Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa

* Bài viết đã đăng trên Danlambao vào tháng 4/2014 của Nguyễn Ngọc Già.



Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Một số người trong nước cũng như người Việt hải ngoại cho rằng không nên vực dậy "xác chết" có tên Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy nhiên, lịch sử là nguồn cội của bất kỳ dân tộc nào. Lịch sử là khoa học và tính Người được thể hiện cao nhất từ đó. Bất kỳ một giai tầng nào hay một bậc vua chúa hoặc một nhà độc tài nào đi nữa, cũng không thể nào trốn được lịch sử. Lịch sử là Con Người.


Lịch sử dù đau thương như VNCH đã để mất Hoàng Sa, hay đáng tủi hổ như công hàm 1958 của VNDCCH và hội nghị Thành Đô của CHXHCNVN cùng nhiều biến cố sự kiện quan trọng khác không thể không nhắc lại. 

Nhắc lại để hiểu rõ hơn và để cho thế hệ con cháu hôm nay, ngày mai nghiền ngẫm, dọn mình cho một thời đại mới - đang bắt đầu ló dạng. Tôi không biết mình có mơ mộng hão huyền trong tình thế của nước CHXHCNVN hôm nay không, nhưng trong tâm hồn tôi, từ lâu, tôi muốn nói: Cám ơn Việt Nam Cộng Hòa - Nhà Nước mà ở đó, làm cho tôi "Trích Lục Bộ Khai Sanh" [*]. 

Sài Gòn - nơi tôi được sinh ra, lớn lên, chứng kiến một góc nhỏ nhoi những trầm luân của số phận dân tộc Việt Nam. 

Dù VNCH tồn tại ngắn ngủi, nhưng tôi không sao quên được cuộc sống chan hòa nhân ái của tuổi hoa niên, dù ngay trong những ngày chiến tranh lửa khói.

Hôm nay, bỗng nhiên trong tôi bật ra lời thành tâm này. Tôi viết với nỗi xúc động rưng rưng trên khóe mắt, khi xem lại hình ảnh những tử sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa - Trường Sa ngày xưa. 

Thay mặt gia đình

Như đã viết rải rác trong nhiều bài trước đây, tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, trong một gia đình trung lưu với việc làm ăn phát đạt, dần dẫn đến giàu có hơn. 

Thật ra, sau này tôi mới biết ba tôi là "Việt Cộng nằm vùng", do đó có thể nói, gia đình tôi là gia đình "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Cách đây vài chục năm, khi nghe câu này, tôi khá giận dữ và cảm thấy bị sỉ nhục. Cảm giác đó dễ hiểu bởi sự thật chưa được phơi bày như sau này.

Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà tôi tự tìm tòi. Tôi nghĩ, không có cách gì thuyết phục nhất cho mỗi người, nếu như tự thân mình không chủ động tìm hiểu và can đảm nhìn thẳng vào Sự Thật. Nhìn một cách thẳng thắn, không hề né tránh là điều chưa bao giờ dễ dàng, cho bất kỳ ai, cho bất kỳ điều gì, không riêng lãnh vực chính trị.

Ít nhất, cho đến nay, tôi có thể nói, tôi đã nhìn thẳng vào Sự Thật mà tôi biết, tôi tin một cách có căn cứ. 

Từ cảm giác giận dữ, dần dần tôi chuyển qua cảm giác nhục nhã. Nhục nhã vì sự vong ân bội nghĩa của gia đình mình đối với Quốc Gia mà từ đó gia đình tôi làm ăn khá giả một cách chân chính, còn bản thân tôi lớn lên từ đó.

Tôi không có ý định chạy tội cho ba tôi hay những người thân khác. Suy cho cùng, gia đình tôi vừa là đồng phạm, vừa là nạn nhân của cộng sản. Đó là sự thật. Ba tôi chưa bao giờ giết bất kỳ một ai.

Ba tôi đã chết dưới tay người cộng sản. Tôi có căm thù không? Có. Có muốn báo thù không? Đã từng. Điều mỉa mai, ba tôi chết không phải vì người cộng sản trả oán hay trù dập mà cái chết của ba tôi đến từ sự "ân sủng" dành cho ông - một người chưa bao giờ cầm một đồng tiền bất chính nào, cũng như chưa bao giờ nhận bất kỳ sự "ban ơn" nào từ người cộng sản. Một cái chết khá đặc biệt trong muôn vàn cái chết, do người cộng sản gây ra. Có thể đó là một niềm an ủi cho tôi. Cũng có thể đó là một ơn huệ của Ơn Trên, đã sắp đặt cho ba tôi một cái chết không hề nhơ nhuốc mà nhuốm màu thê lương trong một con người thơ ngây và chơn chất. Nhưng đó là câu chuyện quá vãng của gần 20 năm về trước, không phải những gì tôi muốn viết hôm nay.

Tôi có ba người chú ruột đều được "phong liệt sĩ". Cả ba người đều chết thời Pháp. Bà nội tôi được "tặng" "bà mẹ Việt Nam anh hùng". Tôi có hai người cậu ruột, trốn ngoại tôi để đi tập kết năm 1954. Hai người cậu ruột khác lại làm trong chế độ VNCH. Hai người cậu này đều có chức phận vào thời bấy giờ. Tôi có một người chị ruột làm trong nhà thương và "thân cộng" lúc đó. Một người anh ruột là sĩ quan thuộc quân lực VNCH (nhưng thật ra là VC nằm vùng), một người anh ruột khác là hạ sĩ quan cũng thuộc quân lực VNCH (thuần túy là lính, không quan tâm và tham gia vào chính trị, cũng như không phải VC nằm vùng). Tôi có vài người anh, chị ruột nữa, họ là dạng "cách mạng 30/4". Một số bà con thân thuộc nội ngoại khác, người thì ở trong "khu", người lại chống Cộng triệt để. Vài người khác, người thì là quân nhân, người nữa lại là công chức của VNCH v.v...

Hồi trước 1975, đa số gia đình đều đông con. Ít thì ba, bốn; nhiều thì chín, mười. Có gia đình lên đến mười hai - mười bốn người con, đều bình thường trong nếp sống lúc bấy giờ. Một đời sống sung túc, hầu hết gia đình khá giả, đều giống nhau suy nghĩ: nhiều con là phúc lộc Trời cho. Chế độ VNCH cũng không có việc "sinh đẻ có kế hoạch". Mắn đẻ lại là điều tốt mà phụ nữ thời xưa luôn tự hào. Cuộc sống dung dị như thế. Không chỉ riêng những gia đình giàu có mà có thể nói hầu hết đều tương tự như vậy.

Dông dài như thế, để nói rằng giòng tộc nội ngoại của tôi khá phức tạp. Giá như... 

Vâng, chính cái "giá như" nó đã làm hầu hết giòng tộc, anh chị em đại gia đình tôi "tan đàn xẻ nghé" từ dạo ấy. Dạo mà "rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn" với ngày 30/4/1975 (!)

Một giòng tộc như thế mà nói đến "đoàn kết" (như CSVN đang kêu gọi) thì quả là... hài kịch.

Ba tôi và anh chị tôi đã từng đi tù dưới chế độ VNCH. Ba tôi ra tù sớm, chị tôi thì được tha bổng sau vài tuần tạm giam, vì không đủ chứng cớ kết tội. Riêng anh tôi nhận án "20 năm khổ sai" và bị đày đi Côn Đảo cho đến (tất nhiên) 1975.

Điều tôi cám ơn Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa thật giản dị:

- Ngày ba tôi ra tù, ông vẫn mạnh khỏe. Về đến nhà chỉ một tuần sau là ông có thể bắt tay trở lại công việc làm ăn.

- Suốt thời gian ba và anh chị tôi bị điều tra cho đến lúc kết án chính thức, gia đình tôi (những người không liên quan) không hề bị săn đuổi, bắt bớ vô pháp, hành hung, xách nhiễu v.v... Má tôi đã gánh vác mọi việc làm ăn vào lúc đó. Chúng tôi vẫn đi học bình thường và sống trong môi trường không hề bị kỳ thị của bất kỳ thầy cô hay bạn bè nào. Hàng xóm láng giềng cũng không vì thế mà ghẻ lạnh, hắt hủi hay tiếp tay như kiểu bây giờ mà người ta gọi là "đấu tố thời đại mới".

- Anh tôi - người ở tù Côn Đảo, ngày trở về đất liền vẫn mạnh khỏe, dù ốm o đen đúa, nhưng không hề mang thương tật gì cả.[**]

Cá nhân tôi

Tôi cám ơn Việt Nam Cộng Hòa, không chỉ vì tôi được sống trong một xã hội - có thể chưa phải là tốt đẹp nhất - nhưng tốt đẹp hơn chế độ cộng sản 39 năm qua, mà tôi còn biết ơn vì tôi đã hấp thụ được nền giáo dục, có thể nói, cho đến nay 39 năm, dù VNCH không còn, dù CHXHCNVN cố gắng "cải cách" giáo dục nhiều lần rất tốn kém nhưng không hề mang lại chút tiến bộ nào khả dĩ. Và nói cho công bằng, giáo dục hiện nay tính về chất lượng, vẫn không thể nào đạt được như trước 1975 của miền Nam.

Nền giáo dục trước 1975 mà tôi hấp thụ, dù ngắn ngủi, nó thật sự là nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Trung thực và hiền lương. Ganh đua nhưng không đố kỵ. Biết phẫn nộ nhưng không tàn ác. Đặc biệt nền giáo dục đó giúp cho hầu hết học trò luôn biết dừng lại đúng lúc trước cái sai với nỗi xấu hổ và tính liêm sỉ - tựa như "hàng rào nhân cách" được kiểm soát kịp thời.

Chính xác hơn, tôi cám ơn Thầy - Cô của tôi, có lẽ bây giờ hầu hết đã qua đời, nếu còn sống chắc cũng đã nghễnh ngãng hay quá già yếu.

Tôi biết ơn các Giáo sư [***]. Tôi muốn nói rõ: Tôi không hề có danh vị, bằng cấp gì cả.

Tôi biết ơn Thầy - Cô của tôi, vì nhiều độc giả thương mến (có lẽ qua những bài viết), họ ngỡ tôi là: giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà văn, nhà giáo v.v... nhưng tôi thưa thật, tôi chỉ là một người "tay ngang" trong viết lách. Qua từng bài viết, tôi rút ra kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi luôn cố gắng viết cẩn trọng và khách quan nhất để thuyết phục độc giả. Tính cách này, tôi đã học từ Thầy - Cô tôi, ngày xưa. Dù môn Văn Chương ngày ấy, tôi luôn nhận điểm thấp tệ.

Tôi biết ơn Thầy - Cô của tôi cũng vì, sau 1975, cả nước rơi vào đói kém, làm cho "tính người" trong xã hội cũng mai một dần và tôi không là ngoại lệ. Thảm trạng xã hội lúc đó biến tôi trở nên chai lỳ, mất cảm xúc và lạnh lùng. Đặc biệt "chữ nghĩa" hầu như trôi sạch hết cùng những "tem phiếu", "xếp sổ mua gạo", chầu chực "mua nhu yếu phẩm" v.v... ngày xưa.

Về sau này, khi cuộc sống đỡ hơn, tôi có thời gian hơn cùng với thời cuộc đảo điên, dần dần, tôi cảm nhận tôi "trầm mình" trong nỗi đau của bản thân, gia đình, từ đó tôi mới thấu hiểu những điều ngày xưa tôi học và tôi giật mình vì sự lãng quên đáng trách đó.

Tôi tìm lại được "tính Người" mà bấy lâu nay tôi đánh mất.

Một lần nữa, tôi cám ơn Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa và các Thầy - Cô của ngày xưa.



______________________________________

Chú thích:

[*] Vì những năm loạn lạc, đặc biệt tết Mậu Thân, nhiều nơi cháy nhà và thất lạc giấy tờ. Sau khi tạm bình yên, má tôi đã ra Tòa Hành Chánh Quận 3 thời bấy giờ để làm "Trích Lục Bộ Khai Sanh" cho tôi.

[**] Tôi nhớ khoảng đến cả tháng sau (tức đâu khoảng cuối tháng 5/1975) anh tôi mới về tới SG, nhưng chưa được về nhà ngay mà ở đâu đó (lâu quá rồi tôi không còn nhớ địa điểm, hình như lúc đó ở tại một trường học nào đó thì phải?) đợi thẩm vấn điều tra từ "chính quyền cách mạng lâm thời" lúc bấy giờ, đâu hết cả hai tuần nữa mới được về nhà. Tôi nhớ lúc đó, tôi hỏi anh tôi rất ngây ngô: Ủa! Sao hơn cả tháng trời anh mới về nhà? Anh tôi cười và im lặng không nói. Mãi về sau, tôi mới lò mò tìm hiểu, thì ra, dù là "phe mình", nhưng bản chất người cộng sản là "bản chất Tào Tháo". Họ có tin ai bao giờ đâu! Họ giữ lại tất cả tù chính trị để điều tra xem thử có phải là gián điệp (các loại) được cài lại hay không (để tính chuyện lâu dài).

[***] Trước 1975, từ đệ thất (nghĩa là lớp 6 bây giờ), Thầy - Cô được gọi là Giáo Sư - một cách gọi trân trọng, không phải học hàm như bây giờ nhiều người biết.

Chùm thơ tưởng nhớ Tháng Tư đau thương

Bửu Tùng và thi hữu (Danlambao) - Thành kính tưởng niệm bảy vị anh hùng VNCH nhân ngày lễ giỗ thứ 42.

Tưởng Niệm Bảy Vị Anh Hùng

Long, Hai, Phú, Vỹ, Cẩn, Hưng, Nam
Bảy vị thiên thư định phẩm hàm
Ngũ tướng danh ngời trang lẫm liệt 
Song quan tiếng rạng đấng phi phàm
Tinh thần bất khuất tròn tâm giữ
Trách nhiệm thiêng liêng vẹn chí làm
Nhớ bậc vì dân, đền nợ nước
Hương lòng tưởng niệm quấn trời lam

Bửu Tùng
12/4/2017


Đôi dòng về 7 bảy vị trên bức tường tưởng niệm ở thành phố San Jose, California, Hoa Kỳ. Từ trái sang phải trong ảnh:

1. Trung tá cảnh sát quốc gia Nguyễn Văn Long, tự sát bằng súng vào trưa ngày 30/4/1975 ngay trước tượng đài thủy quân lục chiến Việt Nam, mất lúc 56 tuổi.

2. Chuẩn tướng Trần Văn Hai tư lệnh sư đoàn 7 tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, tuẫn tiết bằng thuốc độc vào chiều 30/4/1975, mất lúc 50 tuổi. 

3. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ tư lệnh sư đoàn 5, tự sát bằng súng sau buổi cơm trưa vào ngày 30/4/1975, mất lúc 42 tuổi.

4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4, tuẫn tiết bằng súng vào sáng 1/5/1975, mất lúc 48 tuổi.

5. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh phó quân đoàn 4, tự sát bằng súng vào tối 30/4/1975, mất lúc 42 tuổi.

6. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 tuẫn tiết bằng thuốc độc tại nhà vào chiều ngày 29/3/1975, mất lúc 47 tuổi.

7. Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng Chương Thiện, chiến đấu đến giờ phút cuối trong ngày 30/4/1975 và bị bắt tại Chương Thiện. Ông bị giam, bị tra tấn hành hạ suốt 4 tháng rồi bị xử bắn tại sân vận động Cần Thơ ngày 4/8/1975 lúc 37 tuổi.

*


Thơ xướng họa tưởng niệm - Bửu Tùng, Duy Anh, Huệ Thu (chủ nhân Sài Môn Thi Đàn), Hạ Thái Trần Quốc Phiệt, Linh Công, Mai Thắng.

Một nén hương lòng tưởng nhớ cố trung tá cảnh sát quốc gia Nguyễn Văn Long người đã tự sát trước Tượng đài Thủy quân lục chiến tại Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Phút Cuối

Nhìn lên bức tượng tái tê lòng
Phút cuối bên đời cảnh sát Long
Mạt tướng mưu riêng bầu dốc cạn
Anh hùng nợ nước chí đền trong
Thân người máu đổ trào muôn mạch
Đất Mẹ tay dang hứng trọn dòng
Tưới hạt kiên cường lưu hậu thế
Nuôi mầm ái quốc buổi nguy vong

Bửu Tùng
9/4/2017

Ghi chú: Người viết đề cập đến Dương Văn Minh trong câu 3. 

*

Các bài họa:

1. Tháng tư tuẫn tiết

Nỗi buồn nhược tiểu quá đau lòng.
Vận bĩ vào con cháu Lạc Long,
Giặc Bắc xâm lăng, tâm trí trá.
Nhà Nam tử chiến, dạ ngời trong.
Đồng minh phản bội, đời thay mặt.
Chiến sĩ vong thân, lệ ứa dòng.
Tuẫn tiết bi hùng, đừng chứng kiến.
Nhìn chi cảnh quốc phá gia vong!...

Duy Anh
April 10, 2017

2. Cảnh Đau Lòng

Tháng Tư ngày cuối: Cảnh Đau Lòng
Dưới tượng đài kia, Trung Tá Long! 
Tự sát nêu gương người lỡ cuộc
Sống thừa thẹn mặt kẻ ngoài trong!
Tạ tình Đất Nước ơn như biển
Rũ kiếp Nam Nhi lệ cạn dòng...
Bình Trọng ngày xưa lưu lại tiếng
Anh Hùng nhất định chẳng lưu vong!

huệthu
10/04/2017

3. Anh hùng tử, Khí hùng bất tử

Tượng ấy về sau mãi tạc lòng
Anh hùng tuẫn tiết Nguyễn Văn Long
Thanh danh ngàn kiếp nào mờ đục
Lịch sử muôn đời vẫn sáng trong
Bái với tiền nhân không hổ thẹn
Soi cùng hậu thế quá xuôi dòng
"Nghìn năm gương cũ soi kim cổ" (*)
Lừng lẫy trần gian nghĩa tử vong.

Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
Apr/2017.
(*) thơ Bà Huyện Thanh Quan

4. Vinh danh

Nước loạn, ngay gian mới rõ lòng
Vinh danh Trung Tá Nguyễn Văn Long
Ba sinh chẳng tiếc đời đen bạc
Một thác cho toàn dạ trắng trong.
Ngưỡng mộ, thơ đề khôn ráo mực
Tiếc thương, lệ đổ khó ngăn dòng.
Miền Nam nhớ mãi người trung liệt
Cầu nguyện Di Đà sớm rước vong!

Linh Công

5. Anh hùng tuẫn tiết

Con người chí cả mảnh đời trong!
Ảnh tượng hoài vương cảnh xé lòng
Vận nước quay cuồng cơn thảm nạn
Thời cơ đảo loạn cuộc suy vong
Vươn mình lẫm liệt gương kiêu dũng
Tạc sử ngời thiêng máu đẫm dòng
Hậu thế ngàn năm còn nhắc mãi
Anh hùng tuẫn tiết Nguyễn Văn Long

Mai Thắng – 170417

Xướng họa: Bửu Tùng, Người Nay, Lão Phương Ngữ - Trương Đình Đăng.

Thành kính tưởng niệm vong linh những người lính bị bỏ rơi nơi pháp trường cát tại bãi biển An Dương, Thuận An ngày 26/3/1975. 

Lữ đoàn thiện chiến 147 TQLC của QLVNCH đã phải chiến đấu đơn độc trong lúc chờ tàu di tản về Nam khi đạn dược, nước uống và lương thực đều hết cạn. Nhiều anh đã nhặt đạn M16 rơi sót trên bãi cát để tự sát và khi không còn đạn các anh đã cùng tự sát bằng những quả lựu đạn cuối cùng.

Biển Khóc

Biển khóc bên bờ cửa Thuận An
Trườn hôn sóng chạm những hơi tàn
Kình Ngư đạn hết ôm nòng lạnh
Mãnh Hổ môi khô thét họng khàn
Kẻ nhặt viên cùng gìn dũng khí
Người tìm quả cuối giữ trung can
Tàu Nga vũ khí cười phun lửa
Ngựa ngả tên còn bắn dã man 

Bửu Tùng
11/4/2017 

Ghi chú.
Kình Ngư: Tiểu đoàn 4 TQLC
Mãnh Hổ: Tiểu đoàn 9 TQLC

Các bài họa:

1. Lính Già

Giờ đây cuộc sống tạm nhàn an
Tuổi hạc tấm thân đã phế tàn
Hỏa pháo một thời, đâu hẳn tắt
Tiếng hô bao thuở, mãi chưa khàn
Kình Ngư vì nước liều thân xác
Mãnh Hổ vì dân mở ruột gan
Nhớ lại cái thời oanh liệt ấy
Thương đời lính chiến biết cơ man!

Người Nay

2. Nỗi Đau Dân Tộc

Bạn về nơi ấy được thân an
Bỏ dở tình nhau, cuộc chiến tàn
Đạn lạc "kình ngư" ôm cát lạnh
Tên bay "mãnh hổ" trút hơi khàn
Lòng trung mẫn thế buồn danh phận
Khí dũng ưu thời tủi phế can
Xác rữa cho ai đời phú quý
Máu người dân Việt chảy cơ man!

13/4/2017
Lão Phương Ngữ - Trương Đình Đăng


Tháng Mất Nhau

Một Tháng Tư về khóc mất nhau
Quê hương máu lệ thấm hoen màu
Người xe chạy giặc dòng nghiêng ngả
Đạn pháo dằn thây thịt nát nhàu 
Tiếng sét ly tan rền tủi nhục 
Khung trời kỷ niệm đẫm buồn đau
Anh bồng súng chặn cờ phương Bắc
Mở lối cho em thoát xuống tàu 

Bửu Tùng
6/4/2017

Bài họa:

Hoài niệm tháng tư đen

Em hỡi, tháng Tư thất lạc nhau.
Giang sơn tắm máu, đã thay màu.
Lìa xa đất mẹ, cơ đồ nát.
Bỏ lại quê cha, xã tắc nhàu.
Viễn xứ lòng mang bao nỗi nhớ.
Quê người dạ chứa bấy niềm đau.
Bóng chim tăm cá, ôi biền biệt...
Lỡ mất đời ta, bởi chuyến tàu!

Duy Anh
April 6, 2017

Ảnh: Nhiếp ảnh gia
Nguyễn Ngọc Hạnh.
Nỗi Buồn Chị Tôi

Chị tuổi đôi mươi mới lấy chồng
Sa trường tạo cảnh khóc phòng không
Cành hồng chớm nụ đơm mơ ước
Lính chiến dâng đời giữ núi sông
Góc biển nhân duyên tràn bão tố
Chân trời định mệnh bủa mưa giông
Bờ mây óng mượt anh thường vuốt
Chợt rối chiều buồn nhuộm gió đông

Chợt rối chiều buồn nhuộm gió đông
Tang thương xõa phủ áo quan chồng
Tay gầy bám bíu trên mồ lạnh
Lệ đắng tuôn rơi đẫm má hồng 
Vắng ngắt màu trăng mùa ngóng đợi
Xa mờ sóng mắt buổi chờ trông
Niềm đau khép kín đời cô phụ
Mộng ước trôi dần phía cuối sông

Mộng ước trôi dần phía cuối sông
Liều mình vượt sóng giữa trời Đông
Con tim, nguyện giữ tình son sắt 
Giọt máu, thề lưu nghĩa mặn nồng
Nước mất cha thành thân cá chậu
Nhà tan mẹ hận kiếp chim lồng 
Tự do hoặc xác chìm trong biển 
Đất mới tìm gieo giống Lạc Hồng

Bửu Tùng
21/4/2017

Vào cuối tháng Tư 1975, 43 chiến hạm Hải Quân VNCH, 4 ngàn thủy thủ đoàn và 30 ngàn người đã di tản trong chuyến ra khơi cuối cùng.

Ra Khơi

Đoàn tàu rẽ sóng giữa trùng khơi
Tiếng khóc vờn mây vọng thấu trời
Kẻ nấc thều thào kêu mẹ hỡi
Người nhìn lãng đãng réo mình ơi
Miền Nam chết lịm ngày buông súng
Gót Việt lênh đênh tháng đổi đời
Mắt xoáy sương mờ gom Quốc Tổ
Lưu vào nỗi nhớ chẳng hề vơi

Bửu Tùng
27/4/2017

Chiến Lợi Phẩm

Thấp thoáng bên đường "giải phóng quân"
Lưng mang chiến phẩm mới chia phần
Khăn choàng bộ lót xinh hoàn mỹ 
Máy hát đồng hồ đẹp tối tân
Lụa trả băng rừng sưng cặp mắt
Vàng đền vượt núi rã bàn chân
Phen này lễ hội... chàng liên tưởng
Thỏa sức người yêu diện áo quần

Bửu Tùng
10/4/2017

Bài họa:

Giải Phóng Quân

Vội bước bên đường gã cộng quân
Hòm rương lỉnh kỉnh xếp ban phần
Dép râu nón cối, trông hơi ngố
Đài đổng khăn len, thấy rất tân
Giặc Bắc xâm lăng, thua hóa thắng
Nhà Nam thất thủ, giả thành chân
Sài gòn giàu có phồn vinh thế!
Có thật ta đây "giải phóng quần"?

Duy Anh
11/4/2017

Hình ảnh một thiếu niên có tóc dài bị cắt ngay giữa đường bởi các ông "cách mạng 30".

Cách Mạng Ba Mươi

Ông quàng miếng đỏ buổi ba mươi
Cách mạng xưng danh cũng giống người
Chỉ điểm tàn dư lùng của "Ngụy"
Chia phần giải phóng đảo con ngươi
Lưng khoe súng lộ không nhàm chán
Miệng nói tay quơ chẳng biếng lười
Chữ viết như cua bò giữa ruộng
Ra đường cặp táp quảy cười tươi

Bửu Tùng
27/4/2017


Một Thời Không Quên

(Thơ họa)

Khoai mì độn chén lót lòng meo
Vắt sức nguyên ngày mặt tái theo
Cải tạo người kêu toàn khúc khuỷu
Lao công kẻ gọi chẳng vòng vèo
Da phơi nắng luộc làn khô khốc
Chiếu cuộn thây nằm phận tẻo teo
Ký ức hằn sâu thời khốn nạn
Tù nhân mạng sống rẻ hơn bèo

Bửu Tùng
4/4/2017

Bài xướng:

Điếu cày trong tù

Đớp chén bo bo vẫn đói meo.
Ngoài trời gió Bấc cảnh buồn theo.
Điếu cày một phát, kêu ro ró.
Lào thuốc vài bi, rít véo vèo.
Hút để phê phê, tim lại nhói.
Say cho lững lững, bụng càng teo.
Nỗi nhà thắc thỏm sao tròn giấc.
Cá chậu chim lồng, mạng rẻ bèo...

Duy Anh
April, 2017
Hình ảnh những phụ nữ miền Nam lặn lội ra Bắc để thăm nuôi chồng trong trại "cải tạo". Sau nhiều năm chờ đợi để nhận được tấm giấy phép đi thăm nuôi, họ phải bán tư trang và vay nợ cho chuyến đi thường phải mất 5 ngày đi xe tàu, vượt rừng, băng núi để, trong 30 phút được phép thăm tù, chỉ được nhìn người chồng gầy guộc mà nghẹn khóc khi nước mắt phải chảy về tim.

Thăm Chồng

Mừng vui nhận giấy được thăm chồng
Mấy độ Thu tàn mãi đợi trông
Gạo thuốc hành trang chờ món nợ 
Xe tàu cước phí tiễn đôi bông
Năm ngày vượt dốc hai chân nhủn
Nửa tiếng nhìn nhau bốn mắt nồng
Gác ngục trừng la: "giờ đã hết"
Tù nhân đứng dậy, nắm tay gồng

Bửu Tùng
25/4/2017

Ảnh một người tù "cải tạo" trở về sau 13 "học tập" trên đất Bắc.

"Học Tập Cải Tạo"

Loa truyền: "Học tập ít ngày thôi
Thực phẩm mang theo tí đủ rồi
Cách mạng khoan hồng ai bước lỡ
Nhân dân thứ tội kẻ tâm hồi"
Tàu xuôi đất Bắc mờ thân thuộc 
Mắt dõi trời Nam khuất núi đồi
Trước buổi lưu đày trông tráng kiện 
Khi về sợi trắng kín cằm môi

Bửu Tùng
24/4/2017


Ảnh (1) người miền Nam bị đưa đến một khu kinh tế mới; gia đình này chắc còn giữ được cái bồn rữa mặt để làm kỷ niệm. (2) Một căn nhà mới. (3) Trẻ con từ thành thị về sống ở khu kinh tế mới; có lẽ nụ cười nở ra khi gặp lại máy chụp ảnh.

Buổi Đổi Đời

"Giải phóng" nên đời thấy hỡi ôi!
Ngô khoai củ chuối cũng vơi nồi
Nhà xe cánh chắp thời câm miệng
Ruộng đất chân rời phải khép môi
Lớp học ngồi nghe đầu trí thức
Quan thầy đứng giảng não thiên lôi
Người nơi phố thị thành hoang dã 
Kẻ ở bưng biền đến nhận ngôi

Bửu Tùng
20/4/2017


"Tàn Dư" và "Giải Phóng"
(Cảm tác khi thấy bức ảnh người phụ nữ bán đậu hũ năm xưa ở Miền Trung trên Facebook.)

"Tàn dư Mỹ Ngụy" chính là đây
"Giải phóng" thời trang được thế nầy
Cổ khép nương tà chân guốc mộc
Da phơi tuột mảnh dáng vai gầy
Hàng rong chị đợi đồng tay ít
Rượu chát em dâng cụ túi đầy
Khắp nước bây giờ tươi mát thật
Dân mình vượt hẳn khối nàng Tây

Bửu Tùng
14/4/2017


Cuộc Đời Bất Hạnh

Thấm thoát em tròn tuổi bốn hai
Vừa sinh trán vội mảnh tang cài
Chiều cha tử trận chìm sông cái
Tối mẹ hôn mê thiếp giấc dài
Nước cháo ngày thơ phần định sẵn
Bo bo lúc nhỏ phiếu an bài
Hoa lài cắm bãi... người xưa ví
Bất hạnh vì tên thiếu đức tài

Bửu Tùng
8/4/2017


Thuở Ấm No

Chiến sĩ quên mình giữ tự do
Cho trăng tối hẹn những câu hò
Mênh mông biển rộng tươi luồng cá
Bát ngát đồng xanh rợp bóng cò
Mẹ dõi ngày Xuân dầu ngóng đợi
Em cười tuổi ngọc chẳng buồn lo
Miền Nam nước ngọt mùi hương lúa
Một thuở trong lành trải ấm no

Bửu Tùng
17/4/2017


Khúc Bi Hài

Đây dòng máu Việt rẽ thành hai
Bởi thuyết vô luân bất nghĩa tài
Bến Hải người canh gìn đất Mẹ
Trường Sơn kẻ vượt đóng quân bài
Bên "thua" vẫn chống bầy xâm lược 
Phía "thắng" luôn quàng chuỗi nạn tai
Xót mảnh gia tài nay vỡ vụn
Bài ca "Giải Phóng" khúc bi hài

Bửu Tùng
18/4/2017


Hương Vị "Giải Phóng"

Buổi ấy băng rừng "giải phóng" tôi
Ngày qua vị đắng nuốt chung rồi
Mồ cha đứa đập nhằm lên chức
Đất mẹ thằng san để kiếm mồi
Vết tích trên mình chưa đủ ạ
Vàng đồng trước ngực cũng thừa thôi
Anh nay có khác người "thua cuộc"?
Nát cửa tan nhà sống dạt trôi

Bửu Tùng
19/4/2017

Bài họa:

Anh giải tôi phóng

Ai người ‘giải phóng’ anh hay tôi?
Lạc hậu, văn minh? đã rõ rồi
Núi lẫn non lầm thằng tủi hận
Người sai kẻ lạc đứa tranh mồi
Bao năm chiến phẩm còn không ạ?
Hết kiếp cơ đồ vẫn thế thôi
Xương máu mang ra cùng mặc cả
Nay nhìn ruộng Tổ đất nhà trôi

MSV


"Tội Ác Của Giặc Mỹ"
(Cảm tác khi nhìn những bức ảnh cũ.)

Ai còn ánh mắt hãy nhìn đây
"Giặc Mỹ xâm lăng ác" thế nầy
"Đứa" bế người già băng lửa đạn
"Thằng" bê đám trẻ vượt sình lầy
"Tên" kia thích thú mời cho kẹo
"Gã" nọ tươi cười đứng nhảy dây
Chiến sự kinh hoàng buông cả súng 
Lo ôm với ẵm suýt rơi giầy 

Bửu Tùng
26/4/2017


Chinh Nhân Hội Ngộ
(Mến tặng các anh cựu SVSQ Khóa 10B/1972 Đồng Đế nhân dịp hội ngộ tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.) 

Bất khuất, gan lỳ, dáng dẻo dai
Nha Trang hội tụ những anh tài
Mùa Hè nhuộm lửa thiêu non nước
Tuổi trẻ trui người góp sức trai
Ngàn nẻo không nề tan máu thịt
Bốn vùng chẳng sợ giẫm chông gai
Nga Tàu bá mộng bày chinh chiến
Thế yếu bi hùng súng gãy hai 

Thế yếu bi hùng súng gãy hai
Bình minh lịm giữa bóng đêm dài
Chân rời đất Mẹ hờn vong quốc 
Gót chạm gông cùm gánh khổ sai 
Trí nặng tơ vương trời dĩ vãng
Lòng đầy khát vọng ánh tương lai
Chinh nhân hội ngộ buồn vui nhắc
Kỷ niệm thăng trầm một kiếp trai

Bửu Tùng
5/4/2017

Ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh.

Vá Cờ
(Xin riêng tặng những người anh hùng mũ đỏ năm xưa.)

Mũi chỉ yêu thương thức vá cờ
Khi hồn sống lại tuổi ngây thơ
Môi hồng bẽn lẽn cười ôm sách
Mũ đỏ thì thầm đứng dệt mơ
Đất Mẹ tồn vong nào lẩn tránh
Trai hùng trách nhiệm há làm ngơ?
Ngày mai chiến địa dù tung cánh
Áo vải miền quê mãi ngóng chờ

Bửu Tùng
28/4/2017


Sau 30 tháng tư, trí thức toàn trí dỏm

Đặng Huy Văn (Danlambao) - Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tôi xin tâm sự cùng quý vị những danh lợi mà trí thức dỏm Việt Nam chúng tôi đã và đang được hưởng, kể từ ngày non sông thống nhất.

Sau 30 tháng tư, trí thức toàn trí dỏm
Sau 30 Tháng Tư, trí thức toàn trí dỏm
Mắt cập kèm, tai nghễnh ngãng, mồm đau
Không thấy rõ, độc nghe nhầm, nói ngọng 
Lo vinh thân, sống chết mặc đồng bào!

Trường đại học thừa giáo sư, tiến sĩ
Nhìn nông dân chế máy gặt, máy cày
Tưởng có học mà bất tài vô học
Bởi học hàm, học vị bán trao tay!

Thầy cô giáo vì đồng tiền, bát gạo
Bồn hai năm nhồi sọ lũ học trò
Bắt học thêm, ngày học rồi, tối học
Để góp tiền tăng thu nhập thầy cô

Lũ nhà báo nay trở thành bồi bút
Mặc dân oan đau khổ vẫn tung hô
"Là thời đại Hồ Chí Minh chói lọi
“Không có gì hơn "độc lập tự do"!

Lũ nhà văn thì ngợi ca đất nước
Dù ngàn năm từng nô lệ giặc Tàu
Nhưng theo "bác", Tàu “giúp ta” đuổi Mỹ
Vinh quang thay tình hữu nghị Hồ Mao!

Lũ nhà thơ lo làm thơ đăng báo
Để kiếm tiền, kiếm giải thưởng vu vơ
Không quan tâm Formosa xả thải
Khiến Miền Trung bị đầu độc từng giờ!

Dân vào viện "đầu tiên" chưa cứu chữa
Lương y đang chờ từ mẫu đếm tiền
Nghề bác sĩ ngày xưa giúp cứu mạng
Còn ngày nay chỉ đợi "Phật" chờ "Tiên"

Hỏi vì sao Văn Cao, Trần Đức Thảo...
Sống lay lắt bất hạnh một kiếp người?
Sau 30 Tháng Tư, nếu Tố Như còn sống
Cũng vượt biên chìm nghỉm giữa xa khơi!

Ôi "Trí, Phú, Địa, Hào... trốc tận rễ!"
Thời Cải Cách Hào, Phú, Địa giết rồi
Còn Trí thức quy Nhân Văn Giai Phẩm
Đã đi tù cùng Trương Tửu, Phan Khôi...

Một Thời đại trí thức nào thứ thiệt
Không hờn oan cũng chết rục trong tù
Thì Trí Dỏm mới ngày càng phát triển
Hỏi bao giờ mới được khóc Tố Như?

Hà Nội, 30/4/2017

30-4-1975, ngày quốc hận? Ai thắng, ai bại, vì sao?

Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Trần Quang Thành (Danlambao) - Không phải chỉ nhân dân miền Nam thất bại mà chính người miền Bắc cũng thất bại. Những người thực sự chiến thắng chỉ là một vài ngàn người, có khi chỉ vài trăm người, chung quanh hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Họ khống chế Đảng Cộng Sản và dùng Đảng Cộng Sản để khuất phục và khống chế dân tộc Việt Nam. Đó là một thảm kịch quốc gia mà chúng ta vẫn chưa thoát khỏi.

Lời giới thiệu: 42 năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975. Năm nay chính quyền Cộng Sản Việt Nam có vẻ không còn chuẩn bị để kỷ niệm tưng bừng "chiến thắng lịch sử 30-4-1975" như mọi năm nữa. Họ đang lúng túng đối phó với những khó khăn chồng chất, hơn nữa cái hào quang chiến thắng mà Đảng Cộng Sản Việt Nam thường khoe khoang trong mỗi dịp kỷ niệm ngày 30-4 cũng đã trở thành quá nhàm chán khi mà sư lệ thuộc Trung Quốc đã quá lộ liễu và hơn thế nữa còn đang gây phẫn nộ sau thảm họa Formosa. 

Sư lúng túng này sẽ đưa đảng và chế độ cộng sản tới đâu? Sau 42 năm cầm quyền Đảng Cộng Sản đã phơi bày rõ ràng bản chất đạo tặc và tham nhũng, nhưng tại sao họ đã toàn thắng vào ngày 30-4-1975 và vẫn còn giữ được chính quyền?

Kỷ niệm 42 năm biến cố 30/4/1975, từ Paris ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cựu thứ trưởng kinh tế và một nhân chứng của biến cố 30-4-1975 và cũng là người đã viết nhiều bài gây chú ý về biến cố lịch sử này đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành. 

Nội dung như sau - Mời quí vị cùng theo dõi.

(Youtube PV ông Nguyễn Gia Kiểng)

*

Văn bản lược ghi cuộc trò chuyện

Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng!

Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành!

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, biến cố 30/4/1975 diễn ra đã tròn 42 năm. Gần nửa thế kỷ nhìn lại, ngày đó ông đang ở đâu và ký ức gì vẫn còn sâu đậm trong trí nhớ của ông đến ngày hôm nay?

NGK: Vào ngày 30/4/1975 tôi đang ở Sài Gòn. Trước đó tôi đã có nhiều cơ hội để ra khỏi Việt Nam. Nhưng vì nhiều lý do vẫn phải ở lại không thể đi được. Một trong những lý do quan trọng là trước đó vài ngày miền Nam đã có thay đổi chính phủ và ông Phan Bá Cầm được chỉ định làm bộ trưởng kinh tế. Chúng tôi phải đợi ông Phan Bá Cầm đến để bàn giao thì mới hết trách nhiệm. Nhưng ông Phan Bá Cầm không bao giờ đến cả. Đêm 29/4 tôi và một số bạn có đến một điểm hẹn với một chuyên gia kinh tế của Mỹ. Ông này cho biết có phương tiện đưa chúng tôi ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi chờ đến tận nửa đêm vẫn không thấy ông ấy nên phải ra về. Sau này chúng tôi được biết là ông ấy bị sứ quán Mỹ bắt di tản khẩn cấp. Lúc đó Sài Gòn đã hoàn toàn hỗn loạn. Sáng 30/4 theo sự chỉ dẫn của một người thân tôi ra bến tầu định lên tầu Đại Hải để ra đi. Đến bến tàu thấy không khí hết sức hỗn loạn và nhốn nhào không thể nào lên tàu được. Trong khi đang hoang mang không biết phải làm gì thì nghe trên đài phát thanh có tuyên bố của ông đại tướng Dương Văn Minh vừa lên làm tổng thống mời quân cộng sản vào để bàn giao quyền hành. Chúng tôi đi về và trên đường đã thấy cảnh hôi của. Về đến nhà chưa được bao lâu thì nghe lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh. Thế rồi tiếng xe tăng của quân đội cộng sản từ khắp các nẻo đường tiến vào trung tâm Sài Gòn cùng với những tiếng súng và tiếng reo mừng chiến thắng. Bất lực, bối rối, tuyệt vọng là những từ không đủ để mô tả tâm trạng của những người như chúng tôi lúc đó. Sáng hôm sau chúng tôi đến tiệm cà phê Givral ở góc đường Lê Lợi - Tự Do nay là Đồng Khởi để gặp các bạn chuyên viên cùng ở Pháp về. Trước đó chúng tôi có hẹn nhau khi cộng sản vào thì những người nào còn kẹt lại đến đó gặp nhau. Phải nói là tâm trạng chúng tôi lúc đó rất tuyệt vọng. Ngày hôm sau một người bạn của tôi là anh Nguyễn Trọng Huân, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, tự tử. Như thế đủ hiểu tâm trạng chúng tôi tuyệt vọng đến mức nào. 

Chiều 1/5 tôi vào bệnh viện Grall. Tại đó chúng tôi gặp rất nhiều viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong đó có cả ông cựu bộ trưởng Trần Chánh Thành và ông cựu thủ tướng Phan Huy Quát. Tất cả những anh em đó họ vào bệnh viện Grall vì họ tin rằng bệnh viện Grall là một bệnh viện của Pháp nên có thể được coi như là lãnh thổ của Pháp vì thế họ có thể an toàn và sau đó có thể được chính quyền Pháp di tản. Thế nhưng điều này không đúng. Do một sự tình cờ tôi có quen với ông thiếu tướng quân y giám đốc bệnh viện Grall là ông bác sĩ Rainbault. Qua ông này tôi biết bệnh viện Grall đã được chuyển giao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước đó khá lâu rồi nên lúc đó nó là một bệnh viện Việt Nam, các bác sĩ người Pháp ở lại trong bệnh viện đó là do một thỏa hiệp giữa hai chinh phủ mà thôi. Các bạn tôi rất thất vọng khi nghe tôi nói như vậy. Ngày hôm sau ông Trần Chánh Thành tự tử. Cụ Phan Huy Quát, cựu thủ tướng, bị bắt đi học tập cải tạo và sau nay cụ chết trong tù.

Phải nói những kỷ niệm về ngày 30/4 nhiều lắm. Tất cả đều không thể mô tả bằng ngôn ngữ bình thường. Có thể nói đó là những kỷ niệm "sống để bụng, chết mang theo".

TQT: Vâng, sống để bụng chết mang theo là những kỷ niệm mà ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn còn nhớ được tại Pháp. Những gì đã xảy ra sau ngày 30/4 trên đất nước mình?

NGK: Xin nói thêm là vào những ngày kế tiếp tôi có tới gặp ông Nguyễn Văn Diệp là bộ trưởng Kinh tế cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi là phụ tá của ông ấy. Thực ra ông Nguyễn Văn Diệp không phải là một bộ trưởng kinh tế bình thường. Trước đó ông đo là một đảng viên cộng sản và là một thành viên của Uy Ban Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông ấy bị bắt, bị tù và sau đó ra làm ngân hàng. Ông ấy được bổ nhiệm làm bộ trưởng thực ra chỉ để làm bình phong thôi. Vai trò thực sự của ông là giúp chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm cách liên lạc với bên cộng sản và tìm một hình thức thỏa hiệp nào đó vì lúc đó rõ ràng là Hoa Kỳ đã quyết định bỏ rơi Việt Nam và rút đi rồi. Ông Nguyễn Văn Diệp không phải là một cán bộ nằm vùng như ông Vũ Ngọc Nhạ, ông Phạm Ngọc Thảo hay ông Phạm Xuân Ẩn. Khi đến gặp ông Diệp tôi cũng được gặp nhiều cấp lãnh đạo cộng sản. 

Hai tuần sau tôi được gặp ông La Văn Liếm, tức là ông La Văn Lâm, tên thường gọi là Tám Lâm. Ông này mời tôi đến văn phòng của ông ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Ông La Văn Liếm là một nhân vật rất đặc biệt mà tôi chắc ông Thành cũng phải biết. Ông ấy là một huyền thoại. Trong thời gian Cách Mạng Tháng Tám ông là trưởng ban ám sát của cộng sản ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Rất nhiều người quốc gia đã bị ông ấy hạ sát. Có người còn nói rằng vào thời điểm đó trẻ con nghe tên ông La Văn Liếm không dám khóc đêm. Cho nên khi tôi được ông ấy mời các bạn tôi rất lo âu. Họ nghĩ đó là một điềm không lành và có lẽ vì công an cộng sản đã khám phá ra tôi là một người lãnh đạo phong trào chống cộng ở hải ngoai khi tôi còn ở nước ngoài. Nhưng khi tôi đến thì câu chuyện khác hẳn. Tôi nhận ra bà vợ ông La Văn Liếm là một nhân viên ở bộ Kinh Tế. Bà rất tươi cười và nói với tôi rằng bà đã quan sát tôi và rất có cảm tình với tôi. Thực ra tôi chỉ đối xử với bà như đối với mọi nhân viên khác. Ông bà Liếm mời tôi ở lại ăn cơm. Họ nói rằng họ sẽ bảo đảm an ninh cho tôi và họ có đủ khả năng để bảo đảm hoàn toàn an ninh cho tôi, tôi sẽ không phải đi học tập gì cả. Qua câu chuyện tôi cũng được biết là sau khi ra tập kết ở Hà Nội ông đã chuyển ngành đi làm kinh tế và giờ ông là một trong những người vào để tiếp thu kinh tế miền Nam. 

Qua ông Nguyễn Văn Diệp và ông La Văn Liếm tôi cũng được nói chuyện vói nhiều cán bộ cộng sản khác. Và dĩ nhiên cũng được nghe rất nhiều bản diễn văn, tuyên bố, phát biểu dồn dập của các cấp lãnh đạo cộng sản. 

Phải nói về mặt an ninh tôi gần như được hai ông Nguyễn Văn Diệp và La Văn Liếm bảo đảm hoàn toàn. Thế nhưng điều làm tôi kinh hoàng là trình độ hiểu biết của đa số các cấp lãnh đạo cộng sản mà tôi tiếp xúc lúc đó. Họ không biết ngay cả những kiến thức rất sơ đẳng. Họ nói những điều không thể tưởng tượng được. Thí dụ như là về khoa học kỹ thuật Liên Xô vượt hẳn Mỹ, Việt Nam trong vòng mười năm nữa sẽ bắt kịp các nước tiên tiến. Và rất nhiều điều rất hoang đường khác. Đặc tính của những người dốt họ không biết mình dốt và nói những điều ngây ngô một cách đầy tự tin. Cảm tưởng của tôi lúc đó là cảm tưởng chua chát như nhìn thấy một đạo quân man rợ tràn ngập lên một nền văn minh.

Cuối tháng 5 thì được thông cáo các viên chức, công chức, quân nhân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa phải ra trình diện để đi học tập cải tạo. Cũng qua ông Diệp, ông Liếm và qua các tiếp xúc tôi hiểu rằng những người đi học tập cải tạo đó sẽ không phải chỉ đi trong vài ngày, vài tuần mà thời gian sẽ rất là dài. Tôi nói với hai ông Nguyễn Văn Diệp và La Văn Liếm rằng tôi rất cảm ơn họ nhưng không thể chấp nhận sự bảo vệ của họ được. Tôi nói với họ là tôi sẽ đi học tập cải tạo như bao nhiêu người khác hoặc là tôi sẽ trốn đi. Tôi không thể để bạn bè nhìn mình như một kẻ phản bội. Sau đó tôi trốn về miền Tây để dự định trốn ra nước ngoài nhưng bị bắt. Cũng nhờ hai ông Nguyễn Văn Diệp và La Văn Liếm tôi không bị đi cải tạo nhiều năm mà chỉ trong vòng ba năm rưỡi mà thôi.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng.

Ông vừa kể lại một vài nét về biến cố 30/4 mà ông đã chứng kiến. Ông cũng đã kể lại về những người cộng sản đầu tiên mà ông đã tiếp cận ngay những ngày đầu đó và đã để lại cho ông nỗi thất vọng

Chúng tôi muốn hỏi ông một điều. Như ông vừa nói so với trình độ khoa học kỹ thuật, về nhiều nhận thức, kiến thức những người đó rất tầm thường. So về nhiều khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đang được coi là hòn ngọc của Viễn Đông, mạnh mẽ về nhiều mặt, tự do tư tưởng bắt đầu manh nha, lại được Mỹ giúp sức nữa. Một chế độ như vậy tại sao lại không đánh thắng được chế độ cộng sản què quặt, lạc hậu, để nó xâm chiếm được miền Nam thưa ông?

NGK: Bây giờ bình tĩnh nghĩ lại thì lý do đầu tiên phải nói là Đảng Cộng Sản là một lực lượng khủng bố.

Muốn chống lại được một lực lượng khủng bố với những phương tiện cổ điển có lẽ phải có tương quan lực lượng 100 hay 1.000 chống lại 1. Trong nhiều năm qua chúng ta đã chứng kiến thế giới chật vật mà cũng không dẹp hẳn được lực lượng khủng bố Hồi Giáo toàn nguyên chỉ có vào khoảng 10.000 người thôi. Cho nên chống khủng bố là một điều rất khó khăn. Hơn nữa phong trào cộng sản lúc đó lại được một bối cảnh thế giới rất thuận lợi. Tôi ở bên Pháp được chứng kiến tận mắt hàng ngày. Lúc đó khủng bố không bị coi là hành động hèn nhát và thô bỉ như bây giờ đâu, trái lại nó được xưng tụng như một hành động anh hùng. Che Guevara, Fidel Castro, Hồ Chí Minh được coi là những thần tượng trong các cuộc biểu tình xảy ra hàng ngày tại Mỹ và Âu Châu.

Cho nên muốn thắng được khủng bố phải dứt khoát tranh thủ được lòng dân. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa không làm được điều đó và cũng không ý thức thức được điều đó.

Và cũng không chỉ có thế. Chúng ta nên biết rằng khi một chính quyền phải đương đầu với một cuộc chiến đấu sống còn thi lực lượng chỉ đạo phải là lực lượng chính trị và lực lượng này phải chỉ huy, phải điều khiển các lục lượng vũ trang. Tuy vậy phe chống cộng -Quốc Gia Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1955, Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến 1975- hoàn toàn không có lực lượng chính trị đó. Họ chỉ là một bộ máy quân sự và hành chính, một bộ máy được tiếp liệu chủ yếu nhờ viện trợ của Hoa Kỳ. Cho nên khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Việt Nam và cắt viện trợ thì chế độ bị kiệt quệ rất nhanh chóng. Lúc đó tôi ở trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa nên có thể làm chứng cho sự kiệt quệ toàn bộ này. Đó chính là lý do khiến chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhanh chóng sau khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi một thời gian và cộng sản mở đợt tổng tấn công. Cần nhấn mạnh Việt Nam Cộng Hòa không có một lực lượng chính trị. Nó chỉ là một bộ máy hành chính và quân sự thôi. Nó giống như một bộ máy không có người điều khiển. 

Chúng ta cũng không nên đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam. Điều đó không đúng. Sự thật là Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam 15 năm. Trong suốt lịch sử của Hoa Kỳ chưa bào giờ họ kiên nhẫn trong một cuộc can thiệp vào nước ngoài như ở Việt Nam. Phải nói chế độ Việt Nam Cộng Hòa không tồn tại được vì không có sức sống chứ không phải vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi.

TQT: Vâng Việt Nam Cộng Hòa lúc đó không còn sức sống nên bị cộng sản thừa cơ xâm chiếm và lấy được miền Nam. 

42 năm qua người Việt sau khi di tản đã lấy ngày 30/4/1975 làm ngày quốc hận. Hàng năm cứ đến ngày 30/4, người Việt hải ngoại tỵ nạn cộng sản đều tổ chức ngày quốc hận. 

Nhưng tôi nghĩ hình như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà ông Nguyễn Gia Kiểng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt lại xem ngày 30/4/1975 không phải là ngày quốc hận. Tại sao như vậy thưa ông?

NGK: Quả thực anh em chúng tôi không gọi ngày 30/4 là một ngày quốc hận. Trước hết chữ "hận" thường đi đôi với hận thù, đó là điều chúng ta nên tránh. Nhưng lý do chính là "quốc hận" có nghĩa là một tai họa cho quốc gia đáng lẽ có thể tránh được nhưng đã xảy ra vì một lý do đáng tiếc nào đó. Điều này không đúng. Chiến thắng của ĐCSVN là điều không thể tránh được trong bối cảnh quốc tế và quốc gia vào lúc đó, nhất là bối cảnh quốc gia. 

Ngày 30/4/1975 đã chính thức hóa một thất bại thê thảm nhưng không thể tránh được của toàn dân tộc Việt Nam. Không phải chỉ nhân dân miền Nam thất bại mà chính người miền Bắc cũng thất bại. Điều này tôi đã có thể nhận thấy ngay trước khi đi ở tù, chỉ sau một vài tuần tiếp xúc với những anh em từ miền Bắc tới tiếp thu, khi những cái mặt nạ đã rớt xuống và người ta có thể nói thực nhau. Họ không vui, nhiều người còn rất buồn vì Việt Nam Cộng Hòa đã không đủ quyết tâm chiến đấu để đến nỗi thất bại.

Sau này khi đọc những hồi ký của những cán bộ lão thành mà tôi chắc ông Thành cũng có đọc, tôi cũng thấy là trong đa số họ đã hiểu bản chất độc hại của đảng cộng sản ngay từ đầu nhưng không thể chống lại và do đó không dám chống lại. Tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều quân nhân miền Bắc. Tuyệt đại đa số các bộ đội cũng chỉ vào Nam chiến đấu vì bị bắt buộc.

Những người thực sự chiến thắng chỉ là một vài ngàn người, có khi chỉ vài trăm người, chung quanh hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Họ khống chế Đảng Cộng Sản và dùng Đảng Cộng Sản để khuất phục và khống chế dân tộc Việt Nam. Đó là một thảm kịch quốc gia mà chúng ta vẫn chưa thoát khỏi. 

Nguyên nhân của thảm kịch đó là di sản văn hóa Khổng Giáo, trong đó những người có học thức chỉ có mộng ước được phục vụ một chính quyền dù là bạo ngược chứ không nghĩ là mình có trách nhiệm lãnh đạo xã hội và phục vụ dân tộc. Sau năm 1975 đã có hàng ngàn cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa dân sự cũng như quân sự ra được nước ngoài trong lứa tuổi cường tráng 30, 40, 50. Họ có đầy đủ phương tiện và kiến thức nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu người tiếp tục tranh đấu cho những giá trị tự do dân chủ đã là lý do ra đời và tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa? Chỉ một vài người thôi. Điều này chứng tỏ chế độ Việt Nam Cộng Hòa không có ý chí và sức sống. Và nó không có ý chí và sức sống bởi vì nó chỉ là một guồng máy hành chính và quân sự chứ không phải là một lực lượng chính trị có tổ chức. Những người lãnh đạo các chính quyền quốc gia chống cộng -từ chính quyền Bảo Đại tới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu qua chính quyền Ngô Đình Diệm và Hội Đồng Quân Nhân sau ông Diệm- không ý thức được rằng sứ mệnh của họ là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và độc lập sau một thời gian dài mất chủ quyền và trước đe dọa của một phong trào cộng sản đang gặp thời cơ thuận lợi. Họ không có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị nào cho Việt Nam. Họ cũng không có một chiến lược để đấu tranh với Đảng Cộng Sản. Đối với họ chính trị chỉ là tranh nhau cầm quyền, tranh nhau làm quan. Đại bộ phận những cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa là những viên chức của thời Pháp thuộc. Vào ngày 30-4-1975 ông tổng thống Dương Văn Minh và ông bộ trưởng quốc phòng Trần Văn Đôn là hai cựu sĩ quan quân đội Pháp mặc dù người Pháp đã rút đi từ 20 năm rồi. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ vì nó đã không biết đổi mới để thích nghi với những đòi hỏi mới của đất nước. Các đảng đã từng chiến đấu và hy sinh cho độc lập dân tộc như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt đều đã bị đàn áp và loại ra ngoài chính quyền. Nói chung chế độ Việt Nam Cộng Hòa không chỉ không có bản lĩnh chính trị mà còn không có cả điều mà ta có thể gọi là sự chính đáng lịch sử, cho nên đã không tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân và sự thất bại là không tránh khỏi. Nếu không hiểu được điều này, và tôi cảm tưởng rằng một số người vẫn chưa hiểu, thì chúng ta không thể tranh đấu có hiệu quả để đánh bại được Đảng Cộng Sản và giành thắng lợi cho dân chủ.

Cũng cần phải nói là trong sự xô bồ của nó chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong 27 năm tồn tại đã tạo ra được một không gian tự do tương đối và nhờ đó dần dần đã tạo ra được một lớp người trẻ có tinh thần dân tộc và kiến thức chính trị, nhưng lớp trẻ này vào thời điểm 1975 chưa nắm được những vai trò lãnh đạo quyết định thì cuộc chơi đã chấm dứt. Thảm kịch là ở chỗ đó.

TQT: 42 năm đã trôi qua. Cộng sản đã chiếm được và đặt ách thống trị trên toàn thể đất nước Việt Nam. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng trong 42 năm qua những gì đã thay đổi nhiều nhất, những gì gây ấn tượng nhất mà ông thấy trên đất nước? Và tương lai sẽ đi về đâu?

NGK: Rất nhiều điều đã thay đổi. Sự cáo chung của chế độ cộng sản là điều hoàn toàn chắc chắn và không còn xa nữa.

Đảng Cộng Sản không còn bất cứ một sự chính đáng nào cả. Cái hào quang giả tạo của cuộc đấu tranh giành độc lập đã hoàn toàn tan biến. Đại bộ phân nhân dân Việt Nam ngày hôm nay nhìn hai cuộc chiến được gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" như một cuộc nội chiến tội lỗi do Đảng Cộng Sản cố tình gây ra. Phải nhấn mạnh không có tội nào lớn hơn tội gây ra nội chiến làm đồng bào bắn giết lẫn nhau và làm tan vỡ tinh thần dân tộc. Hào quang giả tạo giải phóng dân tộc đã hoàn toàn tiêu tan. Trái lại Đảng Cộng Sản đang được nhân dân nhìn như là một đảng đã đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung Quốc, một quan thầy có bản năng lấn chiếm. Đảng Cộng Sản đã nhường cho Trung Quốc hơn 700 km vuông đất ở biên giới phía Bắc, đã cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng đầu nguồn, đã dâng cho Trung Quốc một số đảo tại Trường Sa để Trung Quốc dựa vào đó mà vẽ ra cái đườn lưỡi bò quái đản làm cả thế giới phẫn nộ, đã cho Trung Quốc lập những khu của riêng người Trung Quốc khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam và lập những công ty hủy hoại môi trường. Formosa là hậu quả kinh hoàng nhất nhưng cũng chỉ là một trong những thí dụ mà thôi. Họ còn đàn áp thô bạo và cho công an và côn đồ đánh đập dã man những người dân chủ. Dưới mắt nhân dân Việt Nam chế độ cộng sản là một lực lượng chiếm đóng tham lam thô bạo chứ không phải là một chính quyền Việt Nam. 

Huyền thoại Hồ Chí Minh cũng đã hoàn toàn bị lố bịch hóa, đã trở thành một trò cười.

Còn chủ nghĩa Mac - Lênin? Nó đã bị thế giới lên án như là một tội ác đối với nhân loại. Không còn một đảng viên cộng sản nào tin chủ nghĩa này cả, đại đa số còn không biết nó là gì. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh cũng đã phải thấy nó sai và độc hại. Nền tảng ý thức hệ đã hoàn toàn sụp đổ.

Và cũng đừng quên rằng chế độ này đã bị tham nhũng và bất tài tàn phá đến độ kiệt quệ mất hết ý chí, tự trọng, đoàn kết nội bộ và cạn cả ngân quỹ. Nó đang khủng hoảng nặng cả về kinh tế lẫn đạo đức và chính trị vào giữa lúc mà một là sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới, đang dâng lên.

Mặt khác xã hội Việt Nam đã thay đổi. Lớp trí thức lão thành hụt hẫng về tư tưởng và lúng túng với quá khứ của mình đã qua đi. 

42 năm đã trôi qua, ba phần tư người Việt chưa sinh ra hoặc còn quá nhỏ vào thời điểm 30/4/1975. Ngày 30/4/1975 đã hoàn toàn thuộc vào lịch sử. Xã hội Việt Nam đã hoàn toàn đổi mới.

Lớp trí thức mới, trưởng thành sau 1975, vừa dứt khoát với chủ nghĩa Mac - Lênin vừa nhìn rõ bản chất của chế độ cộng sản. Họ có kiến thức chính trị rộng hơn, vững hơn và chính xác hơn. Họ được thông tin nhanh chóng, đều đặn, đầy đủ. Họ biết thực trạng Việt Nam những gì xảy ra trên thế giới. Và họ ngày càng phẫn nộ với chế độ hiện tại, càng ngày càng thêm ý chí muốn thay đổi số phận của đất nước. Có thể nói chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một lớp trí thức chính trị, một lớp người mà Việt Nam chưa bao giờ có và đang mong đợi. Một cuộc đổi đời nhất định phải đến.

Ngay trong lúc này nhiều người cho rằng phong trào dân chủ đang rệu rã và khựng lại. Tôi không chia sẻ cái nhìn bi quan đó. Phong trào dân chủ Việt Nam đang tạm thời khựng lại vì một lớp trí thức chính trị đang thành hình và ngày càng đông đảo. Lớp trí thức chính trị này đang ý thức rằng phải xét lại phương thức đấu tranh, phải từ bỏ lối đấu tranh nhân sĩ, lối đấu tranh cá nhân và phải đấu tranh có tổ chức bởi vì đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Và tổ chức phải được xây dựng một cách có bài bản trên một tư tưởng chính trị, một dự án chính trị và một đội ngũ nòng cốt. Tôi tin chắc rằng phong trào dân chủ sẽ khởi sắc sau cuộc xét lại rất cần thiết này. Đất nước nhất định sẽ thay đổi vì trên thực tế nó đã thay da đổi thịt.

TQT: Đất nước đã thay da đổi thịt. Đó là niềm tin vững chắc của người Việt Nam chúng ta khi nhìn về tương lai. Xin chia sẻ với ông Nguyễn Gia Kiểng niềm tin đó và xin cảm ơn ông. 

30/4/1975

Chặt tay Trung Quốc-Ván cờ mới của Mỹ

Nguyễn Thị Thảo An (Danlambao) - Tình hình căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Bắc Hàn chưa lúc nào như lúc này. Cả thế giới đang nín thở chờ đợi. Ai sẽ bắn phát pháo đầu tiên? Mỹ? hay Bắc Hàn? Chiến tranh là giải pháp hạ sách một khi các giải pháp ngoại giao, thương thuyết đều thất bại.

Cả hai bên Mỹ và Bắc Hàn đều đã sẵn sàng khai hỏa. Mỗi ngày Bắc Hàn đều đe dọa. Thứ Hai Kim Jong Un tuyên bố, sẽ bắn chìm chiến hạm Mỹ. Thứ Ba, sẽ quét sạch nước Mỹ khỏi trái đất. Thứ Tư, missile của Kim có thể bắn tới Haiwaìi. Thứ Năm, tung hình White House nằm ngay tọa độ trong missle trên mạng. Thứ Sáu, thử tên lửa,... Phía Mỹ, Lá chắn nguyên tử hạt nhân cũng đã lắp đặt xong cấp tốc trong tuần này. Từ PhóTT Pence cho tới Tư Lệnh Hạm Đội TBD đồng tuyên bố, Mỹ sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào. Nhật và Nam Hàn mấy tuần nay diễn tập dân chúng tản cư.

Súng đã lên nòng.

Trung Quốc hầu như đã bất lực trong vai trò Nước Lớn, thất bại không thuyết phục được Kim Jong Ủn. Điều này cho thấy KIm Jong Ủn trẻ người nhưng không non dạ, Ủn không "ngoan" như những ông già của Trung ương ĐCSVN.

Kim Jong Ủn đang tìm cách THOÁT TRUNG. Điều mà cả nước VN đang mơ ước.

Hôm qua, sau khi Kim lại tử hỏa tiễn thất bại một lần nữa. Hôm qua, lần đầu tiên Mỹ cũng thử hỏa tiễn liên lục địa ICBM III, từ California có khả năng bắn tới Bắc Hàn. 

Sau vụ thử thành công, Mỹ tuyên bố, sẵn sàng đối thoại song phương với Bắc Hàn. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ không thương thuyết kiểu 6 bên như đã từng thương thuyết trong hơn 20 năm qua. 

Đây là một chiêu mới trong ván cớ cũ.

Lần đầu tiên Mỹ muốn đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn. Ông Rex Tìlerson tuyên bố, Mỹ không hề muốn lật đổ chế độ Bắc Hàn, Mỹ chỉ muốn chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, biến bán đảo Triều Tiên thành một khu vực PHI HẠT NHÂN, ổn định hòa bình trong khu vực. Đổi lại Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ và giúp kinh tế Triều Tiên phát triển hùng mạnh giống như Nam Hàn.

Kim Jong Ủn đang nhức đầu đây. Chú Ủn đang đứng trước một bài toán hóc búa.

Mấy năm gần đây, từ hồi Kim Jong Ủn kế vị, Trung Quốc chưa bao giờ ưa Ủn. Và Ủn cũng không bao giờ dám tin TQ. Nhiều lần chú Ủn đã từ chối lời mời của TQ. Họ Kim từ Kim Jong il đều sợ Trà Tàu của TQ. 

Mặc dù khoảng 60% sống nhờ viện trợ của TQ và bị TQ kềm chế qua nhiều hình thức cấm vận như vụ trả than đá, phong tỏa ngân hàng,... Nhưng Kim Jong Ủn vẫn sống được. TQ trong 5 năm nay vẫn cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính hay thanh trừng nội bộ để loại Kim Jong Un nhưng đều thất bại. Đổi lại, chú Ủn cũng tự vệ bằng cách triệt hạ cho bằng được "lá bài tẩy"của TQ là Kim Jong Nam và phe phái. Đồng thời, để tìm cách Thoát trung, Bắc Hàn cũng gửi cả trăm ngàn công nhân lao động xuất khẩu hay tổ chức các nhóm kinh tài ở nước ngoài để tự lực ngoại tệ.

Thương thuyết song phương?

Đây có phải là cơ hội Thoát Trung? Mặc dù không tin tưởng vào lới cam kết không có ý định lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên, nhưng hình như Kim Jong Ủn sẽ không còn một lựa chọn nào khác. 

Phần Trung Quốc, chưa bao giờ bị mất uy tín với thế giới như thế. TQ đã bất lực không kềm chế được đàn em Bắc Hàn, đồng thời bị loại ra khỏi bàn thương thuyết song phương. TQ lại càng không thể để vuột mất Bắc Hàn, cánh tay mặt tay trái của TQ

Chìa một cái bắt tay cho Kim Jong Un, rõ ràng Mỹ muốn "chặt" một bàn tay của Trung Quốc. Bao giờ thì Mỹ sẽ "chặt" nốt cánh tay kia? 

Trong chiến lược giành lại hải phận quốc tế, Mỹ cần "chặt" cả hai tay của Trung Quốc trước khi hành động.

Đối thoại song phương là một phần trong chiến lược mà ông Trump đã nhắc đến trong kỳ tranh cử. Ông đã từng nói, ông có thể nói chuyện với Kim Jong Un.

Dân tộc Việt Nam cũng đang chờ một cú "chặt" như thế.

29/4/17