Phú Yên: công an xã bắt người và đánh đập giữa đêm khuya

Anh Nguyễn Kim Thành chỉ vào cổ tay trái, vị trí bị ông Trà còng và dùng roi điện chích vào - Ảnh: Duy Thanh
Người Quan Sát (Danlambao) - Vụ việc công an xã bắt người trái pháp luật và đánh đập tra khảo suốt đêm diễn ra từ ngày 29/3/2016, đến ngày 30/5/2016 có báo Tuổi Trẻ đưa tin do gia đình có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. 

Nạn nhân của việc bắt giữ tùy tiện và bị cơ quan công an sử dụng nhục hình lần này là anh Nguyễn Kim Thành (20 tuổi, ngụ Hòa Định Đông, Phú Hòa, Phú Yên).

Bà Võ Thị Sứ, mẹ anh Thành, kể khoảng 2g ngày 29-3, khi gia đình bà đang ngủ thì nghe tiếng kêu cửa. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Tuất ra mở cổng thì thấy ông Huỳnh Tấn Trà (trưởng Công an xã Hòa Định Đông) cùng một công an viên, một phó chỉ huy trưởng xã đội và một dân quân đứng trước nhà. Ông Trà nói với ông Tuất đến kiểm tra hộ khẩu.

“Vừa bước vào nhà, ông Trà hỏi vợ chồng tôi là Thành có ở nhà không. Tôi nói Thành đang ngủ thì ông Trà bảo kêu dậy. Tiếp đó, ông trưởng công an xã nói họ đến mời Thành lên xã có việc, nói là có công an huyện nữa. Rồi họ dùng xe máy chở Thành đi”.

Khi về đến trụ sở công an xã, ông trưởng công an xã tra hỏi anh Thành rằng có phải nhóm bạn bè của Thành ném đá làm vỡ kính cửa nhà ông hay không. 

Khi anh Thành trả lời không biết thì ông Trà dùng dùi cui đánh nhiều cái vào lưng. “Tôi kêu đau thì ông ấy chạy qua phòng bên cạnh, lấy còng số 8 còng tay trái tôi vào ghế rồi tiếp tục tra hỏi và dùng dùi cui đánh vào lưng, hông phải tôi. Ông ấy còn lấy roi điện chích làm tôi bị điện giật rất đau. Hơn một tiếng rưỡi tra khảo, đến gần 4g sáng ông Trà mới tháo còng để tôi đi bộ về”, anh Thành kể lại.

Lúc gia đình mở cửa thì phát hiện Thành ngã khuỵu và ngất đi. Mẹ anh Thành kiểm tra thấy lưng, bụng anh có nhiều vết đỏ bầm, sưng nề. 

Trong buổi sang ngày 29/3/2016, ông Nguyễn Văn Tuất, cha anh Thành có gọi điện thoại cho ông Traf (trưởng công an xã) để hỏi lý do việc bắt giữ, đánh đập Thành thì ông Trà nói bận việc. Hai ngày sau, ngày 31/3/2016, ông Trà mời bà Sứ đến công an xã làm việc. Theo bà Sứ, ông Trà cho rằng do nghi Thành và bạn bè ném đá vỡ cửa kính nhà ông nên có đến nhà kiểm tra. Việc ông bắt giữ, tra khảo Thành là sai. “Ông Trà mong gia đình bỏ qua và chịu mọi phí tổn trong việc điều trị” - bà Sứ nói. Mấy ngày sau, vợ chồng ông Trà có đến nhà đưa 1 triệu đồng và đề nghị đừng khiếu nại nhưng gia đình bà Sứ không đồng ý. Ngày 1-4, gia đình đưa Thành đi khám tại một phòng khám ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) với kết quả “sưng nề mô mềm phần sau ngực cạnh cột sống hai bên”. Ngày 4 và 5-4, bà Sứ đến Công an huyện Phú Hòa xin cho Thành đi giám định thương tật để có cơ sở xử lý về sau, nhưng nơi này không đồng ý.

“Mãi đến ngày 9-5, công an huyện mới đưa Thành đi giám định thương tật. Sáng 27-5, Công an Phú Hòa mời mẹ con tôi đến thông báo kết quả giám định Thành bị chấn thương phần mềm, tỉ lệ thương tật 0%. Tôi yêu cầu phải làm rõ hành vi bắt giữ, đánh đập tra khảo con tôi trái luật” - bà Sứ nói.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Huỳnh Tấn Trà (trưởng Công an xã Hòa Định Đông) cho biết: “Vụ việc không đáng gì nhưng gia đình người ta làm quá lên”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhi - chủ tịch UBND xã Hòa Định Đông - khẳng định lãnh đạo xã không biết gì về việc kiểm tra hành chính cũng như bắt giữ, đánh đập anh Thành.

Tại sao công an huyện Phú Hoà lại từ chối yêu cầu giám định thương tật của gia đình nạn nhân Nguyễn Kim Thành ngay sau khi vụ việc xảy ra? 

Tại sao việc bắt giữ và đánh đập công dân diễn ra hết sức tuỳ tiện như vậy mà đến nay chưa có hướng xử lý vụ việc?

Với tình trạng này xảy ra, liệu sẽ có thêm bao nhiêu công dân khác sẽ thành nạn nhân tiếp theo khi công an xã được trao thêm quyền lực theo dự thảo Luật công an xã đang được Quốc hội thảo luận?



Những lý do để chúng ta cần tranh đấu tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức

Trịnh Kim Tiến (Danlambao) - Trần Huỳnh Duy Thức, là người dấn thân quyết liệt bằng đời sống và cả sinh mạng mình. Việt Nam cần những con người như anh để thay đổi và phát triển. Chúng ta cần sự tự do của anh trên mảnh đất này.

Trần Huỳnh Duy Thức là người tiên phong trong dịch vụ công nghệ, là một doanh nhân tài giỏi hiếm có dám từ bỏ sự nghiệp thành đạt của bản thân để đòi hỏi quyền lợi cho dân tộc. Ngoài đầu óc và bản lĩnh của một doanh nhân, Trần Huỳnh Duy Thức còn có tư tưởng và đường lối hành động của một nhà hoạt động để giúp đất nước tiến lên trên con đường thịnh vượng. 

Cái giá phải trả cho sự can đảm của anh là một bản án vô nhân đạo. 16 năm tù là hình phạt mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn răn đe những người tài giỏi, có tâm, muốn cống hiến tri thức mình có cho đất nước. 

Đáp trả hình phạt khắc nghiệt dành cho mình, Trần Huỳnh Duy Thức đã thể hiện hình ảnh một người tù bất khuất, không nhún nhường, không thỏa hiệp với sai trái, chấp nhận tuyệt thực đến chết mà không cần tự do lưu vong ở nước ngoài. Anh từ chối cơ hội đi Mỹ, chấp nhận tù đày để lựa chọn ngục tối tù đày trên quê hương với hy vọng được thấy sự thay đổi. 

Chúng ta có thể làm gì trong lúc này?

Câu hỏi này được lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của nhiều người khi mà Trần Huỳnh Duy Thức quyết tâm tuyệt thực, đánh cược sinh mạng trong chốn lao tù vì lý tưởng kiến thiết quốc gia và tự do của con người.

Từ khi tuyên bố tuyệt thực từ ngay 24/5/2016 đến nay, đã trải qua 8 ngày tuyệt thực trong nhà giam, sinh mạng của anh lúc này như ngọn đèn dầu leo lắt.

Trước sự cứng rắn và sắt đá của người đàn ông gắn liền cuộc đời mình với vận mệnh dân tộc, trong lúc nguy cấp gia đình anh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là đồng hành cùng anh, họ tuyệt thực để đánh động sự quan tâm của cộng đồng. Họ phải tuyệt thực trong tâm trạng bất lực, từng ngày, từng giờ mòn mỏi chứng kiến con, chồng, cha mình đặt cược sinh mạng.

Không thể khuyên nhủ, không thể thay đổi thì cách duy nhất là ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho người thân.

Nếu tôi ở trong tình trạng này có lẽ tôi sẽ không đủ kiên nhẫn để ngồi nhà, tôi sẽ lựa chọn một phương cách tuyệt thực khác một chút với họ đang làm. 

Tôi sẽ xuống phố. 

Tôi sẽ thay cách tuyệt thực thông thường bằng hình thức tọa kháng tuyệt thực nơi đông người, nơi trung tâm ví dụ như trước Bộ công an, chấp nhận bắt bớ, thậm chí đánh đập nếu điều đó xảy ra. Thái độ phản ứng nếu ở những nơi này sẽ có tác dụng hơn trong nhà riêng, đó là suy nghĩ của cá nhân tôi.

Anh Thức là một doanh nhân, và vì vậy tôi chợt nghĩ về hình thức marketing trong kinh doanh liệu có tác dụng trong trường hợp của anh lúc này?

Giống như cách mà người ta hay làm để quảng bá cho sản phẩm, phát tờ rơi trên đường.

Những câu nói tâm huyết đượm tinh thần dân tộc kèm theo tóm tắt về cuộc đời của anh được in ra và phát cho bất cứ ai trên phố có thể sẽ đánh động thêm sự chú ý của công luận trong nước cũng như Quốc tế.

Việc làm này không vi phạm pháp luật nhưng tôi cho rằng nếu là người thân anh làm có lẽ là hợp lý nhất. Tôi nghĩ chắc chắc rằng nhiều anh em sẽ sẵn sàng đứng bên gia đình trong hoàn cảnh ấy.

Lúc này đây, trước tình trạng nguy ngặt của anh Thức, một cách làm là một tia hy vọng. Tôi không hy vọng đây là trận chiến cuối cùng của anh, bởi còn nhiều cuộc chiến đang chờ đón anh phía trước.


Obama và những món quà gì cho tuổi trẻ Việt Nam?

Trần Việt Hoàng (Danlambao) - Tổng thống Hoa Kỳ, Barrack Obama, đã đến và rời khỏi Việt Nam. Ông đã để lại những gì cho tuổi trẻ Việt Nam khi mà sự quan tâm của họ đối với sự hiện diện của ông quả là to lớn với hàng trăm ngàn bạn trẻ chào đón và theo dõi chuyến đi của ông?

Trước hết, chính cái tư cách hòa đồng, thân thiện và bình dân của ông đã chinh phục được cảm tình của người dân Việt. Nhưng những lời phát biểu của ông có để lại cho những bạn trẻ Việt Nam những suy tư gì cho những ngày tháng tương lai?

Ông đã mở đầu bằng những lời nhắc nhở cho lớp trẻ Việt Nam về cái lịch sử lâu dài của dân tộc Việt và tinh thần bất khuất của cha ông ta:

Từ hàng thiên niên kỷ, các nông dân đã trồng cấy trên những mảnh đất này, mà vết tích còn để lại trên trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững hơn nghìn năm trong vòng ôm của dòng sông [Hồng]. Thế giới đã biết quý trọng lụa và những bức họa của Việt Nam, và Văn Miếu minh chứng cho sự trau dồi kiến thức không ngừng của dân tộc Việt. Vậy mà trải qua nhiều thế kỷ, rất nhiều khi vận mệnh của Việt Nam từng bị người khác định đoạt. Mảnh đất yêu quý của các bạn không phải lúc nào cũng thuộc về các bạn. Nhưng như cây tre, tinh thần quật cường của dân tộc Việt đã được tinh kết trong câu thơ của Lý Thường Kiệt:

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành đã định tại sách trời.

Những lời phát biểu ở trên của tổng thống Obama đã cho giới trẻ Việt Nam thấy rằng không những đa phần người dân Việt Nam đều nhận biết đâu là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc mình mà nhiều người trên thế giới nếu hiểu lịch sử Việt Nam đều biết rằng kẻ thù lâu dài của dân tộc Việt Nam chính là người láng giềng phương Bắc vì họ luôn tìm muôn phương ngàn cách để chiếm đoạt nước Nam.

Tổng thống Obama cũng đem đến cho tuổi trẻ Việt Nam một niềm hy vọng khi ông đồng ý trợ giúp thêm cho Việt Nam những phương án giáo dục mới:

Như tôi đã công bố hôm qua, lần đầu tiên Đoàn Quân Hòa Bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam, tập trung vào công tác giảng dạy tiếng Anh. Sau thế hệ thanh niên Mỹ đến đây tham chiến, sẽ có một thế hệ mới đến để dạy học, xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Một số công ty công nghệ và học viện hàng đầu của Mỹ đang hợp tác với các trường đại học Việt Nam để tăng cường đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y tế. Vì dù vẫn tiếp tục mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam đến Mỹ học, chúng tôi tin rằng những người trẻ xứng đáng có cơ hội được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại đây, tại Việt Nam.

Và đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi rất hứng thú khi mùa thu này Đại học Fulbright sẽ khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trường đại học độc lập phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, với nền học thuật hoàn toàn tự do, và có học bổng cho những sinh viên trong hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên, học giả, và các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách cộng đồng, quản trị, kinh doanh, vào kỹ thuật, tin học, vào các ngành học khai phóng – văn học nghệ thuật... Tất cả, từ thơ Nguyễn Du, đến triết lý Phan Châu Trinh đến toán học Ngô Bảo Châu.

Điều quan trọng cho những dự án giáo dục nầy là tính độc lập và khả năng tự trị của nó. Đại học Mỹ đã luôn đứng đầu thế giới với sự hiệu quả và chất lượng đào tạo của nó. Nhưng nếu bị kiểm soát và chi phối bởi nhà cầm quyền Việt Nam thì liệu nó có thoát khỏi tình trạng ưu tiên con ông cháu cha, phân chia lý lịch, mua quyền bán chức như hiện đang xảy ra ở những trường đại học khác hay không?

Về mặt kinh tế, TPP là một hiệp định mang nhiều hứa hẹn và cơ hội cho tuổi trẻ Việt Nam:

Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực phát huy tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP sẽ giúp Việt Nam bán ra thế giới nhiều sản phẩm hơn, đồng thời thu hút những nguồn đầu tư mới. Nhưng TPP sẽ đòi hỏi cải cách để bảo vệ người lao động, pháp quyền và sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả những cam kết.

Hơn nữa tôi ủng hộ TPP vì những lợi ích chiến lược quan trọng. Việt Nam sẽ bớt phải phụ thuộc một đối tác kinh tế duy nhất, có thể mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, trong đó có Mỹ. TPP sẽ tăng cường hợp tác khu vực, giúp đối phó với sự bất bình đẳng về kinh tế, và thúc đẩy nhân quyền bằng những cải thiện lương bổng cũng như điều kiện làm việc an toàn hơn. Lần đầu tiên tại Việt Nam, có quyền thành lập công đoàn độc lập, có các quy định cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Cũng có những phương thức bảo vệ môi trường và những tiêu chuẩn phòng chống tham nhũng cao hơn bất cứ hiệp định thương mại nào trong lịch sử. Đó là tương lai mà TPP đem lại cho tất cả chúng ta, vì tất cả chúng ta – Hoa Kỳ, Việt Nam và các đối tác khác – sẽ bị ràng buộc bởi những nguyên tắc mà chính chúng ta đã cùng tạo dựng. Tương lai đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta cần hoàn thành nó để bảo đảm thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia.

Người dân Việt Nam muốn hưởng lợi từ TPP thì phải kiên quyết hợp tác với các nước thành viên khác để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải theo đúng những tiêu chuẩn đã được đề ra như công nhân có quyền thành lập những công đoàn độc lập, nhà nước và hãng xưởng phải tuân theo những phương thức bảo vệ môi trường, những tiêu chuẩn phòng chống tham nhũng.

Tổng thống Obama chia xẻ kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo ở một quốc gia có thể chế dân chủ, nơi quyền tự do của người dân được tôn trọng một cách tuyệt đối:

Chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề, và tôi cam đoan, chúng tôi không miễn nhiễm với chỉ trích. Tôi vẫn nghe chỉ trích mỗi ngày. Nhưng sự giám sát đó, tranh luận cởi mở, đối mặt với khiếm khuyết của mình, cho người dân có tiếng nói, giúp chúng tôi vững mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công bằng hơn.

Như tôi đã nói, Mỹ sẽ không tìm cách áp đặt mô hình Chính phủ của mình lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nhắc tới [tôi tin rằng] không chỉ của Mỹ, mà là những giá trị phổ quát, được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Những giá trị này cũng được viết trong Hiến pháp của nước Việt Nam: Người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội, và quyền biểu tình. Tất cả những điều này đều nằm trong Hiến pháp của Việt Nam.

Khi có tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, và khi người dân có thể chia sẻ ý tưởng cũng như tiếp cận Internet và mạng xã hội mà không bị ngăn cấm, điều đó sẽ thúc đẩy đổi mới, nhiên liệu cần thiết để nền kinh tế phát triển mạnh. Đó là môi trường đưa tới sáng tạo. Facebook đã hình thành như vậy. Một số các công ty lớn của chúng tôi đã bắt đầu như vậy – Vì một người nào đó có một sáng kiến mới, khác lạ. Và người đó được quyền chia sẻ nó. Khi có tự do báo chí, khi các nhà báo và blogger có thể rọi sáng những bất công, lạm dụng, thì quan chức sẽ phải chịu trách nhiệm và xã hội sẽ thêm niềm tin vào hệ thống chính trị đang vận hành tốt. Khi ứng cử viên được tự do tranh cử và vận động, cử tri được chọn lãnh đạo qua bầu cử tự do và bình đẳng, quốc gia sẽ ổn định hơn khi người dân biết tiếng nói của mình có tác dụng, và một sự thay đổi ôn hòa là có thể. Như thế, sẽ có thêm người gia nhập vào hệ thống. Khi có tự do tôn giáo, không những con người có dịp hoàn toàn biểu lộ tình thương và lòng từ bi là cốt lõi của mọi tôn giáo lớn, mà những cộng đồng tôn giáo còn có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội qua những hoạt động giáo dục và y tế, chăm lo những người nghèo và những người bị thua thiệt trong xã hội.

Khi có tự do lập hội, khi người dân được tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự, thì quốc gia có thể đối đầu với nhiều vấn đề mà đôi khi Chính phủ không thể giải quyết một mình. Do đó theo quan điểm của tôi, thượng tôn các quyền này không đe dọa mà thật ra củng cố sự ổn định, làm nền tảng cho tiến bộ. Cuối cùng, chẳng phải các dân tộc, trong đó có Việt Nam, khi đánh đổ chủ nghĩa thực dân, đều là để đòi các quyền đó sao? Tôi tin rằng nâng cao các quyền đó chính là thể hiện hoàn hảo nhất sự độc lập mà biết bao người trân trọng, kể cả ở đây, một đất nước với tuyên ngôn là "của dân, do dân, vì dân".

Trong phần kết luận, tổng thống Obama đã chia xẻ một niềm tin cho thế hệ trẻ Việt Nam và khẳng định tình bạn của mình:

Tôi nghĩ tới một thế hệ người Việt mới – các bạn, những người trẻ đang ngồi đây – những người đang sẵn sàng để lại dấu ấn của mình trên thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả những bạn trẻ đang lắng nghe: Với tài năng, trí thông minh, và những ước mơ của các bạn, Việt Nam đã có sẵn trong tay tất cả những gì cần thiết để phát triển và thịnh vượng. Vận mệnh nằm trong tay các bạn. Đây là thời điểm của các bạn. Và trong khi các bạn theo đuổi tương lai mà các bạn muốn, tôi muốn các bạn biết rằng nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, như một đối tác, và một người bạn.

Những lời tâm tình và những cư xử đơn sơ, gần gũi, bình dân của một vị nguyên thủ quốc gia của một cường quốc giàu mạnh nhất thế giới quả đã làm rung động lòng người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên trong cương vị của một người khách, có lẽ vì tế nhị, ông ta đã không đề cập đến những khó khăn và tệ nạn đang chồng chất ở Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam, có lẽ không khỏi hào hứng và phấn khởi, trước những hứa hẹn giúp đỡ về giáo dục, về đội quân hòa bình (Peace Corps), về đại học Fullbright, về TPP, và những khích lệ về tinh thần và những cam kết của tình bè bạn của tổng thống Obama, nhưng để có một tương lai tươi sáng hơn, trước hết giới trẻ Việt Nam phải nhìn nhận thực trạng của đất nước mình và phải có hành động để biến ước mơ thành hiện thực. Vì cho dù Hoa Kỳ có cố gắng giúp đỡ Việt Nam bao nhiêu đi nữa thì cũng như muối bỏ biển nếu như chúng ta không tự giúp chúng ta.

Thực trạng Việt Nam ngày nay như thế nào chắc ai cũng hiểu: một cơ chế chính trị độc quyền tạo nên một đất nước trì trệ, thiếu trách nghiệm, thiếu kiểm soát và lắm tệ nạn. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, môi trường ô nhiễm đưa đến những thảm họa khôn lường như nạn cá chết ở các tỉnh miền trung, nạn bùn đỏ do khai thác bô xít ở Tây Nguyên, y tế xuống cấp, bịnh viện quá tải, giáo dục suy đồi, xã hội đầy trộm cướp.

Nhìn nhận thực trạng và tìm ra nguồn gốc của vấn để làm sạch từ gốc là con đường duy nhất cho một Việt Nam tự do và phú cường.

Giới trẻ Việt Nam đã đi đón chào tổng thống Obama hàng hàng lớp lớp. Sự hiện diện của họ tự nhiên đã nói lên một điều là dân Việt Nam rất ngưỡng mộ và yêu quí Hoa Kỳ và tổng thống của họ. Họ nhìn về Hoa Kỳ, một xứ sở của tự do với một hiến pháp hoàn thiện, một chính phủ có tam quyền phân lập, bảo đảm cho người dân những quyền tự do tuyệt đối, một đất nước pháp trị có đa phương đa đảng và những xã hội dân sự đầy uy tín và khả năng đã tạo cho người dân một môi trường để được phát triển toàn diện. Tuổi trẻ Việt Nam đang nhìn về Hoa Kỳ mà ôm ấp một ước mơ, một hướng đến cho dân tộc, nhưng để thực hiện ước mơ, những người trẻ không chỉ mơ ước mà phải thực sự lên đường. Lên đường cùng nhau với những trái tim yêu nước, yêu đồng bào khốn khổ của mình. Lên đường như những ngày rủ nhau đi chào đón ông Obama một cách nhiệt thành và hào hứng, nhưng không phải để chào đón ông ấy một lần nữa mà để đòi hỏi cái quyền được thực hiện những ước mơ cao đẹp của mình. Quyền được sống trong tự do, dân chủ và đầy đủ phẩm giá của một con người như những người dân Hoa Kỳ đang được thừa hưởng vậy.


Viết cho em vừa trải qua những giờ phút đối đầu với an ninh

Mẹ Nấm (Danlambao) - Em thân mến và bạn bè yêu quý,

Cám ơn em, cám ơn bạn bè đã tin tưởng, đã chọn mình để giải tỏa tâm sự. 

Cám ơn em và mọi người đã lên tiếng, theo cách của mình, ở vị trí của mình.

Cám ơn em và mọi người đã khiến mình tin rằng, vũ khí của chúng ta là sự thật, và họ - lực lượng an ninh đang mệt mỏi khi ngày càng có quá nhiều người sống đúng với lương tâm mình.

Em thân mến,

Có thái độ rõ ràng với gameshow bầu cử giả hiệu không có gì là phạm pháp. 

Bầu cử là quyền của mọi công dân, và chúng ta có quyền quyết định lựa chọn thái độ của mình với những trò mị dân đã diễn ra hơn 45 năm qua.

Em thân mến,

Cám ơn em đã đi, đã chứng kiến việc bỏ phiếu giùm, bầu cử hộ. Cám ơn em đã thể hiện bằng việc xé bỏ lá phiếu của mình. 

Và xin được chia sẻ cùng em với những gì xảy ra sau đó.

Hơn 7 tiếng trong đồn công an sau khi bị bắt nguội, bị lôi kéo, bị dằn xé bởi hàng chục câu hỏi. 

“Động cơ của mày là gì?” – là lương tâm, là quyền của tôi. Có lẽ sau này em chỉ cần trả lời như vậy là đủ.

Không tham gia bầu cử để khỏi phải gánh trách nhiệm “dân chọn sai thì dân phải chịu”. 

Không phụ diễn chung với gameshow đảng cử - dân bầu là một quyết định khá khó khăn với những người lần đầu tiên vào đồn.

Cám ơn em đã lựa chọn.

Những ngày sắp tới đây, có thể sẽ phiền toái, sẽ mệt mỏi, bởi nhiều mối quan hệ bà con, họ hàng thân thuộc với em sẽ bị xới tung, bị lôi kéo vào để dọa dẫm, dụ dỗ hay năn nỉ em ngừng có thái độ với những gì đang diễn ra trong xã hội. Đó là bước đầu tiên và là việc khó khăn nhất mà mỗi người chọn lẽ sống với lương tâm mình sẽ gặp phải trong xã hội này.

Năm 2016, sẽ khác nhiều với những năm 2008-2009, những người không đi theo lề sẽ bớt cô đơn hơn, vì chúng ta có thể chia sẻ, an ủi và hỗ trợ tinh thần nhau. Vì vậy, mong em và nhiều người khác, hãy kiên nhẫn, bình tâm với gia đình, với những người xung quanh mình. Đừng khó chịu, đừng tách biệt, đừng chống lại những người thương yêu, lo lắng cho mình chỉ vì họ đang sợ hãi. 

Đây là thời khắc mà chúng ta phải sống đúng, thể hiện những gì mình lựa chọn, thông tin mình có được cần chia sẻ với người thân, gia đình và bạn bè – một cách chậm rãi, và bao dung. Những người xung quanh ta còn sợ hãi, hãy thuyết phục họ bằng bản thân mình, và đề nghị mọi người tôn trọng quyền lựa chọn của mình. Yếu tố căn bản nhất trong mọi cuộc đối thoại, đó là vì mọi người còn thương yêu, còn quan tâm là lo lắng cho sự an nguy của ta, hiểu như vậy để chọn thái độ thuyết phục nói chuyện sao cho hợp lý.

Đến những người thân cận gần gũi mà ta không thuyết phục được họ, thì xã hội rộng lớn ngoài kia e dè và vô cảm là chuyện không lạ lùng.

Em thân mến,

Đối đầu với an ninh là cửa ải mà bất kỳ người nào có thái độ đi ngược lại với chủ trương đường lối của đảng đều gặp phải. Dù ta có muốn đối thoại thì trong con mắt của an ninh ở mọi góc nhìn ta đều là kẻ đối đầu. 

Mặc kệ họ em ạ, kiểm soát và định hướng tư tưởng con người luôn là điều mà mọi chế độ độc tài sử dụng để tạo ra sự thuần phục trong sợ hãi. Không trấn áp được tư tưởng, họ sẽ dùng bạo lực và nhà tù để hòng khuất phục các công dân có chính kiến. 

Và chúng ta – những người Việt Nam còn đau đáu với vận mệnh dân tộc này sẽ phải đối đầu với tất cả những khó khăn này.

Giải quyết sự sợ hãi, chỉ có một cách đối diện với nó, và học cách đứng lên từ chính nỗi sợ hãi. Vì thế nếu em hỏi chị có lời khuyên nào cho em không, thì đây chính là kinh nghiệm của chị:

- Hãy cứ sợ để rồi bớt sợ và hết sợ. 

Có sợ mới biết mình sợ cái gì, đối diện với những gì, để rồi từ đó tự trang bị kiến thức, đi kiếm thêm anh em bạn bè chia sẻ, và lên tiếng để mọi người cùng hỗ trợ.

Em thân mến,

Những ngày qua có lẽ là ngày rất dài với em và gia đình, hãy bình tâm đón nhận nó nhé, hãy nhớ không ngừng yêu thương và thông cảm với những người xung quanh mình. Và em hãy nhớ rằng những người đã dũng cảm lựa chọn thái độ sống sẽ không bao giờ thấy cô đơn. 

Chúng ta, sẽ cùng nhau đối diện với những thử thách do an ninh mang lại và sẽ cùng nhau giải quyết nó, tùy theo lựa chọn phù hợp với mỗi người. 

Đời nhất định sẽ thay đổi khi chúng ta dám thay đổi em ha!

Quý mến em và bạn bè mình!


Vô thần, đàn áp tôn giáo, xây tượng Phật làm gì?

Mô hình Chùa Tháp cao nhất thế giới. Ảnh Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên
Hạ Trắng (Danlambao) - Tỉnh Thái Nguyên sẽ có Chùa Tháp cao nhất thế giới. Đây là hạng mục trong “siêu” dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.

Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này từng làm chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh như dự án quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình), khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam).

Chùa Tháp được thiết kế xây dựng có chiều cao 150 m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000 m2. Chùa Tháp có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong một thời điểm. Dự kiến, công trình này sẽ mất 10 năm (2016-2026) để hoàn thành.

Mấy tháng trước, dư luận cả nước đã bày tỏ sự phẫn nộ, không đồng tình về việc tỉnh Sơn La -một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam- dùng ngân sách của dân xây dựng khu tượng đài “bác Hồ” với tổng vốn đầu tư lên tới 1.400 tỉ. Tất nhiên, mặc kệ dân đói, mặc kệ dân không đồng tình, chính quyền cứ xây.

Và không chỉ có một vài tượng đài ấy, đã có rất nhiều tượng đài trăm tỉ, nghìn tỉ được dựng lên, đang dựng lên và sẽ được dựng lên trong tương lai. Câu hỏi đặt ra, một đất nước nghèo bậc nhất thế giới như thế, xây dựng nhiều tượng đài để làm gì? Thưa, để phục vụ cho mục đích chính trị, cho chính sách mị dân và tạo cơ hội tham nhũng cho quan chức. 

Cũng chưa thấy một đất nước vô thần nào nhiều chùa chiền như ở Việt Nam. Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích toàn quốc. Đó là chưa kể những ngôi chùa “tự phát”, được xây dựng với mục đích thương mại. Chùa là nơi thờ Phật, truyền bá đạo Phật nhưng đa số Chùa chiền hiện nay còn thờ cả tượng ông Hồ Chí Minh, một kẻ vô thần và chủ trương đàn áp tôn giáo. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng bị các nước dân chủ và các tổ chức Nhân quyền trên thế giới xếp vào danh sách những quốc gia đàn áp tôn giáo.

Trở lại với dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc và Chùa Tháp ngàn tỷ của tỉnh Thái Nguyên. Không cần bàn cãi nhiều cũng biết ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. 

Câu hỏi đặt ra, sẽ có bao nhiêu người dân Thái Nguyên trở thành dân oan của cái gọi là “thu hồi đất”, “giải tỏa mặt bằng”?

Cá chết, biển nhiễm độc, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long hạn hán..., tất cả những điều đó báo động những thảm họa khó lường mà nhìn thấy trước mắt là NẠN ĐÓI.

- Đói, liệu người ta có còn sức để ngắm nhìn, để tung hô những tượng đài nghìn tỷ?

Không!

- Đói, liệu người ta còn có sức ngước mắt lên Chùa Tháp cao nhất thế giới để niệm Phật?

Không!

Nhưng Đói, người dân sẽ đủ sức để đạp đổ chính quyền, thủ phạm đã gây nên mọi nỗi oan khiên cho dân tộc.

Bây giờ hoặc không bao giờ. Cộng sản Việt Nam vẫn còn cơ hội để tạ lỗi với Quê hương.


Viện Quản trị Bền vững và Hoà bình toàn cầu lên tiếng về trường hợp TNLT Trần Huỳnh Duy Thức

CTV Danlambao lược dịch - Ngày 25/5/2016, Giáo sư C.J.Hamer - Chủ tịch, Viện Quản trị Bền vững và Hòa bình Toàn cầu, đã có thư gửi các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, cùng nhà nước Việt Nam hãy trao trả tự do cho Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn bản dịch lá thư trên.

Hôm nay ngày 31/5/2016, ngày thứ 8 TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù.

*
Viện Quản trị Bền vững và Hòa bình Toàn cầu
Số đăng ký: INC9896763
Website: http//igpsg.org
Chủ tịch: Giáo sư C.J.Hamer
3/141 Oberon St.
Coogee NSW 2034
Tel: (02) 93854590 (W)
C.Hamer@unsw.edu.au
Thứ Tư, ngày 25/05/2016,

Về việc: Trần Huỳnh Duy Thức

Gửi các bên liên quan:

Tôi ủng hộ cho phong trào đòi tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi hiểu rằng ông ấy đang bị giam cầm ở Việt Nam bởi cáo buộc thực hiện tuyên truyền chống lại chính quyền, chịu án 16 năm tù giam và tiếp tục 5 năm quản chế. Ông ấy đã chịu 7 năm trong tù bởi sự buộc tội đó. Ông đã thề sẽ bắt đầu một cuộc "tuyệt thực cho đến chết" chống lại việc giam cầm ông kể từ ngày 24/05/2016.

Tôi tha thiết yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy thể hiện sự nhẹ tay tới Thức, và thả ông ra khỏi nơi giam cầm. "Tội" của ông Thức là đưa ra một loạt những đề nghị cho việc cải cách quản trị chính quyền tập trung vào quyền con người. Đúng vậy, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền hiện đại là duy trì quyền con người, như đã được nêu lên trong Tuyên ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền. Một trong những quyền đó là quyền tự do ngôn luận, để chống lại sự chuyên chế và lạm dụng quyền lực của chính quyền. 

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi việc xử án Thức là "một sự nhạo báng công lý". Sự kết án đối với ông ấy là dài nhất chưa từng có dành cho một người bất đồng chính kiến Việt Nam, và đã bị lên án bởi văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân Quyền. 

Vào ngày 29 tháng Tám năm 2012, tổ chức Liên Hợp Quốc Nhóm Làm việc về Giam cầm Tùy tiện (WGAD) đã đưa ra nhận định rằng việc giam cầm Thức đã vi phạm quyền tự do ý kiến và phát biểu được đảm bảo bởi Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR), mà Việt Nam là một thành viên.

Do đó, tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam chấp hành nghĩa vụ của mình bởi tuân thủ luật pháp quốc tế, và thể hiện sự nhẹ tay tới Thức bằng cách thả ông ra khỏi nơi giam cầm ngay lập tức.

(đã ký)

Giáo sư C.J.Hamer

Chủ tịch, Viện Quản trị Bền vững và Hòa bình Toàn cầu


Quan hệ Việt - Mỹ: lật ngửa lá bài?

Bao Thien (Danlambao) - Sau khi lật ngửa lá bài “Việt Nam” trong thế cờ South China Sea (biển Đông), Hoa Kỳ sẽ tiến hành kế hoạch gì tiếp theo? Hãy thử dự báo.

1. Mặt trận "chưa tiếng súng" 

Lật ngửa lá bài Việt Nam (một lá bài then chốt) chính là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng dưới thời Barack Obama. 

Nhiệm vụ và cả trách nhiệm của Obama đã hoàn thành một cách mỹ mãn. 

Tiếp đến nhiệm kỳ của tổng thống mới dù Dân Chủ hay Cộng Hòa ngồi vào Nhà Trắng thì tổng thể chính sách đối ngoại và nhất là quân sự của Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ không có gì khác biệt trong toàn bộ kế hoạch lớn cho 20-30 năm tới. 

Với lá bài Việt Nam nước đi tiếp theo có thể dự đoán là Hà Nội và Washington trong năm 2017 sẽ tiến tới hợp tác mạnh hơn về hải quân và tất nhiên mục đích của cả hai phía không nằm ngoài “Cam Ranh”. 

Cam Ranh sẽ bổ sung vào thế kẹp Đông (các căn cứ ở Subic, Philippines) – Tây (Cam Ranh) mà Hải quân Hoa Kỳ đã và đang muốn bố trí. Vấn đề chỉ còn là thời điểm thực hiện (chứ không còn là có hay không nữa). 

Thế kẹp Đông-Tây này sẽ là đối trọng không hề nhỏ đối với các “căn cứ” hải / không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa). 

Vòng vây hải quân Hoa Kỳ ở bờ Tây Thái Bình Dương xem như hoàn tất từ phía bắc (Hàn Quốc, Nhật Bản) xuống Đài Loan (thông qua các gói vũ khí đã cung cấp) sang Philippines, chốt ở điểm nối cuối Singapore, và điểm cuối quan trọng chính là Cam Ranh được dự báo sẽ hoàn tất sớm trong vòng cung vây hãm này. 

Với thế đang bị bủa vây Bắc Kinh cần phải đẩy nhanh kế hoạch cửa ngõ sinh tử của họ ở South China Sea nên sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực, hay răn đe nào. Kế hoạch quân sự hóa và kiểm soát vùng nhận diện phòng không ở South China Sea sẽ được tiến hành sớm hơn. 

Hoa Kỳ sẽ vì thế trực tiếp tham gia vào mặt trận ngoại giao và thực thi nhiệm vụ sen đầm quốc tế thông qua việc tiếp tục duy trì và gia tăng các đợt tuần dương, không thám trong khu vực South China Sea. Và đây là điểm “đối đầu” yếu trước mưu đồ của Trung Quốc. Vì nó không có tác dụng răn đe để cản bước Trung Quốc và với hiện trạng đã được thay đổi, các căn cứ không / hải quân của Trung Quốc đã tồn tại mà không thể “dẹp bỏ” được. 

Để ngăn cản việc biến khu vực South China Sea thành căn cứ hải / không quân của Bắc Kinh trong tình hình như nói trên thì các bên liên quan sẽ cần làm gì? Không có nhiều chọn lựa kiểu đối đầu trực tiếp. Đối đầu hay xung đột trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở South China Sea (cho dù Hoa Kỳ ở thế và lực trên Trung Quốc rất nhiều lần) là thất sách cho cả hai nên họ sẽ né tránh.

Dự báo ngoài nước cờ “Cam Ranh” sẽ là cuộc chạy đua “quân sự hóa” khu vực đang kiểm soát của các bên liên quan trực tiếp ở South China Sea. Tức những quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở South China Sea sẽ được hổ trợ (ngầm hoặc công khai) từ Hoa Kỳ và các đồng minh để mở rộng đảo, bãi đá ngầm như Việt Nam đã và đang triển khai ở ít nhất 7 đảo. Philippines, và cả Đài Loan, Malaysia sẽ tham gia vào cuộc đua “xây đảo” này. Đó là lý do tại sao trong vài tuần qua truyền thông Hoa Kỳ và quốc tế đã và đang đề cập đến các công trường xây dựng, mở rộng đảo của Việt Nam ở Spratly Islands (Trường Sa) mặc dù việc này đã được diễn ra song song với các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này nhưng không được đề cập nhiều.

Thời gian tới, có thể sẽ được thấy các sân bay hiện hữu ở South China Sea sẽ được nâng cấp, sân bay mới sẽ được xây dựng, các đảo nhân tạo sẽ được xuất hiện từ các bãi đá ngầm... với tốc độ nhanh và hiệu quả hơn bởi các quốc gia trong khu vực tranh chấp này để tạo thế cân bằng ít nhiều với sự kiểm soát Trung Quốc. 

Hiện trạng đã bị thay đổi, tất cả sẽ cùng tham gia vào các bước đi để bắt kịp với sự thay đổi đó. Đây là những dự báo có thể “đọc” được trong các bước đi của các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp tại điểm tranh chấp – South China Sea. 

2. Mặt trận ngoại giao

Trên mặt trận ngoại giao và luật quốc tế có thể thấy phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế cho đơn kiện của Philippines sẽ bị Bắc Kinh bác bỏ hoàn toàn. Bước tiếp theo có thể dự đoán rằng các bên có liên quan được cho là có lợi ích ở khu vực này (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật) sẽ đưa “điểm nóng South China Sea” ra Hội đồng Bảo an LHQ để thảo luận và tìm kiếm cho được một nghị quyết.

Các tuyên bố của Hoa Kỳ, Anh Quốc với tư cách thành viên thường trực đang cho thấy họ đã chuẩn bị bước đi này. Chưa thấy tuyên bố trực tiếp để ủng hộ việc này từ Pháp nhưng có thể dự báo thông qua các tuyên bố của EU về South China Sea để thấy khả năng ủng hộ của Pháp. 

Nhật Bản với tư cách thành viên không thường trực cho nhiệm kỳ 2016-2017 cho thấy họ ủng hộ kế hoạch này. 

Riêng hai quốc gia thành viên thường trực khác là Nga và Trung Quốc sẽ phản đối và ra sức ngăn cản việc đưa vấn để này lên Hội đồng Bảo an.

Hãy chờ xem các diễn biến trên hai “mặt trận” sẽ được triển khai thế nào trong thời gian tới.


Vui vẻ gì mà hưởng ứng ngày Đại dương thế giới?

Photo: Internet
Mẹ Nấm (Danlambao) - Chiều 25/5/2016, Bộ Tài Nguyên Môi Trường tổ chức buổi họp báo tại Hà Nội công bố việc ngành tài nguyên và môi trường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức 2 sự kiện là Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ 1/8 đến 8/6) hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8/6.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2016 là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường đổi mới hình thức tổ chức thông qua việc phát động Tháng hành động vì môi trường với nhiều hoạt động cụ thể như lễ phát động, lễ thả động vật về rừng, trồng cây xanh, diễn đàn quốc gia về môi trường và phát triển, lễ tổng kết và Giải chạy bộ “Hành trình Việt Nam xanh”…

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2016 diễn ra từ 1-8/6, với chủ đề “Vì một hành tinh xanh”. Đây là năm thứ 8 Việt Nam tổ chức sự kiện. Mục tiêu là hướng đến quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển đảo. Điểm nhấn của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là lễ mít tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016, diễn ra ngày 8/6 tại Nam Định. (1) 

Chương trình tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (diễn ra từ ngày 1-8/6) không nhắc tới việc làm sạch môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) sau thảm họa môi trường. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, ông Vũ Sĩ Tuấn cho biết: Tuần lễ chỉ tổ chức hai hoạt động chính, còn các hoạt động khác đã được Bộ gửi công văn yêu cầu các địa phương tổ chức trong một tháng nay. Ông Tuấn khẳng định, Tuần lễ Biển và Đảo có nhiều hoạt động với mong muốn đạt được nhiều mục tiêu tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển đảo và vấn đề cá chết. Tuy nhiên ngày mùng 8/6 tới sẽ chỉ tổ chức lễ mít tinh diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ nên sẽ phải lồng ghép các nội dung trong các bài phát biểu. 

Trước những câu hỏi của báo chí về việc chưa công bố nguyên nhân dẫn tới chuyện cá chết hàng loạt vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc trả lời: “Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ phân công thông tin về nguyên nhân cá chết và chúng tôi không ém thông tin. Có thông tin tới đâu chúng tôi sẽ thông báo tới đó. Trong những ngày này, chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí cùng với chúng tôi làm công tác tuyên truyền cho người dân, biển là hành tinh rất xanh, biển có khỏe thì chúng ta mới khỏe. Cần tập trung để tuyên truyền về Tuần lễ Biển và Hải đảo mang tầm vóc, ngoài vấn đề phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng là những nội dung trọng tâm trong tuần lễ này”.

Ông Ngọc đưa ra hình ảnh: “Chúng ta ra biển thấy rất mênh mông. Nếu đi trên máy bay nhìn xuống thì tàu sân bay của Mỹ cũng như một cái lá. Sự sống trên biển cũng rất mong manh. Nguyên nhân cá chết có rất nhiều nguyên nhân. Phải xác định xem là nguyên nhân tự nhiên hay nhân tạo, có hay không?. Đây là giai đoạn gần cuối cùng để các nhà khoa học trong và ngoài nước xác định cá chết vì sao”.

Ông Ngọc cho biết đến giờ vẫn chưa thống nhất, chưa xác định được cá chết vì lý do gì nên chưa thể nói được vì đâu. (2) 

Tại sao phải thống nhất việc xác định nguyên nhân cá chết?

Tại sao lại không nhắc tới thảm họa môi trường nghiêm trọng tại vùng biển miền Trung trong ngày Đại dương Thế giới?

Tại sao chỉ tập trung nhảy múa, hội hè ăn chơi, tổ chức các hoạt động bảo vệ đầy hình thức trình diễn trong khi ngoài kia tàu thuyền đắp chiếu nằm bờ, nhân dân hoang mang lo sợ?

Ý thức bảo vệ môi trường không đến từ việc tổ chức 1, 2 ngày lễ cho hợp trào lưu thế giới. Cam kết bảo vệ môi trường phải đến từ hành động minh bạch thông tin, không né tránh vấn đề gốc rễ là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường. 

Đừng đổ lỗi cho ý thức bảo vệ môi trường, phải đặt câu hỏi và yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức đã vì đồng tiền, vì lợi ích nhóm mà tiếp tay cho doanh nghiệp xả thải ngầm ra biển, lơ là trong công tác giám sát quản lý số liệu quan trắc môi trường.

Bộ Tài Nguyên Môi Trường không được phép sử dụng ngân sách để tổ chức những lễ hội, những đợt tuyên truyền vô ích khi chính cơ quan đầu ngành này không hề có trách nhiệm với thảm họa đã xảy ra.

Chủ Nhật, ngày 5/6/2016, ngày Môi trường thế giới, những ai yêu môi trường, mong muốn minh bạch thông tin, hãy ra đường với thông điệp của bạn. Đừng để các cơ quan chức năng diễn trò trên lưng chúng ta khi chính họ là đồng phạm với những kẻ hủy hoại môi trường biển.


Chú thích:

Đất nước mẹ đặc biệt đến lạ phải không con?

Hien Bushell - Qua điện thoại nghe giọng nói và hơi thở gấp gáp của bà ngoại, ba và mẹ quyết định dắt hai con về Việt Nam vào một ngày cuối tháng tư năm 2016. Vì mang quốc tịch New Zealand và về gấp nên mẹ phải xin visa trên mạng cho ba Justin và hai con để khi về lấy tại cửa khẩu. Visa của mẹ thì vẫn còn hạn cho đến hết tháng 2 năm 2017.

Sáng sớm ông bà nội và cô đến đưa cả nhà mình ra sân bay. Đến quầy làm thủ tục xuất cảnh, vé đã kiểm tra, tất cả hành lý đã cân, 3 tờ đơn xác nhận xin visa của ba và hai con đã có nhưng đến phần visa của mẹ thì bị trục trặc. Cô nhân viên nói với mẹ: " Xin bạn vui lòng chờ đợi vì visa của bạn có vấn đề". Mẹ hỏi visa vấn đề gì? Cô ấy trả lời. Visa của bạn quá đặc biệt đến lạ. Mà lạ thật lịch thế giới làm gì có ngày 30-2 -2017. Thế mà trong visa của mẹ được cấp bởi đại sứ quán Việt Nam, một cơ quan đại diện cho một quốc gia. 

Chính vì cái visa quá đặc biệt đến lạ ấy của mẹ mà 2 con và ba con đã chờ đợi gần 2 tiếng đồng hồ. Nhìn đôi mắt đỏ còn ngái ngủ của em Maria và sự mệt mỏi của con bên cạnh mẹ. Mẹ quay sang nhìn con nói lời xin lỗi vì đã để hai con chờ đợi quá lâu. Con ôm chầm lấy mẹ và nói: Mẹ không phải xin lỗi con vì đó không phải lỗi của mẹ. Người đáng xin lỗi chúng ta đó là cơ quan cấp visa cho mẹ, sau chuyến đi về mẹ hãy viết thư cho họ biết để đừng có trường hợp này tái diễn đến những người khác hoặc gia đình có con nhỏ như chúng ta. Ôi! Con gái 10 tuổi của mẹ, con đã được đào tạo trong môi trường nhân văn, con đã biết trách nhiệm kia thuộc về ai. 

Mẹ bồn chồn lo lắng mình sẽ bị trễ chuyến bay nhưng với sự nhiệt tình, nhã nhặn và sự hỗ trợ của cô nhân viên gia đình mình đã hoàn thành thủ tục trước khi máy bay cất cánh. Trong suốt 13 tiếng đến Singapore, mẹ quên hết chuyện sáng nay, mẹ hồi hộp mong mau về Việt Nam để gia đình mình gặp ông bà ngoại, với con và ba con sau 8 năm về lại và là lần đầu tiên cho em Maria. 

Gia đình mình quá cảnh một đêm tại Singapore. Sáng hôm sau hai con lại dậy sớm ra tiếp sân bay để chuẩn bị về Việt Nam. Rồi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, ba con tay xách tay mang hành lý cho cả nhà, con trông coi em trên chiếc xe đẩy, mẹ cầm trên tay tập hồ sơ và chúng ta đứng xếp hàng trong dòng người đông đúc cộng với cái nóng oai bức giữa trưa hè để đợi lấy visa tại cửa khẩu nhập cảnh. Bỗng dưng có tiếng hét giận dữ, bức xúc của một nữ hành khác nước ngoài la lớn bằng tiếng anh "Someone stole my phone" (ai đó đã ăn trộm điện thoại của tôi). Tiếng kêu thất thanh của người phụ ấy khiến nhiều người bất giác thò tay kiểm tra lại túi, hành lý của mình. Sự gian lận ở ngay cái nơi được cho là an ninh nhất đã khiến con gái hoang mang quay sang hỏi mẹ. Mẹ ơi! Mẹ có nghe cô ấy nói gì không? Chúng ta có thể giúp gì cho cô ấy? 

Có, mẹ có nghe con gái! Nhưng mẹ hy vọng cô sẽ tìm ra hoặc sẽ có nhân viên giúp đỡ cô ấy như cô nhân viên bên New Zealand đã giúp đỡ gia đình mình khi visa của mẹ bị trục trặc sáng hôm qua. Có vài nhân viên mặc đồng phục ở quanh đó cũng nghe nhưng thái độ thờ ơ và không có bất cứ động thái nào để giúp đỡ khách hoặc hổ trợ giải quyết sự việc. 

Mẹ nhìn con gái lòng quặn đau: Một lần nữa xin lỗi con, đất nước mẹ đặc biệt đến lạ phải không con? 

Con lại ôm mẹ nói: không phải lỗi của mẹ bởi mẹ đâu có quyền lựa chọn nơi mẹ sinh ra. Người xin lỗi cô du khách kia chính là những người vận hành đất nước này, phần mẹ không có lỗi. Đúng, con nói đúng. Và chúng ta, chúng ta thật sự có lỗi khi phải cuối đầu chấp nhận mà không biết đấu tranh để giành lấy cái quyền làm người đúng nghĩa.









Hien Bushell

CSVN, chừng nào công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung?

Đại Nghĩa (Danlambao) - Có phải chăng vì Tập Cận Bình chống lưng cho Formsa Vũng Áng nên nhà nước CSVN chần chừ không dám công bố kết quả nguyên nhân cá chết ở miền Trung? Formosa Vũng Áng được xem như là khu tự trị của đế quốc Trung cộng, nơi mà nhà cầm quyền cũng như người Việt Nam không được bước chân vào. Theo luật sư Đào Tăng Dực thì Formosa Vũng án chỉ là cái vỏ của Đài Loan, còn cái ruột là của Trung cộng 90%:

“Đáng chú ý, văn bản số 1407114 ngày 29-7 của công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh còn đề nghị chấp thuận để 28 nhà thầu của FHS, gồm 25 Trung Quốc, 3 nhà thầu Việt Nam, tuyển dụng hơn 10.000 lao động nước ngoài, với 90% quốc tịch Trung Quốc”. (Boxitvn online ngày 28-4-2016) 

Cá chết ở miền Trung xảy ra hơn một tháng nay, theo các nhà khoa học thì đã có kết quả xác định nguyên do cá chết từ đâu, nhưng nhà cầm quyền CSVN sợ “nhạy cảm” không dám công bố chớ thật ra “Vụ cá chết: ‘Đủ bằng chứng để kết luận?’…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tác An nói trong thảo luận trực tuyến hôm 5-5: ‘Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Theo quan điểm của tôi, những cơ sở đấy [chứng cứ khoa học] có thể kết luận được nguyên nhân rồi.

…Khoảng hôm 20 [tháng Tư] những kết quả ấy đã được phân tích, được hình thành báo cáo, tôi nghĩ đã đến lúc hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá và thông báo một cách khách quan”. (BBC online ngày 5-5-2016)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng cho biết: “Đã có đủ cơ sở để có được câu trả lời về nguyên nhân cá chết”. Tuy nhiên đã nửa tháng nay Thủ tướng và Chính phủ cũng chưa công bố cho dân đang âu lo từng phút từng giây diện kiến với tử thần.

Như vậy, có thể nói đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận. Bộ KH&CN đang nỗ lực cùng với Hội đồng chuyên gia KH&CN và các Bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Nhân dân”. (DanTri online ngày 14-5-2016)

Giáo sư Tiến sỹ Lê Đức Tố cũng cùng quan điểm với nhà hải dương học Nguyễn Tác An và dứt khoát nguyên nhân cá chết là do chất xả thải của công ty Formosa.

Trước đây thì có tiết lộ ra là nguồn xả thải của công ty Formosa, mà theo tôi nghĩ chắc chắn là công ty Formosa. Nhưng nhà máy này mới bắt đầu, chưa đưa vào toàn bộ qui trình. Nếu bây giờ (buộc) ngưng hoàn toàn thì nước chủ nhà cho phép người ta làm như thế phải đền bù cho công ty này như thế nào. Về nguyên tắc thì công ty này không có lỗi vì nhà nước, nhà quản lý cho phép họ làm. Trước mắt nhà nước, nhà quản lý phải chịu trách nhiệm đã”. (RFA online ngày 10-5-2016)

Theo đài RFA đưa tin “Cá chết ở miền Trung nhiễm kim loại nặng”…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám hôm 5-5 nói với báo chí Hà Nội là, các mẫu cá chết ở Bắc Trung bộ mà Bộ phân tích cho thấy cá bị nhiễm kim loại nặng.

Tuy vậy Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết ông không được phép công bố chi tiết, về chủng loại, thành phần cũng như số lượng kim loại nặng mà cá bị nhiễm từ nước biển…

Được biết giới khoa học trong nước, cũng như Hội nghề cá Việt Nam thiên về giả thiết Khu công nghiệp Vũng Áng, trong đó có nhà máy thép Formosa đã xả thải hóa chất độc hại qua đường ống ngầm chôn dưới đáy biển và làm cá chết hàng loạt”. (RFA online ngày 6-5-2016)

Nhà cầm quyền CSVN ăn cái giải gì mà trải thảm đỏ rước cái của nợ Formosa trong khi các nước khác người ta đã tẩy chay….

Nhà báo Wilson nhiều lần nhắc đến công ty Formosa-Plastics gố ở Đài Loan với những tội tàn phá mội trường rất nặng ở hai tiểu bang Texas và Delware (Hoa Kỳ) và ở vùng Mexico rộng lớn, suốt những năm 1995, 1997 cho tới 2008.

Nhiều lần hảng này bị phạt tiền rất lớn, có khi phải đền cho ngư dân Texas 13 triệu đôla. Năm 2009 hảng này bị trao giải ‘Hành tinh đen’, bị lên án trên các cơ quan truyền thông toàn cầu. Diane Wilson cho biết công ty Formosa-Plastics cũng từng bị chính phủ Campuchia phạt nặng và trục xuất về nước khi định lén đổ chất hết sức độc xuống cảng Sihanoukville”. (VOA online ngày 12-5-2016)

Ai là người quan tâm và thông cảm với “Nỗi lo của các thợ lặn Formosa Vũng Áng”? Trong số này có anh Lê Văn Ngầy ở tỉnh Khánh Hòa đã chết bất đắc kỳ tử trên đường đến bệnh viện ngày 24-4. Rồi thì từ đó đến nay:

Hàng loạt thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa Vũng Áng có biểu hiện nhiễm độc nước biển. Tuy vậy sau gần một tháng kiểm tra sức khỏe họ không nhận được kết quả còn bị đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động…

Theo anh Đặng Lê Vũ cho biết:

“Sau này đi làm về bọn tôi cảm thấy tức ngực khó thở và triệu chứng khát nước. Đến ngày 28-4 thì công ty Nibelc cho đi khám sức khỏe ở Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó chúng tôi đã nhiều lần gặp trực tiếp Giám đốc và những người điều hành công ty Nibelc để yêu cầu lấy kết quả. Nhưng họ cứ chối vòng vo, đến khi ấy chúng tôi mới quyết định viết đơn cho công ty và cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Mà họ còn gọi chúng tôi đến để thanh lý hợp đồng…

Nói chung chúng tôi muốn họ phải làm cho ra rạch ròi về việc nhiễm độc trong máu hoặc hóa chất trong máu. Chúng tôi hiện đang hết sức lo lắng về sức khỏe của mình, vì họ không trả lời kết quả khiến cho mình càng lo, vì mình không biết rằng mình có bịnh hay không?” (RFA online ngày 27-5-2016)

Tin động trời, không biết ông trời con nào có quyền lực “siêu phàm” đã ngăn trở việc khám bịnh của những thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa? Theo chị Xoan, vợ của một trong số những thợ lặn nói trên đài RFA như sau:

Chồng tôi làm việc ở Formosa, hôm trước các Cha muốn đưa mấy anh em thợ lặn đi khám, nhưng bác sĩ trong Sài Gòn (SG) nói rằng, trên Bộ cấm rồi nên họ không dám làm. Tôi còn nghe có bác sĩ nói rằng, bây giờ đi khắp Việt Nam, cả Hà Nội, Sài Gòn cũng không có ai dám cho anh kết quả”. (RFA online ngày 27-5-2016)

Cái chết do chất thải độc của Fomosa sẽ còn kéo dài nhiều chục năm nữa, mà tội ác này là do đảng CSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng tiếp tay. Theo tin mới nhất: 

Ngày 28-5-2016, bà Nguyễn Thị Liên, người xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã bị rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi ăn tép biển. Bệnh viện đã lắc đầu từ chối tiếp bệnh nhân và khuyên gia đình đưa về ‘lo cho bà vì bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm và cho biết bà bị suy thận cấp, viêm gan cấp, viêm mạc đường hô hấp và toàn bộ tim gan, ngũ tạng và các bộ phận đã bị nhiễm độc nặng nên ‘khó bề cứu chữa’…

Người dân cũng cho biết, bên xóm 1 cũng thuộc xã Nghi Phương, cả hai vợ chồng anh Luyến mua cá và mực biển về ăn và cũng bị trúng độc. Khi đang đưa ra Hà Nội điều trị thì anh Luyến tử vong trên đường, còn chị vợ thì nay cũng đã bị bệnh viện trả về”. (Boxitvn online ngày 30-5-2016)

Mãi cho đến ngày hôm nay người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước có nguyện vọng được biết kết quả đưa đến cá chết hàng loạt ở miền Trung mà hậu quả vẫn còn đang âm ĩ. Những ngư dân còn neo thuyền không dám đi đánh bắt, ngồi nhà chờ cứu đói, người dân không dám ăn cá sợ hậu quả chất độc vẫn còn.

Người dân Việt Nam phải cương quyết đòi nhà cầm quyền Cộng sản phải công bố nguyên nhân vụ cá chết ngay để mọi người sớm có phương án tích cực cứu dân, cứu nước. Nếu không, toàn dân hãy cương quyết vùng lên “lật thuyền” bọn cầm quyền bán nước, diệt chủng. 

Người dân Việt Nam hãy tự cứu mình trước khi Trời cứu!


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải xuất khẩu nhiều hàng hoá “Ma dze in Việt Nam”!


Bạn đọc Danlambao - Tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc chữ tiếng Anh “Made in Vietnam” thành “Ma dze in Việt Nam” khi yêu cầu các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu hàng hoá ở nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" hôm 29/4/2016 ở Sài Gòn, ông Phúc hùng hồn nói:

“Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập để không những phát triển kinh tế trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài, mang thương hiệu mà ta hay gọi là “Ma dze in Việt Nam”

Đất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được?”

Không rõ cách đọc như trên là do ông Phúc vô tình theo thói quen, hay ông cố tình đọc như vậy để chọc cười cho các doanh nghiệp? 

Những gì diễn ra trong video cho thấy đã không có tiếng cười nào vang lên sau màn trình diễn tiếng Anh ngớ ngẩn của ông Phúc.



Việt Nam vứt bỏ “Nhân Phẩm và Hiến Pháp” đề cao sự “ổn định”

Nguyễn Hồn Việt (Danlambao) - “Họ được lợi lộc gì khi chính sự yên ổn ấy lại là nguồn khổ của họ? Trong tù ngục cũng có thanh bình, nhưng thanh bình kiểu đó có đáng để sống không?”

***

Bằng chứng là khi dịch bài phát biểu của Tổng thống Obama trước 2000 người Việt Nam đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo các báo lề đảng dịch ngược lại hoặc cắt bỏ hẳn các đoạn nói tới Nhân Phẩm và Hiến Pháp, cụ thể như sau:

1. Quên đi “nhân phẩm” để đổi lấy “ổn định”?

- Obama: So I come here mindful of the past, mindful of our difficult history, but focused on the future -- the prosperity, security and human dignity that we can advance together. (1)

- Báo Lao Động: Khi đến đây tôi ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng chúng ta hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để chúng ta có thể thúc đẩy lẫn nhau. (2).

- Báo VnExpress: Khi đến đây tôi ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng chúng ta hướng về tương lai. Sự thịnh vượng, an ninh và ổn định là những điều chúng ta hướng tới. (3).

- Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ: Do vậy, khi đến đây, tôi đã ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử đầy khó khăn của chúng ta, nhưng cũng hướng tới tương lai – sự thịnh vượng, an ninh và nhân phẩm mà chúng ta cùng nhau thúc đẩy. (4).

Nhận xét: “human dignity” = “ổn định”?

Tại sao đảng cộng sản Việt Nam lại chỉ đạo dịch “human dignity” = “ổn định”? Đảng cộng sản Việt Nam dốt tiếng Anh tới cỡ đó à? Tôi không nghĩ là như vậy bởi vì tôi khá dốt tiếng anh, tôi phải nhờ tới Google dịch thì kết quả cũng cho ngay là: 

human dignity” = “nhân phẩm”!

Vậy điều gì để họ dịch chuyển từ “nhân phẩm” sang từ “ổn định”?

Chỉ có thể hiểu rằng người chỉ đạo họ thấy xấu hổ khi nhắc tới từ “nhân phẩm” nên họ đã chỉ đạo tìm một cái từ khác mà họ thấy thích hơn để dịch sang và từ được thay thế là từ “ổn định”! (Ai cũng biết, các báo lề đảng của cộng sản Việt Nam thuộc quyền chỉ đạo của Ban tuyên giáo Trung ương đảng) 

Tại sao khi nhắc tới “nhân phẩm” thì đảng cộng sản Việt Nam lại thấy xấu hổ?
Theo từ điển thì nghĩa của từ Xấu Hổ là = “cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác” (Hổ thẹn do nhận ra lỗi, xấu hổ vì đã nói dối, Trót quay cóp khi thi nên xấu hổ. Làm chưa được nên cảm thấy xấu hổ với bạn bè...)

Cụ thể ở đây là khi nhắc tới “nhân phẩm” thì đảng cộng sản Việt Nam đã biết mình còn kém cỏi trước người khác nên đã xấu hổ! 

Mà trong đề văn tuyển sinh đại học (khối C) năm 2011 có đề: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn.” Biết xấu hổ quan trọng với chúng ta bởi khi mỗi con người biết xấu hổ vì những gì không xứng đáng, thì niềm tự hào sẽ không lụi đi mà được nuôi dưỡng, được tiếp tục thăng hoa đến những đỉnh cao mới.

Trong tác phẩm Sống lại, L. Tolstoi kể rằng bọn tù hình sự ác ôn bị đày sang Siberia thường rủ rê những bạn tù trẻ, béo tốt vượt ngục để dùng họ làm nguồn thực phẩm ăn đường nhằm vượt qua ngàn dặm tuyết lạnh. Nhà văn viết: “Nạn ăn thịt người ở Siberia bắt nguồn từ điện Smolny đầy tự hào của những Sa hoàng không hề biết xấu hổ”. Tất cả mọi người đều có thể tự hào về “chúng ta” và tất nhiên, tất cả mọi người đều phải biết xấu hổ về “chúng ta”, vì những gì chúng ta đã làm, đã suy nghĩ không xứng đáng.

Như vậy đảng cộng sản Việt Nam đã biết “nhân phẩm” của đảng cộng sản Việt Nam kém hơn ở các đảng khác, ở các nước khác thì chúng ta hoàn toàn cho quyển hy vọng “nhân phẩm” của đảng cộng sản Việt Nam sẽ được cải thiện hơn trước, tức là họ sẽ bớt và tiến tới không đánh dân khi dân Biểu Tình ôn hòa, họ sẽ họ sẽ bớt và tiến tới không đánh dân khi dân thực hiện những quyền làm người đương nhiên của họ “Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được”!

Chúng ta cùng chờ xem!

Tuy nhiên, tại sao đảng cộng sản Việt Nam lại dịch chuyển từ “nhân phẩm” sang từ “ổn định”?

Có nghĩa là họ thích từ “ổn định”, tức là họ đang quảng bá cho một Việt Nam “ổn định” tới mức mà người ta có thể quên đi “nhân phẩm” để đổi lấy “ổn định”!

Mà trong cuốn “Bàn Về Khế Ước Xã Hội” (Du Contrat Social) của Jean Jacques Rousseau, ở phần bàn về Chế độ nô lệ, đã nói: “…Người ta sẽ nói rằng kẻ bạo chúa đem yên ổn xã hội lại cho dân chúng. Cứ cho như vậy đi, nhưng dân hưởng được gì khi nhà vua vì lòng tham vô đáy gây ra chiến tranh, khi những nhũng nhiễu của nền cai trị còn làm khổ người dân hơn là các sự tranh chấp giữa họ với nhau? Họ được lợi lộc gì khi chính sự yên ổn ấy lại là nguồn khổ của họ? Trong tù ngục cũng có thanh bình, nhưng thanh bình kiểu đó có đáng để sống không? Người Hy Lạp bị bọn Cyclops nhốt trong hang cũng sống thanh bình trong khi chờ đợi đến lượt mình bị ăn thịt. ” (trang 19) (7).

Như vậy, trong khi chờ đợi những biến chuyển do đảng cộng sản Việt Nam khi đã biết xấu hổ khi nhắc tới “nhân phẩm” thì chúng ta phải hết sức cảnh giác với luận điệu ru ngủ của họ, khi họ muốn chúng ta quên đi “nhân phẩm” để đổi lấy “ổn định”! Chúng ta không cần cái sự “ổn định” trong tù ngục!

Chúng ta hoàn toàn không thể quên đi “nhân phẩm” để đổi lấy “ổn định”!

Chúng ta không cần cái sự “ổn định” trong tù ngục đó!

2. Chuyển từ quyền Đương Nhiên có của người Dân sang cần sự Ban Phát quyền của đảng!

- Obama: Ho Chi Minh evoked the American Declaration of Independence. He said, “All people are created equal. The creator has endowed them with inviolable rights. Among these rights are the right to life, the right to liberty, and the right to the pursuit of happiness.” (1).

- Báo Lao Động: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền khác nhau trong đó có quyền sống, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc. (2).

- Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ: Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Ông đã nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. (4).

Nhận xét:

“The creator has endowed them with inviolable rights.” = “được hưởng”?

được hưởng” là gì? Theo từ điển thì “được hưởng” - thường nói về những gì không phải do mình có, như: “được hưởng một số chế độ cung cấp về lương thực”, ''con nhỏ và mẹ già được hưởng suất ăn theo'' 

Tại sao đảng cộng sản Việt Nam lại chỉ đạo dịch “The creator has endowed them with inviolable rights” = “được hưởng”? Đảng cộng sản Việt Nam dốt tới cỡ đó à? Tôi không nghĩ là như vậy bởi vì tôi khá dốt tiếng anh, tôi phải nhờ tới Google dịch thì kết quả cũng cho ngay là: 

“The creator has endowed them with inviolable rights.” = “Tạo hóa đã ban tặng cho họ có quyền bất khả xâm phạm.

Vậy điều gì để họ dịch chuyển đoạn “Tạo hóa đã ban tặng cho họ có quyền bất khả xâm phạm” sang từ “được hưởng”?

Rõ ràng đảng cs Việt Nam đã chuyển đương nhiên có (Tạo hóa đã ban tặng cho họ) của 90 triệu nhân dân Việt Nam (cũng giống như 5 tỷ người trên trái đất này) sang một thứ quyền do đảng cs Việt Nam ban phát! “được hưởng”.

Đây không phải một hành vi bỉ ổi nhỏ! Đây là một hành vi trắng trợn, một kẻ cướp giữa ban ngày, chúng ta phải vạch mặt chỉ tên kẻ cướp ngày trắng trợn của 90 triệu nhân dân Việt Nam – là đảng cs Việt Nam! Những “quỉ biện của ngôn từ” không đánh tráo được những khái niệm đang chuyển tải những sự thật quá ư trần trụi.

Chúng ta (90 triệu dân Việt Nam) phải đoàn kết để cùng nhau đòi lại cái quyền đương nhiên của chúng ta! Chúng ta đòi hỏi họ thực hiện đúng: “The creator has endowed them with inviolable rights. Among these rights are the right to life, the right to liberty, and the right to the pursuit of happiness.” = “Tạo hóa đã ban tặng cho họ có quyền bất khả xâm phạm. Trong số các quyền này là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”!

3. Vứt bỏ: “quyền tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo” của người dân.

- Obama: In our global economy, investment and trade flows to wherever there is rule of law, because no one wants to pay a bribe to start a business. Nobody wants to sell their goods or go to school if they don’t know how they're going to be treated. In knowledge-based economies, jobs go to where people have the freedom to think for themselves and exchange ideas and to innovate. (1).

- Báo Lao Động: Nền kinh tế sẽ phát triển, đặc biệt ở các nước có pháp quyền và có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. (2).

- Báo VnExpress: Nền kinh tế sẽ phát triển, đặc biệt ở các nước có pháp quyền và có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. (3).

- Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ: Trong nền kinh tế toàn cầu, đầu tư và thương mại sẽ đến bất kỳ nơi nào có pháp quyền, bởi vì không ai muốn phải hối lộ để được khởi nghiệp. Không ai muốn bán hàng hay đi học nếu họ không biết mình sẽ được đối xử ra sao. Trong các nền kinh tế tri thức, việc làm sẽ được tạo ra ở những nơi mà người dân có quyền tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo. (4).

Nhận xét: Tại sao đảng cộng sản Việt Nam lại chỉ đạo vứt bỏ: “quyền tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo” của người dân? (Cũng như vậy, ở đoạn sau bọn chúng đã chỉ đạo vứt bỏ “full academic freedom” = “tự do học thuật hoàn toàn”)!

Đảng cộng sản Việt Nam dốt tới mức không dịch nổi đoạn: “people have the freedom to think for themselves and exchange ideas and to innovate”? Đảng cộng sản Việt Nam dốt tới cỡ đó à? Tôi không nghĩ là như vậy bởi vì tôi khá dốt tiếng anh, tôi phải nhờ tới Google dịch thì kết quả cũng cho ngay là: 

“people have the freedom to think for themselves and exchange ideas and to innovate” = “người dân có quyền tự do để suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và sáng tạo”

Vậy điều gì để họ vứt bỏ: “quyền tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo” của người dân? Ở đây chỉ có thể hiểu đảng cộng sản Việt Nam không muốn người dân “tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo” rõ ràng họ muốn Dân Việt Nam “Ngu để họ dễ trị”!

Tôi lấy một nhận xét của chính đảng cs Việt Nam nói về Thực dân Pháp để chúng ta soi rọi thực tiễn ở Việt Nam hôm nay: “Về văn hóa, thực dân Pháp đã thi hành một chính sách đầu độc, ngu dân đồng thời truyền bá văn hóa và giáo dục của Pháp để phục vụ cho chính sách thuộc địa của mình. Mục đích của những chính sách đó là nhằm nô dịch tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành những đám đông tự ti, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp, mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp, phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc.

Ngu dân về giáo dục và đầu độc về văn hóa là một trong những biện pháp hỗ trợ đắc lực cho công cuộc khai thác ở Việt Nam... ” (6).

Chúng ta chỉ cần thay từ “thực dân Pháp” = “đảng cs Việt Nam”, thay từ “đế quốc” = “Trung Cộng” thì chúng ta sẽ thấy ngay “chính sách đầu độc, ngu dân” hiện nay của đảng cs Việt Nam!

Đây là một hành vi bỉ ổi chúng ta cần phải làm sao để cho cả thế giới tiến bộ biết điều này!

4. Vào TPP Việt Nam chỉ “có thể” có “tổ chức nghiệp đoàn”! Và không “cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em”.

- Obama: [noi về TPP] For the first time here in Vietnam, the right to form independent labor unions and prohibitions against forced labor and child labor. (1).

- Báo Lao Động: [nói về TPP] Có thể người lao động tổ chức nghiệp đoàn, thúc đẩy bảo vệ môi trường. (2).

- Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ: [nói về TPP] Lần đầu tiên ở Việt Nam, quyền lập công đoàn độc lập và luật cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. (4).

5. Nhân Quyền: Vứt bỏ quyền “tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp quyền biểu tình” của người dân và không hứa: “thành thật với những lý tưởng” nhân quyền.

(Hiến Pháp Việt Nam có nói nhưng đảng cộng sản Việt Nam đã vứt bỏ!)

Obama: I’ve said this before -- the United States does not seek to impose our form of government on Vietnam. The rights I speak of I believe are not American values; I think they're universal values written into the Universal Declaration of Human Rights. They're written into the vietnamese constitution, which states that “citizens have the right to freedom of speech and freedom of the press, and have the right of access to information, the right to assembly, the right to association, and the right to demonstrate.” That’s in the Vietnamese Constitution. (Applause.) So really, this is an issue about all of us, each country, trying to consistently apply these principles, making sure that we - those of us in government - are being true to these ideals. (1).

- Báo Lao Động: Hoa Kỳ không muốn áp đặt cho Việt Nam, chúng tôi tin rằng giá trị Hoa Kỳ mà chúng tôi nói là giá trị tổng quát được nêu trong Hiến pháp Việt Nam như người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội. Đây là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam. (2).

- Báo VnExpress: Mỹ không muốn áp đặt cho Việt Nam, chúng tôi tin rằng giá trị Mỹ mà chúng tôi nói là giá trị tổng quát được nêu trong Hiến pháp Việt Nam như người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội. Đây là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam. (3).

- Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ: Tôi đã nói điều này từ trước– Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt mô hình chính phủ của chúng tôi lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói đây, tôi tin rằng không phải các giá trị Mỹ, tôi nghĩ đó là giá trị phổ quát được minh định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Những quyền đó được minh định trong Hiến pháp Việt Nam, khẳng định rằng “người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, và có quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp và quyền lập hội, và quyền biểu tình”. Điều đó được nêu trong hiến pháp Việt Nam. (Vỗ tay). Vì thế, thực sự vấn đề ở đây là tất cả chúng ta, từng quốc gia, cố gắng áp dụng nhất quán những nguyên tắc này, đảm bảo rằng chúng ta – những người đang làm việc trong chính phủ - thành thật với những lý tưởng đó. (4).

Nhận xét: 

Tại sao “citizens have the right to freedom of speech and freedom of the press, and have the right of access to information, the right to assembly, the right to association, and the right to demonstrate.” = “quyền tự do ngôn luận, lập hội”?

Tại sao đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo cắt bỏ các quyền: “tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp và quyền biểu tình”? Mà theo như Obama thì khẳng định: “Điều đó được nêu trong hiến pháp Việt Nam”!

Hiến Pháp Việt nam không nói thế à?

Obama nói không cho hiến pháp Việt Nam à?

Tại sao đảng cộng sản Việt Nam vứt bỏ hẳn đoạn: “making sure that we -- those of us in government -- are being true to these ideals.” = “đảm bảo rằng chúng ta – những người đang làm việc trong chính phủ - thành thật với những lý tưởng đó.”

Đó chính là: Đảng cộng sản Việt Nam đã cảm thấy mình không “thành thật với những lý tưởng đó” nên đã vứt bỏ nó đi!

Thật là: đảng cộng sản Việt Nam phản động… đến thế là cùng!

6. Vứt bỏ: quyền tự do tôn giáo.

- Obama: When there is freedom of religion, it not only allows people to fully express the love and compassion that are at the heart of all great religions, but it allows faith groups to serve their communities through schools and hospitals, and care for the poor and the vulnerable. And when there is freedom of assembly -- when citizens are free to organize in civil society -- then countries can better address challenges that government sometimes cannot solve by itself. So it is my view that upholding these rights is not a threat to stability, but actually reinforces stability and is the foundation of progress.(1).

- Báo Lao Động: [bỏ hẳn đoạn này] 

- Báo VnExpress: [bỏ hẳn đoạn này]

- Bản dịch của Đại sứ quán Mỹ: Khi có quyền tự do tôn giáo, thì điều đó không chỉ cho phép người dân được bày tỏ đầy đủ tình yêu và đam mê vốn là giá trị cốt lõi của tất cả mọi tôn giáo lớn, mà còn cho phép các nhóm đức tin phục vụ cộng đồng của họ thông qua trường học và bệnh viện, và chăm sóc người nghèo và người dễ bị tổn thương. Và khi có quyền tự do hội họp – khi người dân được tự do tổ chức xã hội dân sự - thì các quốc gia sẽ giải quyết tốt hơn các thách thức mà chính phủ đôi khi không thể tự mình giải quyết. Do vậy, tôi cho rằng việc thúc đẩy các quyền này không phải là mối đe dọa đối với sự ổn định, mà thực ra là củng cố sự ổn định và là nền tảng cho sự tiến bộ. (4).

Nhận xét: Tại sao đảng cộng sản Việt Nam vứt bỏ hẳn: quyền tự do tôn giáo? Đây là một hành vi bỉ ổi chúng ta cần phải làm sao để cho cả thế giới tiến bộ biết điều này!

Một Tổng Thống Mỹ, Tổng Thống tầm cỡ của thế giới, bọn chúng đã đổ bao tiền của để đón rước, ấy vậy mà bài diễn văn của ông trước 2000 trí thức, 2000 tinh hoa của dân tộc Việt đã bị chúng ngang nhiên cắt xén và ngụy tạo như vậy đó! Liệu 2000 trí thức kia có ai dám lên tiếng?

Thế mới thật là: 

"Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.”

Nguyễn Hồn Việt
danlambaovn.blogspot.com

______________________________________

Chú thích: