Những bài học trong chốn lao tù (Kỳ 18): Roi “Thánh Gióng” trong tù và nguy cơ lây nhiễm HIV

Nguyễn Trung Tôn (Danlambao) - Quản giáo Hùng quát lớn: Các anh định làm loạn nhà giam hả? Bộp, bộp... Tiếng gậy cao su đập vào người Châu kêu liên tiếp lẫn vào tiếng gầm thét của các công an cùng tiếng van xin của các bị can “Con xin ông ạ, con biết lỗi rồi!”. Họ bắt tất cả 7 bị can trong buồng 7 cùng ra ngoài. Bắt nằm sấp xuống. Tiếp theo họ lấy khăn mặt của các bị can, bắt họ ngậm vào miệng cho khỏi la và khỏi cắn phải lưỡi. Dùng gậy cao su quất vào mông mỗi người từ 5 tới 7 gậy. Ngoài ra Thái Ba Châu là buồng trường còn bị quản giáo Hùng dùng chân đá liên tục vào bụng, sau đó lần lượt bắt từng người bò vào buồng...

*

Vào một buổi tối bình thường như mọi buổi tối khác trong nhà A1a Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ an; khoảng trung tuần tháng 8 năm 2011. Buồng chúng tôi vẫn nhè nhẹ hát thánh ca, cầu nguyện và chia sẻ tâm tình cùng nhau. Nhưng hôm đó có sự kiện đặc biệt hơn những hôm khác, vì buồng chúng tôi sẽ chia tay Nguyễn Duy Ngọ, bởi sáng ngày kia cậu sẽ phải ra tòa và biết chắc kết quả là cậu sẽ được thả về ngay tại tòa. (Gia đình đã thông báo cho Ngọ biết vậy!) Vì thế tôi dành nhiều thời gian hơn cho cậu ta; dặn dò tỉ mỉ nhiều điều để sau khi trở về Ngọ có thể sống tốt hơn. Tôi cũng gửi gắm cậu vài điều. 

Bên buồng 7 cũng có mấy người có lịch ra tòa vào ngày đó. Vậy nên họ gọi sang buồng chúng tôi để chào tạm biệt, vì biết chắc chiều ngày mai công an các huyện sẽ tới đưa bị can về huyện để chuẩn bị cho phiên xử ngày kia. Cậu Thìn buồng tôi có hát tặng anh em một bài hát gì đó, tôi không nhớ rõ. Sau đó phía buồng 7 cũng hát tặng lại để chào tạm biệt. Không gian trở nên ồn ào khi cả buồng 7 cùng hát đồng ca và dùng sô nhựa làm trống để hòa nhạc cùng bài hát. 

Thình lình, chúng tôi nghe tiếng bước chân dồn dập bên ngoài, tiếng chia khóa liểng xiểng mở cửa buồng chúng tôi, đèn pin dọi vào trong buồng. Tôi lại nghe tiếng trực trại Lê Tuấn Anh nói: Không phải buồng đó mà là buồng này! Tiếng chìa khóa chuyển vị trí sang buồng 7. Cửa buồng mở ra, tiếng quát thoát của các công an trở nên ồn ào. Qua ô cửa nhỏ tôi nhìn ra thấy có khoáng 5 hay 6 công an quản giáo, có người mặc đồng phục, có người cởi trần mặc quần đùi. Tôi nhận ra Trung tá Hà là Đội trưởng đội quản giáo, nhưng các phạm nhân vẫn quen gọi ông là “Ban Hà” (Tức là cán bộ trên ban giám thị), Trực trại Lê Tuấn Anh, quản giáo nhà A1b tên là Hùng (Có biệt dành là: Hùng Sát Thủ) và vài ba người tôi không biết tên.

Tiếng quản giáo Hùng gầm lớn: Thằng nào? Thằng nào làm buồng trưởng? 

Tiếng phạm nhân Thái Bá Châu run run nói: Dạ thưa ông là con ạ! 

Anh ra đây! 

Thái Bá Châu bước ra khỏi buồng. 

Quản giáo Hùng quát lớn: Các anh định làm loạn nhà giam hả? 

Bộp, bộp… Tiếng gậy cao su đập vào người Châu kêu liên tiếp lẫn vào tiếng gầm thét của các công an cùng tiếng van xin của các bị can “Con xin ông ạ, con biết lỗi rồi!”. 

Họ bắt tất cả 7 bị can trong buồng 7 cùng ra ngoài. Bắt nằm sấp xuống. Tiếp theo họ lấy khăn mặt của các bị can, bắt họ ngậm vào miệng cho khỏi la và khỏi cắn phải lưỡi. Dùng gậy cao su quất vào mông mỗi người từ 5 tới 7 gậy. Ngoài ra Thái Ba Châu là buồng trường còn bị quản giáo Hùng dùng chân đá liên tục vào bụng, sau đó lần lượt bắt từng người bò vào buồng.

Tưởng như vậy là xong. Không ngờ sáng ngày hôm sau, quản giáo Thành đang trong thời gian nghĩ trực dài ngày, nên một quản giáo tên Nguyễn Thanh Sang phụ trách trực nhà A1a. Quản giáo Sang đi tới nhà giam, tay cầm theo cây gậy “Thánh Gióng” (Một loại công cụ của các quản giáo dùng để trị tù, làm bằng thép B 40 gắn đôi, xoắn vào nhau, trên thân của sợi thép được chặt nhớm tạo thành những chiếc gai. Một đầu được gắn vào cán gỗ để cán bộ cầm). Các buồng giam được mở cửa như thường lệ. Cửa buồng 7 và buồng 8 mở sau cùng. Quản giáo yêu cầu cả buồng 7 bước ra ngoài, cởi hết áo, nằm sấp xuống nền nhà, lột luôn quần đùi xuống, để lòi mông ra, miệng ngậm khăn mặt. Quản giáo Sang dùng roi “Thánh Gióng” hết sức mạnh quất vào mông và lưng một người từ 5 tới 7 roi. Máu chảy ra trên các dấu roi quất vào, cứ thế lần lượt từ người này sang người khác. Sau đó cho họ vào buồng. 

Tiếng chìa khóa lại chuyển sang buồng 8. 

Quản giáo Sang gọi: “Anh Tôn ra ngoài gặp ban giám thị!” 

Tôi mặc quần áo dài và đi ra. Có một người là phó ban giám thị (Ban Thìn) tới đưa tôi ra ngoài nhà cung. Tại đây phó giám thị hỏi tôi rằng: 

“Anh ở đây đã lâu, anh thấy chế độ nhà giam thế nào? Có gì thắc mắc không? Nếu có gì cần đề xuất anh cứ trao đổi thẳng thắn với tôi. Nếu thấy có thể đáp ứng được tôi sẽ đề nghị ban giam thị xem xét cho anh”. 

Tôi có đề nghị một vài vấn đề về chế độ ăn uống, nước nôi, nhưng quan trọng nhất là tôi đề nghị được nhận và đọc Kinh thánh. 

Ông phó giám thị nhận lời sẽ xem xét đề nghị của tôi. Ông hỏi tôi tiếp: “Tại sao tôi qua buồng 7 và buồng 8 của anh lại vi phạm kỷ luật, gây mất trật tự nhà giam”? 

Tôi trả lời rằng buồng 8 chúng tôi không gây ồn ào gì cả, chúng tôi chỉ hát nhè nhẹ trong buồng để chia tay mấy người sắp đi xử thôi.

Khoảng 30 phút sau Phó giám thị dẫn tôi trở lại buồng. Về tới nơi, quản giáo Sang chỉ vào tôi và nói: 

“Còn anh nữa! Tôi sẽ tính tới anh sau! 

Cửa buồng 8 mở ra. Tôi bước vào buồng. Than ôi! Đập vào mắt tôi là 6 đôi mông bê bết máu, với những lằn roi “Thánh Gióng” hằn lên. Các bị can không mặc được quần vì đau. Họ nằm sấp xuống bục. 

Tôi hỏi: Các em vừa bị đánh hả? 

Cả buồng đồng thanh: “Vâng ạ! Họ không có ý định đánh anh và cũng không muốn cho anh chứng kiên nên đã gọi anh ra ngoài. Các em bị mỗi đứa 3 roi, riêng Phan Văn Hồng bị thêm 2 roi vì là đã đi tù tăng 2”. 

Thương các em quá, nhưng biết làm thế nào! Tôi cố gắng động viên mọi người chịu đựng, mặc quần vào cho quen đi, chỉ đau chút ngoài da thôi, nếu như là họ đánh bằng gậy cao su tuy không chảy máu nhưng còn đau cả phần thịt phần xương.

Tuy nói vậy để động viên mọi người, nhưng tôi không khỏi lo lắng cho họ, vì chiếc roi “Thánh Gióng” này đã được dùng để đánh rất nhiều người, biết đâu trong số đó có người nhiễm vi rút HIV thì nguy cơ lây nhiễm vào các em là rất cao! Tôi không dám nói ra suy nghĩ của mình với các em, vì không muốn gây thêm sự buồn lo cho các em. Tôi đã định bụng sẽ gặp Ban giám thị để đề nghị chấm dứt việc dùng loại roi này để đánh các bị can, nhưng đâu có cơ hội, vì việc gặp Ban giám thị là rất khó đối với chúng tôi. 

Biết chắc chiều hôm đó, Nguyễn Duy Ngọ sẽ bị đưa về công an huyện để ngày mai ra tòa xét xử và được trả tự do. Tôi dặn Ngọ khi về nhà hay dùng máy ảnh chụp lại thương tích và lưu giữ lại khi nào tôi về hãy đưa cho tôi làm tư liệu tố cáo. Thật tiếc khi tôi ra tù, Ngọ gọi điện cho tôi và nói rằng cậu đã làm theo lời tôi dặn, dùng điện thoại chụp lại hình ảnh đó, nhưng không may là chiếc điện thoại đó lại bị rơi mất. Ngọ có liên lạc với tôi vài lần, và hẹn sẽ ghé thăm tôi, nhưng không hiểu vì lý do gì cậu ta cắt hẳn liên lạc với tôi. Khi tôi gọi điện thoại cho cậu ta thì người trả lời là bố của cậu. Ông khuyên tôi không nên liên lạc với Ngọ nữa vì gây thêm phiền phức cho cậu ta. Vậy là tôi có thể đoán được nguyên nhân có nhiều người sống chung với tôi trong tù, tình cảm anh em gắn kết như thầy trò thật sự. Ai cùng thề thốt sẽ không bao giờ quên nhau, không bao giờ từ bỏ đức tin nơi Chúa, nhưng nay thì hầu hết họ đã cố tình lãng tránh tôi. Xót xa đau đớn vô cùng! Tôi đâu có ý định gì xấu xa khi muốn giữ liên lạc với những người này. Thật ra tôi muốn giúp họ hiểu biết hơn về cuộc sống. khuyên răn họ sống sao cho cuộc đời có ý nghĩa hơn thôi. Nhưng có lẽ trong số họ có nhiều người đã bị uy hiếp từ một thế lực nào đó, nên đã phải cắt liên lạc với tôi! Hay có thể có người đã nhiễm HIV và đột ngột qua đời cũng có thể vì một lý do khách quan nào đó!? Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng các em không phải trở lại chốn lao tù đầy nguy hiểm đó nữa.

Các em của anh ơi! Lằn roi “Thanh Gióng” chắc vẫn còn hằn trên thân thể các em, nó cũng vẫn còn in sâu trong tâm trí của anh, hy vọng rằng các em không ai bị lây nhiễm thứ vi rút quái ác kia! Bằng mọi giá anh sẽ tìm gặp lại các em để thực hiện những gì anh đã hứa.

Qua bài viết ngắn này tôi cũng muốn nhắn nhủ tới những người có trách nhiệm trong các nhà tù trên cả nước. Đề nghị các vị hãy chấm dứt ngay những hình thức tra tấn tù nhân theo kiểu tàn độc nói trên.

Thanh Hóa ngày 20/8/2014
ĐT: 0162-8387-716



____________________________________

Bài đã đăng:
Previous Post
Next Post
Related Posts