Bộ Tài nguyên Môi trường nên đổi tên thành bọn Tàn phá Môi trường

CTV Danlambao - Việc nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận đang làm dư luận phẫn nộ trong những ngày qua. Điều đáng nói là ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Tài Môi là Nguyễn Linh Ngọc ký giấy phép chấp thuận việc nhận chìm bùn thải có hiệu lực từ ngày ký đến 31/10/2017. Hành động này bất chấp phản đối của dư luận cũng như bác bỏ những phân tích khoa học của các chuyên gia về lĩnh vực biển. Hoạt động nhận chìm bùn thải này được xem là một việc làm hết sức nguy hại đến môi trường và hệ sinh thái biển tại Bình Thuận.

Thời điểm tháng 11/2016, công ty nhiệt điện Vĩnh Tân đã trình đơn xin nhận chìm hơn 1 triệu m3 bùn thải xuống khu vực Hòn Cau, nằm cách đất liền khoảng 10km. Đây là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam với hệ sinh thái đa dạng. Ngoài ra Bình Thuận còn được xem là ngư trường gần bờ lớn nhất của Việt Nam. Với những yếu tố đó Hòn Cau được xem là một khu vực có giá trị lớn về mặt kinh tế cũng như về mặt hải dương học, tài nguyên và di sản quốc gia.

Việc Bộ Tài Môi chấp thuận cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm bùn thải xuống biển Bình Thuận chẳng khác nào việc tàn phá môi trường biển Việt Nam vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau thảm họa Formosa tại miền Trung. Thứ trưởng Bộ Tài Môi Nguyễn Linh Ngọc khẳng định: “khu vực đáy biển nhận xả thải chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật biển sinh sản cũng như các loại san hô hay cỏ biển. Nếu có thì Bộ không bao giờ cấp phép”. Ngoài ra Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết “nếu có sự cố sẽ dừng ngay”.

TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đã bày tỏ thái độ bất bình trước đánh giá của Thứ trưởng Bộ TNMT, ông cho rằng giải thích như thế là không khoa học. TS An nhận định: "Vì là khu vực động lực nước trồi nên nó luôn luôn xáo trộn. Động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Họ chọn đúng vào thời điểm có động lực mạnh nhất để đổ thải xuống thì hoàn toàn không đúng. Tôi khẳng định về mặt khoa học việc cấp phép không có cơ sở nào cả”. Ông An cho rằng “lập luận của Thứ trưởng Bộ Tài Môi cũng giống như việc giao thông trên đường, thấy nguy cơ nhưng không cho xe dừng lại mà đợi đến khi tai nạn xảy ra mới dừng lại thì đã chậm rồi. Tại sao ta không dừng lại ngay từ bây giờ, xem xét thật kỹ rồi mới tiến hành”?

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam nhận định: “Chúng ta có luật nhưng luật không rõ ràng nên ai hiểu và vận dụng như thế nào cũng được. Chính vì vậy mà họ giải thích kiểu nào nghe cũng hợp lý. Cụ thể hoạt động nhận chìm sẽ gây tác động đến môi trường như thế nào thì báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không nói mà chỉ chứng minh các vật chất đó không gây ô nhiễm là không đúng”.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi ngao ngán: "Nhận thức về độ sâu xả thải của ĐTM và Bộ TN-MT là chưa đúng. "Anh" đổ vào mùa yên tĩnh chẳng qua để cho nó an toàn cho chính phương tiện xả thải của các anh. Cứ xả ra như vậy thì với quy trình hiện nay không thể giám sát được".

Có thể thấy tình trạng môi trường của Việt Nam kể từ sau thảm họa biển chết tại 4 tỉnh miền Trung cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên nhà cầm quyền cộng sản dường như bất chấp tất cả, đánh đổi môi trường biển để tiếp tục “bảo kê” những tập đoàn kinh tế cùng những dự án tàn phá môi trường. Đời sống người dân từ Bắc chí Nam, nơi đâu cũng bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường tồi tệ của những nhà máy hay khu công nghiệp gây nên. Những Formosa, Lee Man, Vĩnh Tân đang ngày đêm tàn phá môi trường từ trên cạn xuống đáy biển, tràn ra sông ngòi, bay vào không khí.

Tất cả những chất thải, khí thải của những công ty, tập đoàn này đang tàn phá sức khỏe, tàn phá môi trường sống của Việt Nam. Tuy nhiên những vấn nạn ấy vẫn không khủng khiếp bằng sự tàn phá đất nước bởi chính đảng cộng sản Việt nam. Một tập đoàn mafia đỏ với cách cai trị tàn ác với chính nhân dân bằng quyền lực, bằng khí tài của kẻ cướp chính quyền. Bè lũ mafia đỏ ấy lại vô cùng hèn hạ trước ngoại bang phương Bắc khi mặc nhiên để Trung cộng xâm lấn biển đảo cũng như tàn phá dân tộc Việt bằng những dự án khốn nạn mang danh lợi ích kinh tế.

08.07.2017

Previous Post
Next Post
Related Posts