Cuối năm nói về “Thủ Đô ngàn năm văn vật”

David Thiên Ngọc (Danlambao) - Là người Việt Nam cho dù phiêu bạt nơi chân trời góc bể nào thì hai từ đất Mẹ, cố Quốc luôn canh cánh bên lòng nó chứa đựng vô vàn hình ảnh và nỗi niềm... trong đó núi sông, đất nước con người lồng chút tự hào về nền văn hóa dân tộc huy hoàng và rực rỡ.

Nói đến Văn Hóa dân tộc là nói đến cả một tổng quan không chỉ hạn hẹp sơ sài trong văn chương thơ phú... mà nó vô biên và thể hiện dưới nhiều hình thức cả trong sinh hoạt đời thường của mọi người dân trong xã hội, từ cách ăn mặc, chào hỏi, cung cách đi đứng và ứng xử với nhau cho đến các trò chơi dân gian trong những ngày lễ hội. Các nghi thức, âm nhạc lễ nghi từ làng xã cho đến cung đình. Từ phong tục tập quán, ca dao tục ngữ dân gian cho đến các hình thái nghệ thuật văn học có tính bác học hàn lâm. Do đó một đất nước, một dân tộc có được ngoại nhân tôn trọng hay xem thường là ở cái nhìn của họ vào nền văn hóa của nơi đó được thể hiện qua con người sở tại.

Không ít người VN cho dù trong nước hay phiêu bạt bốn phương trời cũng đều có một chút tự hào rằng Việt Nam có Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật tuy khuynh hướng chính trị có khác nhau chưa nói là bất đồng hay đối nghịch nhưng cái tự hào dân tộc là tự hào chung.

Trang sử Việt hàng ngàn năm còn lưu lại với bao hình ảnh riêng về nền “Văn Hóa Dân Tộc” với gam màu tươi hồng và rực rỡ tựu trung quây quần ở đất ngàn năm Thăng Long với “Long tàng Hổ phục”.

Trên đây là vài nhận định chung về nét văn hóa và niềm tự hào về nền văn hiến của đất Thăng Long nhưng tất cả chỉ là tiếng xưa, chỉ là hoài niệm về “một thời xa vắng” với chút phảng phất dư âm “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà H. Thanh Quan) của một thời vang bóng.

Hà Nội ngày nay, văn hóa Mác-Lê-Mao tràn về từ rừng núi, kể từ mùa thu bác lãnh đạo đoàn quân ô hợp nổi lên cướp chính quyền và từ đó len lỏi vào từng đường tơ kẽ tóc, từng làn da sớ thịt của người dân bằng những mũi súng đường gươm. Và những nét văn hóa của nền văn hiến ngàn năm cũng mai một theo tháng năm mà nhường chỗ cho cái văn minh thời thổ tả lên ngôi để cho mỗi năm hoa đào nở người Hà Nội miên man về một thời quá vãng mà cất lên lời ai điếu cho buổi hoàng kim mà rằng: “Những người muôn năm cũ! Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ đình Liên).

Trong những ngày cuối năm, những “khúc ruột ngàn dặm” ngoái đầu nhìn về Tổ Quốc với Thủ Đô ngàn năm văn vật bỗng bàng hoàng không tin vào tai, mắt mình trước tin và hình ảnh vị chủ tịch cái thành phố được mệnh danh là thủ đô với nội dung “Hà Nội thiếu văn minh đô thị”. Qua đó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo được truyền thông hôm 30/12 dẫn lời tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Chỉ thị "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014". Và ông mong người dân Hà Nội khi ra đường đảm bảo được trật tự như ở Thành phố Hồ Chí Minh và "phải đi lại thế nào cho văn minh, lịch sự". Cái văn minh lịch sự ở đây chính là nét “Văn Hóa Dân Tộc” mà tôi đã nêu trên và ngoại nhân có tôn trọng hay khinh rẻ dân tộc đất nước VN là khi tận mục sở thị và tiếp xúc với người dân Thủ Đô. Với phương diện Quốc Gia và nỗi nhục quốc thể đối với thế giới gần xa thì ta không có lời nào để biện minh qua hình ảnh và thái độ ứng xử cũng như các nếp sinh hoạt đã và đang diễn ra ngay trong lòng Thủ Đô, tuy rằng “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi” mà nhất là nơi được mệnh danh là ngàn năm văn vật?.

Nơi đây tôi cũng xin ghi nhận một điều là lần đầu tiên cộng sản (Nguyễn thế Thảo) công khai phơi bày sự thật mà không giấu giếm cái thực tế tệ hại thiếu văn minh nhớp nháp ô hợp của cái Tp mang danh là trái tim Tổ quốc mà do chính ông ta lãnh đạo toàn diện. Trong hội nghị ông cũng không ngại ngùng rằng ngoài cái đi đứng thiếu văn minh lẫn cái nhếch nhác bẩn thỉu gây ô nhiễm cho môi trường mà đặc biệt là nếp sinh hoạt trên đường phố qua cách trang trí các bảng quảng cáo, đèn đuốc giăng dọc giăng ngang phục vụ cho việc kinh doanh trên vỉa hè một cách phản cảm đồng thời thể hiện cái tình trạng “sử dụng đường phố không văn minh”.

Ông than phiền về thái độ văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân thành phố. "Người Hà Nội vốn lịch sự văn minh, tao nhã, nhưng giờ chẳng thấy đâu... Cái tinh hoa không hội nhập lại cứ nhập cái yếu kém vào," (Infonet). Tại đây tôi cũng xin nêu lên một điều rằng qua sự nhìn nhận thực tại về các nét văn hóa, sinh hoạt xã hội và môi trường sống ở Thủ Đô của vị chủ tịch như một thùng nước lạnh tạt vào mặt cái “hệ thống nói láo” từ xưa nay. Chính trong vấn đề này các cơ quan ban ngành của Tp Hà Nội đều báo cáo tổng kết trong năm qua thành phố đã tiến xa một bước đáng kể trong xây dựng Tp với môi trường trong lành xanh đẹp, đường phố thông thoáng văn minh. Các bảng báo cáo thành tích trên hiện đang nằm trong VP của vị chủ tịch đang phát biểu đánh giá tình hình trong buổi hội nghị tổng kết này. Với bản chất của người cộng sản là bưng bít mọi điều cho dù là xấu xa và cấp trên luôn đồng lõa với cái LÁO của cấp dưới đồng thời LÁO lên cấp trung ương và cả toàn dân.

Thời gian gần đây trong một cuộc thảo luận trực tuyến của BBC tiếng Việt về chủ đề “Hà Nội, Sài Gòn đâu đáng sống hơn” thì hầu hết các vị được mời tham gia đều đánh giá Sài Gòn cao hơn Hà Nội nhiều và đáng sống hơn. Đặc biệt Tiến Sĩ Alan Phan đã không ngần ngại cho Hà Nội điểm số 1/10 và Sài Gòn 2/10 về môi trường sống. Về con người, ông Alan Phan cho rằng không có sự khác biệt lớn giữa hai thành phố này.

"Bởi vì người Hà Nội vào Sài Gòn rất đông. Và sự đồng hóa, từ hồi di cư năm 1954, là đã có một sự thay đổi lớn về văn hóa, nhưng mà sau đó đến thời 1975, có thể nói văn hóa Sài Gòn bị biến đổi hàng ngày, hàng giờ. "

"Và cho đến ngày hôm nay, như tôi nói chừng 10 năm nữa, có lẽ không phân biệt được giữa Sài Gòn với Hà Nội," (BBC)

Trong sự đánh giá và nhận xét của mình thì Ts Alan Phan cũng đã cho ta thấy cái mặt thật của cái gọi là “Giải phóng Miền Nam” và như trong “Bên thắng cuộc” Huy Đức cũng đã nhìn nhận ngược lại là “Miền Nam giải phóng Miền Bắc”. Tôi nghe phảng phất và rơi rớt đâu đó cũng còn những giọt nước mắt của nhà văn Dương Thu Hương trên hè phố Sài Gòn khóc cho một xã hội văn minh đã phải gục xuống trước làn sóng bạo tàn tràn về từ cõi chết, trước mắt nhà văn là bạt ngàn sách báo đa chiều mà từ trước giờ nhà văn chưa hề được thấy nơi thiên đường xã nghĩa, nơi mà mệnh danh là “ngàn năm văn vật” làm cho nhà văn choáng ngộp và con đường hướng về trời Tây đã phát ra từ dạo ấy.

Hai từ “Đồng hóa” mà Ts Alan Phan dùng cho sự tràn vào Sài Gòn của người Hà Nội và cả miền Bắc làm cho Văn Hóa Sài Gòn biến đổi từng giờ tôi thấy có một cái gì đó xót xa và kinh tởm... đồng thời liên tưởng đến chỉ 6 năm nữa thôi với sự dẫn đường của tập đoàn CSVN thì người Hán cũng tràn qua “đồng hóa” VN như thời điểm năm 1975 Miền Nam VN thọ nạn.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ:

...Kể từ sau ngày các bác vô đây 
ông ngoại bỗng nhiên bị bắt, tù đày 
bà ngoại nhớ chồng rưng rưng mỗi tối 
má cháu ưu sầu đánh mất thơ ngây. 

Hai năm sau ngày các bác vô đây 
một sáng mùa đông sương trắng giăng đầy 
các bác đến nhà, lưng đeo súng đạn 
bắt má đi làm thủy lợi miền tây. 

Một tháng đi làm thủy lợi miền tây 
má về ốm o, thân xác hao gầy 
má ôm ngoại khóc, thì thầm kể lể: 
cán bộ hiếp con, có lúc cả bầy!... (Nguyễn Thành Bửu)

Để cho cái cảnh tang tóc kể trên không trở lại trên quê hương thì chỉ có một con đường duy nhứt la gần 90 triệu nhân dân VN phải nhất tề đứng lên “Tiêu cộng thoát Trung”.

Để kết thúc bài viết tôi xin kẻ hầu quí vị câu chuyện của chính người viết trong những ngày đầu tò mò về thăm cái thiên đường ngàn năm văn hiến này trước lúc chia xa về bên kia bờ đại dương xa thẳm...

Chuyện rằng: Trong những ngày tháng cuối của thập kỷ 70s thế kỷ trước. Trong một chuyến về thăm miền đất hứa, ngay giữa lòng Thủ Đô Hà Nội với đường phố mờ sương, không phải sương trắng mùa đông của khung trời Miền Nam mà sương đen, xám của cát bụi lẫn văn hóa Thăng Long làm cho tầm nhìn của các lái xe bị hạn chế và vô cùng hiểm nguy. Nhất là với những tài xế phương xa mới đến như chiếc xe tôi đang ngồi. Mà lòng đường thì người đi bộ và xe đạp (chỉ toàn xe đạp thôi) vô tư đi đứng dọc ngang như giữa Trường Sơn bạt ngàn cây lá.

Trên cabin xe ngoài lái xe và tôi ra còn có một anh côn an xin quá giang một đoạn. Trên đường đi lái xe luôn bóp còi inh ỏi báo hiệu cho người đi bộ và xe đạp nói trên nhưng có một điều lạ là những người cản đường ấy không hề quan tâm chú ý và “tự nhiên như người Hà Nội” thỉnh thoảng có vài người quay nhìn nhưng vẫn không thay đổi và tiếp tục đi chẳng cần nhường đường cho ô tô mà ô tô tự tránh né mà thoát qua. Tôi lấy làm lạ và hỏi anh côn an quá giang trên xe về ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Quí vị có biết tôi nhận được lời giải thích của người am tường pháp luật xã nghĩa sao không? Mời quý vị:

- “Bác ạ! Dân miền Bắc chúng tôi là thế cả! bởi mạng sống của người dân rất được tôn trọng nên xe lớn phải nhường và không bao giờ dám đụng vào. Do đó người dân đi thoải mái mà không cần tránh né. Còn ở Miền Nam các bác nếu đi như thế thì “Mỹ, Ngụy” nó tông cho chết không toàn thây. Bởi xã hội Miền Nam không tôn trọng mạng sống của người dân. Do đó dân Miền Nam các bác nếu đi bộ thì trên vỉa hè, xe máy thì sát lề cho an toàn tính mạng.”

Tôi không tin vào tai mình và ném tia nhìn về phía anh côn an ẩn chứa “vô cùng than phục” và botay. com

Sau đó thời gian không xa tôi đành xa lìa Tổ Quốc mà không chút ngại ngần cho dù cắt từng khúc ruột bỏ đi.

Ngày 31. 12. 2014


Previous Post
Next Post
Related Posts