Hãy xuống đường bên nhau vì quê hương

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Có sự chọn lựa đưa ta thanh thản vào giấc ngủ với giấc mơ nô đùa với con cái trên bờ biển mùa hè trong lành thuở nào. Có sự chọn lựa nhiều năm về sau ta phải hối hận khi ngồi bên giường bệnh nhìn con cháu quằn quại với căn bệnh ung thư vì nhiễm độc hóa chất hay kim loại nặng như thủy ngân. Nhưng quê hương không có sự chọn lựa nếu ta không đứng lên như lời kêu gọi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương “Không đòi, ai trả núi sông ta”. Vì vậy có sự chọn lựa cho chính nghĩa đáng để ta hy sinh, và có sự chọn lựa mà về sau ta phải đứng trước vành móng ngựa của lương tâm và lịch sử...

*

Sau khi biết công ty Formosa thông đồng với các viên chức để đổ gần 3000 tấn chất thải công nghiệp có hàm lượng thủy ngân rất cao xuống bãi rác lộ thiên không có người bảo vệ ở thành phố Sihanoukville ở Cambodia dân chúng liền nổi loạn và biểu tình suốt ba ngày liền. Mười ngàn người dân địa phương sau đấy bỏ chạy về thủ đô Phnom Penh lánh nạn.

Tổ chức Y tế Thế giới phái ông Mineshi Sakamoto, chuyên gia về nhiễm độc thủy ngân, ở Viện Nghiên cứu Minamata thuộc cơ quan môi trường của chính phủ Nhật sang tận nơi. Sau đấy ông nói trước báo chí: “ Đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện như thế này. Tôi rất kinh ngạc khi thấy nó, và tôi rất thương xót cho nhân dân Cambodia-thật là bất công.” (1)

Mười tám năm sau Formosa gây ra tội ác môi trường còn ghê gớm gấp triệu lần tội ác họ gây ra ở nước láng giềng của Việt Nam- biển chết, cá chết, sự đe dọa đến sự sinh tồn và phát triển nòi giống của cả một dân tộc đã và đang trường tồn và đứng vững qua biết bao thăng trầm lịch sử. Khi biển cả-cội nguồn của nền văn minh và sinh tồn - chết thì sự diệt vong tất yếu chỉ là vấn đề thời gian. Đây là sự khởi đầu của quá trình suy tàn của một dân tộc.

Số phận của chúng ta như con cá nằm trên thớt dưới lưỡi dao Formosa!

Ông Mineshi Sakamoto nếu hôm nay đến đây có thể ông sẽ nói như thế này: “Tôi vô cùng thương xót cho nhân dân Việt Nam-thật là vô cùng bất công.” Và ông chắc vô cùng kinh ngạc nếu như vào giờ phút này đa số chúng ta vẫn còn đứng bên lề cuộc sinh tử của gia đình và dân tộc.

Vì vậy chúng ta hãy xuống đường, hãy bước bên nhau vì quê hương, và hãy đứng bên nhau vai sát vai, chân sát chân, miệng sát miệng, lòng sát lòng, máu Việt nam chảy sát máu Việt Nam để cùng cất lên tiếng kêu xé trời xanh của biển người đang đứng mấp mé ở cửa tử-Formosa cút khỏi Việt Nam ngay!

Nhưng xuống đường hay không xuống đường là sự chọn lựa cá nhân phải được cộng đồng và xã hội tôn trọng. Tuy nhiên có sự chọn lựa chúng ta hiểu và thông cảm nhưng không bao giờ khen ngợi. Và có sự chọn lựa rất cá nhân dựa trên lương tâm, lý trí và can đảm cần nên được ca ngợi. Đó là sự chọn lựa của những người xuống đường với thái độ đưa cả hai má mình ra trước nắm đấm và dùi cui của những kẻ mà chúng ta nên tha thứ và thương hại họ vì họ không biết điều họ làm là sai đạo lý và trái với lương tri bình thường. Trách chăng là trách những kẻ chỉ huy họ ngồi trong phòng máy lạnh đang lướt mạng để tìm trước nơi tỵ nạn môi trường ở Phương Tây cho bản thân và gia đình.

Chủ Nhật này và hàng bao Chủ Nhật tới đường phố trên khắp nước Việt Nam sẽ rung chuyển không ngừng dưới những đôi chân bước theo chiều lịch sử hình chữ S ông cha ta đã chỉ ra từ ngàn xưa- chiều tiến lên để sinh tồn. Trời xanh vào những ngày ấy cũng sẽ dội vang vang không ngớt những tiếng hô xé trời từ hàng ngàn cái miệng dưới đất đồng loạt cất lên-Việt Nam trường tồn muôn năm! Biển Việt Nam muôn năm!

Có sự chọn lựa đưa ta thanh thản vào giấc ngủ với giấc mơ nô đùa với con cái trên bờ biển mùa hè trong lành thuở nào. Có sự chọn lựa nhiều năm về sau ta phải hối hận khi ngồi bên giường bệnh nhìn con cháu quằn quại với căn bệnh ung thư vì nhiễm độc hóa chất hay kim loại nặng như thủy ngân.

Nhưng quê hương không có sự chọn lựa nếu ta không đứng lên như lời kêu gọi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương “Không đòi, ai trả núi sông ta”. Vì vậy có sự chọn lựa cho chính nghĩa đáng để ta hy sinh, và có sự chọn lựa mà về sau ta phải đứng trước vành móng ngựa của lương tâm và lịch sử.

Chúng ta hãy quyết tâm cùng nhau chìa hai má ra để đi qua những hàng dài đồng phục và dùi cui để mở đường cho Việt Nam tồn tại bất biến cùng với biển cả đã nuôi dưỡng nên thể chất và tâm hồn của bao thế hệ người Việt từ ngàn xưa đến nay.

14.05.2016


___________________________________

(1) Theo bài báo của Chhay Sophal với tựa đề “‘Dangerous’ Waste Left In Cambodia; Taiwanese Material Contains Mercury” trên báo Washington Post số ra ngày 26/12/1998.
Previous Post
Next Post
Related Posts