Cái giá của biểu tình

Phạm Hồng Sơn - Một tòa nhà sắp sập, không còn cách nào khác phải tức khắc cùng nhau: Chống nhà cứu người.

Kẻ cướp phá nhà lúc nửa đêm, không ai còn ngại phá tan giấc ngủ hàng xóm để không tri hô: Cướp, cướp!

Biểu tình (manifestation, demonstration) để yêu sách một vấn đề xã hội về bản chất cũng là một hoạt động có tính cấp cứu, ngoại lệ. Vì vậy nó phải được phép, và vốn tự lương năng của nó đã hiểu, được vượt qua những luật lệ, phép tắc thông thường.

Giống như chống nhà cứu người, biểu tình nhiều lúc phải khẩn trương, cấp thời, không bỏ lỡ một phút giây cơ hội. Tương tự như chống cướp, biểu tình buộc phải có đặc tính hô hoán, náo động, thậm chí làm ngưng trệ các hoạt động khác của xã hội - nhằm đánh động, ngăn chặn, tố cáo, kêu gọi, tập hợp quan tâm, mổ xẻ, phụ giúp của công luận, cộng đồng trong nước và quốc tế.

Dĩ nhiên, vẫn có những tuần hành câm, những tọa kháng, thắp lửa âm thầm. Nhưng đó chỉ là những biến thể hạ cố của biểu tình. Và sẽ là vô nghĩa khi những hình ảnh, sự kiện biểu tình câm không được loan tải để thông tri, thức tỉnh công luận.

Cố nhiên, một hoạt động ngoại lệ sẽ có những hậu quả ngoại lệ, có thể tuột khỏi kiểm soát của ngay chính những người biểu tình điềm tĩnh nhất. Chính đó là nơi thể hiện vai trò của người được trao trách vụ quản trị xã hội. Để giảm thiểu các hệ lụy không nên có, nhà quản trị xã hội phải cần đến luật và các biện pháp khuyến cáo, đề phòng nhưng phải trên cơ sở minh bạch và tuyệt đối không cản trở, thủ tiêu các hiệu lực, thuộc tính cơ bản của biểu tình.

Những hậu quả ngoại lệ thường có vẻ gây tổn hại, hoặc thực sự gây thiệt hại trong ngắn hạn, của biểu tình lại không hoàn toàn tai hại nếu nhìn sâu hơn và được kê tính trên lợi ích chung của toàn xã hội.

Giữa việc đình trệ lưu thông khu trung tâm đô thị trong nhiều ngày hoặc dài ngày để đổi lấy một lực lượng cảnh sát, công chức tuyệt đối không có 'anh hùng Núp', không đòi hối lộ; Và cuộc sống cứ trôi đi đều như thường nhưng với hệ thống cảnh sát, công chức luôn là lực lượng 'còn đảng, còn mình', luôn sẵn sàng 'hành dân' hơn 'hành chính', bạn chọn điều gì?

Giữa một bên toàn bộ công sở, công ty, cơ sở kinh doanh tại một số khu vực phải đóng cửa trong nhiều tuần để đổi lấy một chính quyền không dối trá, không bán nước, không dám không từ chức khi mắc lỗi; Và một xã hội cứ thờ ơ, cúi đầu, phi biểu tình, phi ngưng trệ nhưng toàn xã hội phải nơm nớp sống trong lo hãi bị 'cướp ngày', phải sống với hiện tại và tương lai đầy chất độc trên lãnh thổ chủ quyền mỗi ngày bị thu hẹp do xâm lấn, xà xẻo cho ngoại bang, bạn chọn bên nào?


Những nhà quản trị xã hội, những người cầm quyền (thực sự) “của dân, do dân và vì dân” không thể không thấu hiểu các giá trị sâu xa cao cả như thế của biểu tình, với những cái giá không dễ chịu phải đối mặt và phải trả, để vừa phải hành xử trách nhiệm với quyền lực phục vụ được ủy thác và lương bổng đặc lợi được chu cấp bởi dân, và vừa phải tôn trọng quyền biểu tình tất yếu khi dân bất bình, lại vừa phải có nghĩa vụ làm dịu những tác dụng phụ không thể tránh khi biểu tình xảy ra. Đó là một nhiệm vụ cốt tử, cũng là bổn phận và vinh hạnh, không thể thoái thác của những kẻ được gọi, hay tự nhận, là: Công Bộc.

Chỉ có kẻ cướp, kẻ cầm quyền, chính quyền bất chính-phản động mới tìm cách cấm ngặt biểu tình, mới vu cho người biểu tình ôn hòa đủ mọi tội trạng, và đang tâm trấn áp, hăm dọa, đánh đập cả đàn bà, trẻ em.

Chính khi đó, Biểu Tình càng quí giá.

Phạm Hồng Sơn

Previous Post
Next Post
Related Posts