Cái Z của bác Hồ

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Người mổ (bàn phím) đoan chắc thế nào cũng có bạn đọc, khi mới liếc sơ cái tựa, thấy “cái Z” đã ngay tức thì “bức xúc” và không chừng, sau khi đọc kỹ, thấy “cái Z” gắn liền với bác Hồ, có vị sẽ nâng ”phản cảm” của mình lên một tầm cao mới là siêu bức xúc, để rồi oánh giá tác giả có ý đồ bôi xấu “cha già dân tộc”, chống phá tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cái chủ nghĩa mà 61 nhà kách mạng lão thành mới vừa dâng kiến nghị “đảng ta” dẹp đi, song “ta” vẫn kiên quyết “Em chả, Em chả” ra khỏi đảng khi bị “đài địch” RFA hỏi.

Để giải tỏa “bức xúc” do sự hiểu lầm (cái Z) gây hậu quả nghiêm trọng này, người mổ xin thưa ngay, “Cái Z” ở đây chẳng chút gì dính dáng đến cái Z quý vị đương sự đang mường tượng trong đầu cả. Xin đọc hết bài, sẽ rõ “Cái Z” của bác Hồ là cái chi chi. 

Đúng ra cái tựa bài cho đầy đủ phải là “Cái Z, phần dưới bụng và tiếng Hẹ của bác”, nhưng như thế sẽ gây thêm “bức xúc” không cần thiết.

Xin bắt đầu chuyện “Cái Z của bác Hồ”:

Cu Tèo là cựu cháu ngoan lão thành một thời của Bác, từng choàng khăn đỏ, nhảy cò cò hát Kết Đoàn, Dân Liên Xô; từng “yêu bác Hồ Chí Minh” đố ai “hơn các em nhi đồng” có Tèo trong đó.

Nhưng nhờ sớm “giác ngộ Kách Mạng” tức là phát giác và ngộ ra Kách Mạng mà bác hô hào thực tế nó khủng khiếp làm sao khi kinh qua “Phong trào phát động quần chúng đấu tranh” / Cải Cách Ruộng Đất / Đấu Tố, đã bỏ Bác chạy lấy Cu.

Xưa nay thiên hạ “bỏ của chạy lấy người”, Tèo thì bỏ Bác chạy lấy Cu. Song le Cu Tèo lại bị cái khuyết tật không giống ai, đó là “bỏ bác” mà không bỏ được “sự nghiệp của Người”.

Khi “Người” đã như cái “nghiệp” vận vào thân Cu, hễ “giác ngộ” thêm điều gì mới về “Người” là Tèo thích thú đem khoe, mặc dầu phần lớn là “cũ người, mới ta”; cũng may được một cái là, cũ nhưng hấp dẫn như mới, chẳng hạn hình bác Hồ chụp “vú sữa” các cháu từ Miền Nam ra dâng Người, hay cảnh bác Hồ vừa bước xuống khỏi máy bay, trông thấy bác Chu Ân Lai là nhào vô ôm, hai tay chụp cứng cổ, rồi hôn khắp mặt bác Chu khiến bác ấy không biết vì sướng đê mê tên người hay vì khiếp vía mà đứng như trời trồng.

Sau đây là ba “tài liệu” mới về vị “thánh trên trời thánh dưới đất” mà Tèo vừa “phát hiện” trên Internet, qua bài viết của ông Ngô Nhân Dụng có tựa đề “Tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh” (*)

“Người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh” là ông Trần Đĩnh (trong hình dưới đây); Tự truyện của ông là “Đèn Cù”.

Tại tòa soạn báo Sự Thật: (từ trái) Diên Hồng, Nguyễn Địch Dũng, Kỳ Vân, Lê Quang Đạo, Trần Đĩnh, Trường Chinh, Lê Xuân Kỳ, Thép Mới, Hồng Vũ (Nguồn: internet)

Đèn Cù là gì?

“Đèn Cù, cũng gọi là đèn kéo quân, là một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em và cho cả người lớn. Quý vị sẽ dần dần nhìn thấy hoạt cảnh xã hội Việt Nam những hình nhân voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh trên màn ảnh đèn cù trong hơn nửa thế kỷ. Trong đó có tác giả. Một nhân chứng, một người tham dự trong đám Voi giấy (ối a) ngựa giấy lần lần hồi tưởng lại những cảnh cùng nhau chạy vòng quanh (ối a) nó tít mù. Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu chưa phải là một kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vật, thao thức, kinh tởm, giận dữ, xót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù.” (*)

Như trích đoạn lời giới thiệu trên đây của ông Ngô Nhân Dụng, “Đèn Cù” ghi lại “Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy”.

Trở lại tinh thần “Cái Z của bác Hồ”, Tèo xin phép tác giả Đèn Cù, trích ngang đoạn sau đây:

“Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: À, cái Z. tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. Chắc ‘máy’ cụ yếu, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, ‘gu’ của cụ.” Trần Đĩnh cũng nhớ trong lớp học “chuẩn bị cải cách ruộng đất” tháng Bảy năm 1953, “Cụ Hồ đến giảng cách nhật, có lúc cụ đùa hô lên trong hội trường Hồ Chí Minh Muốn Nằm!” “Rồi tay chỉ vào đầu [nói]: Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ.”

Đọc lời kể trên đây của ông Trần Đĩnh là người từng viết Tiểu sử Hồ Chí Minh, quý bạn đọc đã nắm bắt được hai điều.

Một là, “cái Z” của bác là “cái” gì của bác Hồ. Đó là một nhân vật thuộc phái nữ, tuổi trẻ (Cái) tên “Z”ì đó mà Họa sĩ Phan Kế An hoặc nhà văn Trần Đĩnh không tiện/dám nêu rõ đã “tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ”, và “cắm” tại đó “vài tháng”. Mục đích của “sự cố lịch sử” Cái Z tự ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ” là gì thì chưa ai biết, vì thời gian này Phan Kế An hàng ngày đến vẽ Cụ Hồ tự khai với nhà viết Tiểu sử bác Hồ rằng, “ tớ được xua về sớm”, nhưng có lời đồn là để “bác cháu ta cùng hành quân” sớm.

Hai là, cái đầu của Bác thì già nhưng cái (dưới) bụng của Bác thì trẻ. “...Trong lớp học “chuẩn bị cải cách ruộng đất” tháng Bảy năm 1953,“Cụ Hồ đến giảng cách nhật, có lúc cụ đùa hô lên trong hội trường Hồ Chí Minh Muốn Nằm!” “Rồi tay chỉ vào đầu [nói]: Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ.” Bác nói từ đây tức từ cái bụng trở xuống thì Bác trẻ là cực kỳ chính xác. Cái món đó có khỏe, bác mới đuổi họa sĩ hàng ngày đến vẽ về sớm hơn mọi khi suốt “vài tháng” để bác “làm việc” với cái Z được lâu hơn.

“Tài liệu” về Bác sau cùng Tèo mới khám phá là Bác Hồ thông thạo tiếng Hẹ. Theo Nhà báo Ngô Nhân Dụng (*) thì:

“Ông (Trần Đĩnh)cũng kể chuyện năm 1960 theo Hồ Chí Minh đi Móng Cái, dự mít tinh rồi “đi lượn phố, thăm trường học”. Hồ viết lên bảng một chữ Hán “nhân”, rồi hỏi: “Trây sấn mà chề” nghĩa là “Đây là chữ gì?” Ông nói bằng tiếng Khách Gia, Hakka, miền Nam gọi là tiếng Hẹ; là thổ ngữ của người gốc Hoa ở địa phương này. Tác giả thắc mắc, “tại sao đến đây Cụ đi chơi phố nhiều như thế? Khéo [cụ] đã ở đây thật?” Và có lúc đi trong phố “Cụ chỉ vào một ngôi nhà phía bên kia đường nói với tôi, đi bên cạnh: Ở nhà này ngày xưa có một chị bí thư chi bộ. Tôi ngợ ngay. Có quan hệ tình cảm gì [giữa cô đó] với Bác?”

Bác Hồ trọ trẹ tiếng Nghệ, nhưng lại thông thạo tiếng Hẹ!

Ô hay, không biết “bác” là Hồ Nghệ như Lịch sử đảng chép, hay Hồ Hẹ như Hồ Tuấn Hùng quả quyết trong Hồ Chí Minh bình sinh khảo?

Đến đây thì Cu Tèo bổng dung muốn “bức xúc” nên xin chấm dứt tài liệu mới về bác Hồ mà Tèo đọc được sau khi vượt qua một rừng tường lửa dựng lên khắp nước Việt Nam tự do dân chủ hơn các nước Tư Bản gấp mấy ngàn lần.



__________________________________

Ghi chú:

Previous Post
Next Post
Related Posts