đoàn là cánh tay đắc lực, là đội hậu bị của đảng. Việc được đi học và được xét kết nạp vào đoàn là niềm vinh dự cho thanh niên cả nước. Em là sinh viên sư phạm, là kỹ sư tâm hồn tương lai, vào đoàn là trách nhiệm của em đối với lớp, xa hơn nữa là trách nhiệm của thanh niên với đất nước này…

Nguyên lặng thinh. Tôi cũng chẳng nói được lời nào. Thầy chủ nhiệm kết thúc câu chuyện:

Tóm lại, em có đi học không? Em đã suy nghĩ lại chưa?

Thưa thầy, em thật sự không muốn học và không muốn vào đoàn, còn lại là tùy thầy…

Lời nói cuối của Nguyên hơi nghẹn lại, tôi nghe không rõ.

Nguyên ra về trước, tôi ngồi nán lại với thầy chủ nhiệm.

Uống cạn một ly nước đầy, thầy đứng dậy, chắp tay sau đít, nói vào tường (không nhìn vào tôi):

Thật hết biết… Em coi lại thằng này nguồn gốc gia đình thế nào, nó quen thân với ai, giờ giấc sinh hoạt ra sao, báo lại cho thầy biết. Trước mắt, phải cố động viên cho nó đi học khóa “cảm tình đoàn” cho đủ số lượng dự kiến.

Tôi rụt rè:

Thưa thầy, theo em biết, nó theo đạo Công giáo. Học lực khá nhưng ít giao du với ai, sống lặng lẽ. Thường thì khoảng từ 6 giờ chiều đến 7 giờ nó đi đâu không biết…

Công giáo à?

Dạ… có gì không thầy?

Đây chính là vấn đề… thôi em về phòng đi, có gì thầy sẽ bàn sau.

*

Hai ngày sau. Buổi sáng thức dậy, trên vách tường đầu giường tôi nằm (trong nội trú), có một câu viết bằng than củi: “Đả đảo bí thư lớp C độc tài - độc đoán”.

Cả phòng nội trú xôn xao. Nhìn vào nét chữ và truy nguyên, tôi đoan chắc là chữ viết của Nguyên, không ai khác.Thằng Sơn, người cùng giường với tôi (tôi nằm tầng trên), thì thào vào tai tôi:

Thằng Nguyên viết…

Sao mày biết?

Lúc khuya, tao trực giấc thì thấy nó đứng bên giường tao mày nằm… không nó thì ai, chữ của nó mà.

Mày chắc không?

Mày không tin tao à? Tùy mày…

Tôi lừ mắt:

Phần mày cũng coi chừng. Liệu hồn cái thân mày…

Tôi nói vậy là vì tôi biết Sơn cũng chẳng ưa gì việc học “cảm tình đoàn” và vào đoàn, nhưng nó sợ, không dám nói ra.

Tôi lặng lẽ lấy miếng vải cũ lau sạch dòng chữ đả đảo tôi. Mấy đứa bạn trong phòng lẳng lặng nhìn, tỏ thái độ phớt tỉnh.

Buổi chiều thì sự việc đến tai thầy chủ nhiệm. Ông cho người nhắn tôi lên gấp gặp ông.

Vẫn thói quen chắp hai tay sau đít, đi đi lại lại trong phòng trước khi nói:

Em biết ai viết chứ?

Em… em nghĩ là bạn Nguyên thầy à…

Có chắc vậy không?

Em không bắt được… nhưng có người thấy…

Tôi lật đật nói tiếp:

Bạn Sơn, cùng giường với em. Bạn ấy thức dậy lúc khuya và tình cờ nhìn thấy…

Thầy chủ nhiệm bất ngờ nhìn xoáy vào tôi:

Tại sao em lại xóa dòng chữ “phản động” ấy?

Em nghĩ, để lại càng làm lớp mình mất điểm thi đua.

Thôi được, hãy để mắt xem thằng nhóc này còn làm gì thêm nữa rồi hãy tính…

Trưa hôm sau, đến giờ ăn cơm, tôi cố đi sát bên Nguyên, hỏi nhỏ:

Sao mày đả đảo tao?

Nguyên lặng thinh, lảng sang chỗ khác.

Lớp “cảm tình đoàn” khai giảng, Nguyên đi học. Tôi mừng vì đủ “chỉ tiêu”. Tôi hỏi Sơn:

Mày thấy thằng Nguyên học “cảm tình đoàn” ra sao?

Sơn trề môi:

Nó đi dự chứ không học…

Là sao?

Nó ngồi chơi, không ghi chép gì cả…

Khoảng một tuần sau, cũng vào giờ ăn trưa. Tôi đến lúc cả phòng ăn đang xúm đen vào một chỗ bên vách tường, gần cửa ra vào. Tôi chen được vào và ngỡ ngàng nhìn thấy dòng chữ nghệch ngoạc: “đoàn là tay sai của đảng - chúng tôi không muốn làm tay sai!” Vẫn nét chữ quen quen, không biết viết từ lúc nào… chắc chỉ nội trong đêm vừa rồi.

Tôi chờ thầy chủ nhiệm gọi tôi lên gặp, nhưng không thấy.

Tối hôm đó, thằng Sơn đưa tôi một tờ giấy có mấy dòng chữ được đánh máy cẩn thận: 

“Bác Hồ chết trúng ngày trùng
Cho nên con cháu dở khùng, dở điên
Bác Hồ chết trúng ngày tiên
Cho nên con cháu vượt biên đùng đùng…”

Tôi dè dặt hỏi:

Cái này ở đâu?

Tụi nó lượm được trong phòng ăn, lúc nãy.

Sơn ngó tôi, dò xét rồi nói thêm:

Không phải một tờ mà nhiều lắm… như rải truyền đơn vậy.

Tôi thấy ngực nằng nặng, vừa lẩm bẩm vừa ngó lơ đi chỗ khác:

Coi như không thấy, không biết là được rồi.

Hôm sau thì Nguyên lẳng lặng thu xếp đồ dùng cá nhân, từ giã anh em trong phòng ra ở ngoại trú. Nó chẳng thèm nói với tôi một tiếng.

Sau đó có tin công an thị xã về làm việc với Ban quản lý nội trú, với thầy chủ nhiệm lớp tôi. Tin cho hay công an đem máy ảnh lên chụp mấy câu khẩu hiệu không biết ai viết trên vách nhà xí: “Đả Đảo Cộng Sản”. Cả khu nội trú xôn xao, lo sợ.

Tôi linh cảm có việc gì ghê gớm sắp xảy ra cho Nguyên. Tôi mất ngủ mấy đêm…

*

Một sáng thứ bảy. Sau giờ sinh hoạt lớp, tôi và thầy chủ nhiệm được mời nán lại để lên phòng Hiệu trưởng có việc riêng. Tôi đi sau thầy chủ nhiệm nhưng cũng đủ thoáng thấy bóng ba nhân viên công an đang ngồi trong phòng Hiệu trưởng. Sống lưng tôi lạnh ngắt…

Công an làm việc nhanh chóng. Họ thông báo tóm tắt: Họ đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Đ.Đ Nguyên, sinh viên lớp C của trường về tội âm mưu chống phá chính quyền cách mạng. Việc họ mời tôi và thầy chủ nhiệm là để thông báo, vừa để bổ sung thủ tục giấy tờ. Công an yêu cầu tôi và thầy chủ nhiệm ký vào tờ giấy đánh máy sẵn. Tôi không dám đọc vì không đủ tỉnh táo, chỉ nhìn đầu đề thấy là đơn tố cáo và lẳng lặng ký tên vào tờ giấy như một con robot bị bấm nút điều khiển từ xa.

Sau khi Nguyên bị bắt một tháng, tôi rủ lớp trưởng và Sơn, gom tem phiếu thực phẩm mua được hai lon sữa và một ký đường cát hẩm đi thăm nuôi Nguyên vì Nguyên còn bị tạm giam tại thị xã. Tôi nhìn nó qua khung song sắt ở phòng thăm gặp. Nguyên ốm xanh mướt, tay đầy ghẻ lở, đầu rụng tóc gần hết. Nguyên bị lây bệnh trong tù. Thời đó thuốc men còn hiếm lắm, lại đang có đợt ghẻ “cộng sản” lây lan khắp hang cùng ngõ hẻm…

Tháng sau, tôi nghe tin Nguyên đã bị chuyển trại.

Ra trường, tôi đi dạy học được 7 năm thì bị Công an bắt vì tham gia vượt biển. Trong thời gian còn đi dạy, tôi cất công tìm kiếm Nguyên khắp nơi và được bạn bè cùng lớp sư phạm cho biết, sau khi ra tù Nguyên đã vượt biển và được định cư tại Mỹ.

Vậy là bác Hồ chết trúng ngày tiên thật rồi.

Tôi cũng ra tù, lây lất làm đủ nghề để sống vì bị “mất dạy” (1).

Chuyện đã qua gần 35 năm, giờ đầu tôi đã bạc nhưng chuyện thì mới như ngày hôm qua.

Nguyên ơi! Bây giờ bạn đang ở đâu?

Cổ Mã, ngày 23/4/2015



______________________________________

(1) Tiếng lóng dành cho những giáo viên bị buộc thôi việc

*



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 




Previous Post
Next Post
Related Posts