Chúng ta tôn trọng đa nguyên thay vì làm công cụ nên “được” Thủ Tướng xem là hàng cấm

Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Khổ nỗi hàng cấm ở đây lại là hàng độc: độc đáo và độc lập trong suy nghĩ là cái chắc, và dĩ nhiên không phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác ngoài chính sự tự mình tồn tại bằng mọi giá để vinh danh tự do, độc lập. “Không gì quý bằng tự do độc lập” mà lị!

Vâng, một khi Danlambao đã tuyên bố quyết liệt: “Chúng ta là công dân Tự Do” thì phạm trù Tự Do còn phải được hiểu gắn liền với khái niệm được xem mình là một công dân của một đất nước. Đáng tiếc là ý niệm công dân hay quyền công dân không hề có trong những chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Trong đó hẳn nhiên mọi quyền phát biểu ngôn luận, truyền thông báo chí vẫn còn rất nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là vẫn bị đe dọa hà khắc theo chỉ đạo vốn luôn sử dụng giới viết lách như một công cụ, và chỉ cốt phục vụ cho một mục đích duy nhất là chính trị.

Chúng ta cũng đã từng đau với nỗi đau “hãy đọc lời ai điếu” của Nguyễn Minh Châu với những cú tự đấm ngực mình: “Viết một câu trung phải viết một câu nịnh” “Hèn, hèn chứ. Cái sợ nó làm mình hèn!” Cũng như với Nguyễn Tuân trong những khật khưỡng của lòng mình đã đớn đau thốt lên chỉ vì biết sợ mà phải sống một kiếp sống thừa vậy thôi. Hay nói như lời thú nhận của Nguyễn Khải trong “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất” thì rõ ràng với lối viết minh họa theo đơn đặt hàng, làm nghèo sáng tạo và mặc đồng phục này thì “càng viết càng nhảm là cũng phải!”

Càng-viết-càng-nhảm thì đúng như hành trạng, khuôn mặt báo chí của Đảng CSVN bây giờ. Rập khuôn, dối trá, tuyên truyền là nghề của “chàng”, nghề hay nghiệp vụ của báo lề Đảng.

Thử hỏi một nền báo chí thiếu dưỡng khí như thế thì sẽ dẫn dắt quần chúng đi về đâu, và không lẽ người dân đọc báo là chỉ muốn đọc những “tin cán chó” hoặc đem làm giấy gói xôi...?

Một tờ báo tư nhân, nếu không có nhu cầu đọc báo mạng hằng ngày vẫn là món ăn tinh thần mà mọi người đang chờ đợi. Một tờ báo giấy đáng đọc thì sẽ không còn được dùng để gói đồ ăn.

Phải nói cho đến lúc nào chúng ta không cần phải lấy IP ở hải ngoại để làm báo, hoặc trưởng thôn chủ bút, BBT phải vờ vịt “giấu mặt” hệt như không gian ảo để khỏi bị trù dập này nọ, hay muốn viết muốn phản biện như thế nào thì tòa soạn cũng không phải rào trước đón sau bằng một câu thòng: “Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.” Thật tình tôi cũng không rõ có phải đây là một cách e dè cho “phải đạo” vừa đăng vừa lách, vì “làm báo trong nước thì phải thế thôi”? Một cách nào đo, tòa soạn vừa muốn phục vụ thông tin đa chiều, vừa phải tỏ ra mặc áo giáp cho sự an toàn của mình nhiều hơn là sẵn sàng đương đầu đứng hẳn về phía người viết, một khi bài viết đã được biên tập và chọn đăng trên chính sân chơi được mệnh danh là báo lề dân (?!) Cách nào đi nữa, người viết cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho bản lãnh ngòi bút của mình, không phải vậy sao?

Ờ thì đành rằng họ có thể quy chụp “diễn biến hòa bình” hay bị thế lực thù địch rủ rê, hoặc cáo buộc điều luật này điều luật nọ..., và chúng ta thừa biết mục đích quy chụp, buộc tội, ra tay chống phá trừng trị, xảo trá của “Đảng” thuộc hạng thượng thừa đẳng cấp. Tuy nhiên, mặt trận truyền thông tư tưởng trong thời đại siêu xa lộ thông tin này luôn đóng vai chủ động lột trần sự thật, và không gì bít bưng cách mấy còn giấu được dưới ánh mặt trời, nhất là ngày càng có nhiều diễn đàn báo chí nở rộ những nhà bình luận chính trị sắc bén và giàu tính quyết liệt đấu tranh. Những dư luận viên diễn (hay diễu?) mãi vai đào thương kép độc mà không tỏ ra sắc sảo, đột phá thì cũng chỉ hoài công nhảm nhí, phản tác dụng. Nói như thế để thấy nghề dư luận viên quả thật bạc bẽo, tệ hại, không lương thiện và con số 900 DLV được tung ra nên giải nghệ đỡ tốn kém tốn sức là vừa. Vai trò còm sĩ của Danlambao coi vậy mà lắm khi còn phải tỏ ra thiết thực xông xáo, như những mũi tên xung kích vừa đỡ đòn vừa nhử đòn.

Hơn thế nữa, điều tôi cảm nhận rõ ràng nhất ở diễn đàn này là sự thể hiện hết mình tính đa dạng của thuật ngữ đa nguyên. Với chủ trương người dân làm báo hay báo của người dân, một lần nữa BBT đã xác nhận được tính đa chiều phong phú của mọi nguồn tin và mở ra được mọi vấn đề quan tâm của người dân trong một nước đời sống chính trị xã hội kinh tế bị bóp nghẹt từng ly từng tí.

Không trách một diễn đàn dám ăn dám nói, dám đem nguyên tắc đa nguyên ra áp dụng như Danlambao được Thủ Tướng chiếu cố tận tình, để phải ra lệnh triệt hạ cấm đọc. Đa nguyên để tiến bước trên đường tự do dân chủ và phát triển những lợi ích quốc gia mà Thủ Tướng không thích sao (?!)

Nghĩ cho cùng, nếu đa nguyên chính trị dẫn đến đa đảng làm một chế độ độc đảng lo sợ, thì cởi mở đa nguyên trong những nhận thức lãnh vực truyền thông báo chí, tất yếu sẽ dẫn đến một nền báo chí tự do, và điền này hẳn sẽ làm Đảng CSVN dị ứng vô cùng.

Điều quan trọng là đã đến lúc nhà cầm quyền cần biết lắng nghe tâm tư của người dân đa phần được thể hiện qua những diễn đàn lề trái (tim) và hẳn nhiên không thể tiếp tục ra oai bằng những nghị quyết, nghị định vi hiến, khi Điều 26 (trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 2013) đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định”.

Chí ít nhà nước cũng nên tỏ ra biết điều thả ngay những nhà báo, blogger đã bị cầm tù, chỉ vì đã không thể bẻ cong ngòi bút và viết phản biện những điều nhà cầm quyền không vừa ý như nhà báo tự do Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh...

Vậy là 4 năm chúng ta đã cùng Danlambao gõ hoài một ước mơ: Tự Do Báo Chí. Tất cả sớm muộn gì cũng không còn là dự phóng, mà sẽ trở thành hiện thực nay mai.

Hành trình Tự Do của chúng ta đang được thu ngắn lại, vì chúng ta vẫn đang đi tới đến kỳ cùng!


Previous Post
Next Post
Related Posts