Văn Biển, người viết văn thầm lặng

Đỗ Trường (Danlambao) - Nhắc đến cái tên (dân dã) Văn Biển, có lẽ nhiều người, kể cả trong giới nghiên cứu phê bình không nhớ đến ông. Dù ông là một nhà văn viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, cho đến kịch bản phim.

Thật vậy, nhiều người đọc nhớ vanh vách tên nhân vật, với những tác phẩm của ông, ấy vậy mà cái tên tác giả Văn Biển cứ lẫn chìm đâu mất.

Với tôi, đây là câu hỏi, và những vấn đề đặt ra cho bài viết này. Nhưng có một nhà văn quen thân với Văn Biển bảo: Có lẽ, trước nhất nó thuộc về chính bản thân Văn Biển. Bởi, phải chăng ông luôn trốn chạy nơi thị phi ồn ào, tìm về nẻo trầm khuất? Để rồi, nhân cách, tư tưởng, con người Văn Biển chỉ có thể hình tượng ra từ những nhân vật của ông. (Mà thật ra tác giả nào chẳng gửi nhân cách, tư tưởng vào nhân vật của mình).

Vì lẽ đó, trước khi viết bài này, tôi tìm đọc về Văn Biển, nhưng (tịnh) không tìm được một bài viết, hoặc phê bình nào về văn thơ và con người ông cho ra tấm ra miếng, ngoài mấy bài báo sơ sài, nhạt thếch.

Tuy là vậy, nhưng có thể nói, Văn Biển là một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam viết về mảng văn học thiếu nhi, và hiện thực xã hội.

Nhà văn Văn Biển họ Phạm, sinh năm 1930 tại Quảng Ngãi. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, học và trở thành kỹ sư địa chất. Văn Biển là cháu ruột cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và đã có mười bảy năm sống cùng nhà, nên ông hiểu khá rõ về sân khấu cung đình lúc đó. Với sự trải nghiệm ấy, sau này ông đưa vào trang văn một cách rất hiện thực và sinh động. Văn Biển hiện đang sống và viết tại thành phố biển Nha Trang. 

Đọc và đi vào nghiên cứu, ta có thể thấy, ngay từ những năm cuối bảy chín, đầu tám mươi của thế kỷ trước, Văn Biển đã nhận ra sự bế tắc của kinh tế, văn học nghệ thuật hợp tác xã, với cây gậy chỉ đường và độc diễn. Và từ đó, ban kịch tư nhân với Sân khấu thể nghiệm ra đời là một sự sáng tạo, dám đi chệch đường rày của Văn Biển. Dù bị khai tử ngay những ngày đầu chập chững, nhưng nó đã nói lên cái dũng khí cũng như tư tưởng của ông. Và chính những năm tháng dài sống, làm việc ở Đức và châu Âu, nhất là sau ngày bức tường Berlin sụp đổ, đã làm cho tư tưởng Văn Biển biến chuyển một cách dứt khoát, rõ ràng hơn. Tiểu thuyết Que Diêm Thứ 8 và hàng loạt truyện ngắn, kịch, thơ viết ở thời kỳ ấy, cũng như sau này của ông đã minh chứng cho điều đó.

Từ nhân cách cho đến tư tưởng

Văn Biển đến với văn chương một cách tình cờ bằng tập truyện Cô bê 20, sau những năm tháng dài chui hầm, đào mỏ. Cho đến nay, tập truyện này vẫn được giới báo chí đánh giá cao. Tuy nhiên, dù có sử dụng thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa hình tượng nhân vật, nhưng nó vẫn không rũ bỏ hết tính tuyên truyền, cổ động cho hợp xã, hay nông trường tập thể mà nhân vật điển hình là anh hùng nuôi bò Hồ Giáo. Dẫu là thế, nhưng không thể phủ định giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Bởi, ngoài lời văn sinh động, hóm hỉnh và ngộ nghĩnh, nó còn cho ta thấy rõ, tài năng miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật của tác giả.

Có thể nói, Văn Biển có điểm tựa để bước vào đời vô cùng thuận lợi. Như một lần nhà thơ, Tiến sỹ địa chất Nguyễn Thanh Giang là đồng nghiệp của Văn Biển và cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đã ví von: Nếu Văn Biển muốn, thì có lẽ chức Tổng cục trưởng địa chất, Bộ trưởng và Chủ tịch nước không đến lượt cha con Trần Đức Lương, Trần Tuấn Anh.

Nhiều người cho rằng, TS Nguyễn Thanh Giang đã quá lời. Nhưng ngẫm nghĩ và nhìn lại chế độ và xã hội này, quả thật sự ví von của TS Nguyễn Thanh Giang không phải không có cơ sở.

Thật vậy, đọc và nghiên cứu Văn Biển, ta thấy được tính khí khái của ông không chỉ có trên trang sách, mà còn trong cả đời sống thường nhật. Nếu chín năm dài người địa chất ấy đi vào trong lòng đất, để khai thác tài nguyên, thì những năm sau này Văn Biển cũng vẫn là người viết văn thuần túy. Và kể cả những lúc khó khăn và bi đát nhất, ta vẫn thấy, chưa khi nào Văn Biển màng tưởng đến địa vị, danh lợi. Dù nó hoàn toàn trong tầm tay với của ông. Kể cả những năm tháng Văn Biển sống ở Đức mà chúng tôi được nghe, và chứng kiến.

Tư tưởng tự do và công lý luôn thường trực trong con người Văn Biển. Và người nghệ sĩ ấy như một con ngựa hoang muốn tung lên tìm về một phương trời xa thăm thẳm. Ở nơi đó, chỉ có văn nhân với nắng và gió: "Ôi những ngọn gió bốn mùa ngang dọc/ Lúc nào cũng giúp ta tung bốn vó/ Không có những tấm biển ngáng đường" (Ngựa hoang). Nhưng tấm biển ấy cắt đứt cái khát khao sống, khát khao viết của thi sĩ, văn nhân. Và nỗi đau ấy, dù có được ủ sâu, che đậy, hoặc giả vờ vô tư, nhưng nó cứ như sợi xích, lằn roi quất vào hồn ông. "Tâm Sự Với Chim" là một bài thơ ngũ ngôn như vậy. Nó cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu về đề tài này, được in trong thi tập Tự Cháy của Văn Biển. Cả bài thơ như một lời tự sự, với những hình ảnh so sánh ẩn dụ, cùng những câu hỏi tu từ, Văn Biển đã chỉ ra cái yếu đuối, ươn hèn của văn nhân, của con người. Và từ đó, bật ra lời cảnh tỉnh đến với tất cả chúng ta: 

"Chim ơi sao cứ hót
Khi mày đang trong tù
Hay là chim không biết
Hoặc giả vờ vô tư
Thật ra tao chỉ khác
Được chiếc lồng to hơn
Cứ giả vờ không biết
Cho mình là tự do
Những sợi xích vô hình
Cứ ngày đêm trói chặt..."

Tuy đứng ngoài danh lợi, nhưng Văn Biển luôn đau đáu về nỗi đau của Tổ quốc của nhân dân. Nhận ra cái ác, cái thối tha, đê hèn của những kẻ thống trị, ông đứng hẳn về lẽ phải, phía con người bị trị:

"Cái ác lên ngôi
Ngồi xổm
Trên đầu Nhân Dân
Hung hăng théc lác
Trước kẻ thù đầu cúi gục

Đất nước đang trên đầu quả trứng
Chênh vênh
Mất lúc nào không hay..." (Mừng Sinh Nhật Con)

Không còn dừng lại ở sự tố cáo, lên án, khi đứng trước nguy cơ mất nước cùng với nỗi thống khổ của con người, đã đẩy nhà văn đến mức độ buộc phải hành động và phản kháng. Do vậy, dù bước vào cái ngưỡng của tuổi chín mươi, Văn Biển vẫn nguyện được làm người lính đi đầu: 

"Sức già lọm khọm 
Tuổi sắp 90
Lặc lè vác trên vai gầy cây Thánh Giá
Làm người lính
Diệt trừ cái ác…" (Mừng Sinh Nhật Con)

Tôi không rõ, Văn Biển đã khi nào là đảng viên CS hay chưa? Nhưng đọc truyện ngắn "Các Mác Và Pho Tượng Của Mình" ta có thể thấy, với ông cái học thuyết Mác-Lê ấy đã chết từ lâu rồi. Có chăng cái linh hồn quỷ quái kia còn trụ lại ở thân xác đang thối rữa ấy, chỉ là một thứ tà thuyết trong xã hội đương thời. Có thể nói, đây là một trong những truyện ngắn đầy hình tượng hay nhất của Văn Biển mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Lời văn, câu thoại dứt khoát, ngắn gọn làm cho người đọc bật ra những tiếng cười mỉa mai, chua xót. Không rõ, hai ông nhà văn Quảng Ngãi, Quảng Nam, Văn Biển và Trần Kỳ Trung có quan hệ (huyết thống) gì với nhau hay không? Mà bút pháp, giọng điệu viết truyện ngắn có nét đặc trưng, khá đặc biệt cho tôi những cảm xúc rất giống nhau, khi đọc. Và chúng ta hãy đọc lại đoạn trích về những câu thoại của Karl- Marx và Engel dưới đây, để thấy rõ tư tưởng của nhà văn, cũng như bóc trần bản chất thực sự (lưu manh hóa) của xã hội đương thời:

"Mác trầm ngâm: ...Ông nhầm đấy. Không còn ai tin đâu. Chả là người ta đang kinh doanh trên xác chết của chúng ta và kinh doanh một cách ngon lành có bài bản. Cũng may bọn chúng chưa mấy ai biết xác chết là ai, gốc gác ra làm sao chứ đừng nói gì tới dân chúng. Cũng có thể họ biết Mác là thằng nào. Điều đó đối với họ không quan trọng. Điều cốt tử là lợi ích trước mắt và lâu dài. Còn nói trên một tỷ người là không đúng. Chỉ có mấy nhóm lợi ích. Họ lừa dối dân và lợi dụng những kẻ ăn theo. Họ là một bầy kền kền sống dựa trên xác chết. Nhưng tội nghiệp lũ kền kền thật, chúng chỉ ăn xác chết. Còn bọn này lợi dụng xác chết ăn những thứ khác kia. Đa số bị chứng cuồng ăn. Ăn không chừa một thứ gì...

Engel cười mỉa mai: Vậy là xác chết sống lâu hơn học thuyết, nói chính xác hơn là tà thuyết.

Mác cười: Đôi khi như thế. Chủ nghĩa chết lâu rồi, xác đã phân hủy ương thối mà vẫn còn được tận dụng dài dài..." (Các Mác Và Pho Tượng Của Mình).

Đi sâu vào đọc, nghiên cứu Văn Biển, càng cho tôi thấy cái mênh mông trong thơ văn cũng như nhân cách, con người ông. Một người bị (hay được) ảnh hưởng rất nhiều từ chế độ, đặc biệt trực tiếp từ người chú là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng Văn Biển có tư duy, suy nghĩ hoàn toàn độc lập. Cái tư tưởng và hành động ấy, tuy âm thầm, nhưng nó đã tạc dần lên một nhân cách lớn Văn Biển.

Tính hiện thực, với những bi hài kịch và ngôn ngữ sân khấu, điện ảnh

Có thể nói, Văn Biển là một trong những người thổi luồng gió mới sớm nhất vào những tác phẩm của mình, so với các nhà văn hiện thực đương thời. Đến với kịch bản Que Diêm Thứ 8, nhất là khi đã chuyển thành tiểu thuyết cùng tên, thì dường như Văn Biển đã hoàn toàn bốc được con ma xó (đội lốt) văn học đeo bám ra khỏi tâm hồn mình bấy lâu. Cũng cần phải nói thêm, trong văn học sử Việt Nam, thường kịch bản phim, sân khấu được chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn, nhưng ở đây Văn Biển đã làm ngược lại cái lẽ thông thường ấy.

Trong tiểu thuyết, nhà văn thường chắp nối những tình tiết có thật hoặc hư cấu để để xây dựng bối cảnh, nhân vật sao cho đạt đến mức chân thật nhất. Đọc Que Diêm Thứ 8, ta có thể thấy, cũng như tiểu thuyết Dạ Tiệc Quỷ của nhà văn Võ Thị Hảo, một lần nữa Văn Biển đi ngược lại lẽ thông thường ấy. Ông đã đưa những sự việc có thật nhất ngoài xã hội vào bức tranh siêu thực của mình. Tại sao lại như vậy? Ta có thể hoàn toàn cắt nghĩa như cuốn Dạ Tiệc Quỷ của Võ Thị Hảo: Phải chăng trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, chỉ đằng sau cái thực hư, ma quỉ chập chờn ấy, Văn Biển mới có thể tung hết bút lực của mình và đẩy bi kịch, hoặc phơi trần sự thật tới cung bậc cao nhất? Đây là thủ pháp nghệ thuật không còn xa lạ với các tác giả Âu-Mỹ, nhưng còn mới lạ với văn chương Việt.

Có thể nói, Que Diêm Thứ 8 là một bi kịch lớn của dân tộc. Và mỗi chương, mỗi hồi là những bi kịch nhỏ nằm trong bi kịch lớn ấy. Và đây là một trong những cuốn sách dày dặn, nặng ký nhất theo cả hai nghĩa, mà từ trước đến nay tôi đã được đọc. Cuốn tiểu thuyết này đưa ra, và lý giải nhiều vấn đề có tính thời sự xã hội. Nó phơi bày chân tướng từ giới chóp bu thượng tầng cho đến những người dân đen. Khi viết bài này, tôi đã đọc Que Diêm Thứ 8 đến lần thứ ba. Có lẽ, nó cũng nặng nhọc không kém thợ cày Văn Biển là bao. Nhưng nó gây cho tôi rất nhiều cảm hứng, bởi ngồn ngồn tài liệu và kiến thức từ nơi Văn Biển.

Tuy nhiên, cũng như Cò Hồn Xã Nghĩa, (một cuốn tiểu thuyết cũng mượn cõi âm nói về cõi thực) của nhà văn Phạm Thành, Văn Biển hơi bị tham hay ôm đồm nhiều sự kiện, làm cho người đọc cảm giác rất ngon, nhưng hơi bị bội thực. Tôi nghĩ, có lẽ do tuổi tác, sức khỏe, nếu không với tài năng và một kho tài liệu ấy, Văn Biển có thể viết thành hai, ba cuốn sách cũng dày dặn như vậy, là cái chắc.

Đọc Văn Biển, ta có thể thấy, không chỉ trong tiểu thuyết, mà ngay truyện ngắn của ông cũng đậm nét kịch tính, nặng về đối thoại với những khẩu ngữ hành động. Với đặc điểm này, làm câu văn thoát, sinh động không mang lại cảm giác nặng nề cho người đọc. Và những truyện viết gần đây của Văn Biển thường ít có những lời độc thoại nội tâm nhân vật. Đây là đặc điểm nổi bật, đặc trưng nhất trong văn xuôi của Văn Biển. Đoạn trích dưới đây, cho ta thấy, ngoài sự tàn bạo, lưu manh hóa nhân vật chóp bu Sáu Thọ, mà còn làm sáng tỏ thêm khẩu ngữ hành động đối thoại trong văn xuôi Văn Biển: 

"...Người bị bắt đến lúc còn sống ra tù cũng không biết mình tại sao bị bắt. Thời Trung cổ đen tốibên Châu Âu cũng chưa đến nỗi thế. Sáu Thọ đầu têu trong vụ này. Hắn trở thành tên siêu quyền lực, lấn át cả Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng. Sáu Thọ chết sớm. Nghe nói trên mộ hắn ở nghĩa trang Mai Dịch sáng nào cũng có một bọc phân. Sau gia đình lén bốc mộ hắn chuyển đinơi khác.

Thú thật với anh Tư. Tôi đang nghĩ nếu gặp được lão Sáu Thọ, tôi túm áo lão hỏi hắn một câu : Tại sao mày ác với đồng chí, đồng đội thế. Mày biết không, loài thú dữ chúng chỉ ăn thịt kẻ khác loài với mình khi nó đói. Còn Sáu Thọ say máu đồng chí mình vì một nhu cầu khác: khoái làm người khác khổ, khoái giết người. Hắn độc ác hơn cả thú dữ dữ nhất trên rừng..." (Que Diêm Thứ 8- trang 105).

Ngay từ ngày đầu tập kết ra Bắc, Văn Biển đã có mười bảy năm chung sống với người chú ruột là đương kim Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Do vậy, ông hiểu khá rõ về cuộc sống, sinh hoạt, thân phận những người đứng đầu đảng CS và chính phủ, cũng như sân khấu cung đình lúc đó. Đây là nguồn tư liệu sống rất giá trị, không phải nhà văn nào cũng có được. Với vốn sống, nguồn tư liệu đó, và trải qua những năm tháng dài trắc nghiệm của cuộc sống, đủ để cho Văn Biển nhào nặn ra những tác phẩm có giá trị, độ tin cậy cao. Và cùng với Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Đèn Cù của Trần Đĩnh, có thể nói, Que Diêm Thứ 8 của Văn Biển đã góp phần làm sáng tỏ thêm chân dung, cuộc sống cũng như thân phận của Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông: 

"...Ông cụ đã nhận phong thánh sớm quá. Ông cụ chưa kịp làm người đã vội làm thánh. Làm người khó hơn chứ. Nếu hồi những năm đầu Cách mạng, Tố Hữu làm cả mấy chục bài thơ ca ngợi ông cụ như một vị cha già dân tộc lúc ông cụ mới ngoài 50, như một vị thánh sống. Ông cụ gọi nhà thơ tới cảm ơn, nhưng nói, chú hãy để cho bác làm người, sống một cuộc sống bình thường. Thế thì sau đó chẳng xảy ra vụ cô Xuân và chị em cô Xuân chết một cách tội nghiệp..." (QDT8-trang 106)

Tuy là con cưng của chế độ, nhưng Văn Biển có cái nhìn về cuộc chiến vừa qua rất khác với các nhà văn cùng thời. Tôi nghĩ, ông có cái nhìn và viết rất công bình. Do vậy, những trang viết của ông, luôn để lại sự trân trọng trong lòng người đọc.

Khi đọc truyện ngắn "Chuyện Hai Anh Em Trên Bàn Thờ" của văn Biển chợt làm tôi nhớ đến truyện ký "Chuyện Người Lính Trinh Sát" của nhà văn Phạm Tín An Ninh. Cả hai truyện đều viết về những người lính. Nếu "Chuyện Người Lính Trinh Sát" là nỗi đau của người phụ nữ có chồng, và con ở hai bên chiến tuyến tử trận, thì ở "Chuyện Hai Anh Em Trên Bàn Thờ" ta bắt gặp nỗi đau của người mẹ qua những câu thoại của hai người con cũng ở hai chiến tuyến Bắc-Nam đã tử trận, dù người mẹ ấy hoàn toàn không xuất hiện trong truyện ngắn này. Đây là truyện ngắn điển hình nhất, cho nỗi đau trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn của dân tộc vừa qua. Hiện thực ấy, như một bản luận tội đến những kẻ gây ra cuộc chiến này. Và xin được nhắc lại một câu, tôi đã viết đã khá lâu: Đọc "Chuyện Hai Anh Em Trên Bàn Thờ", tôi cứ phân vân tự hỏi, nếu có ghi tên người mẹ vào trang sử của cuộc chiến, bà thuộc về những người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa hay là của những anh bộ đội?

Có phải đó là nỗi đau chung, một nỗi đau khó xóa nhòa. Và đoạn trích dưới đây, Văn Biển sẽ làm rõ thêm cho chúng ta điều đó:

"Lúc anh đi rồi, mẹ kể nhiều chuyện về anh, chuyện của hai đứa mình. Lúc nào anh cũng nhường nhịn em. Miếng bánh chia đôi, phần lớn anh nhường cho em. Em chỉ mong gặp anh... Nhưng không phải gặp anh trong trường hợp cả hai đứa đều trên bàn thờ.

Buồn thật.

Buồn và đau khổ nhất vẫn là mẹ. Mẹ đều thương hai đứa như nhau. Chắc mẹ nghĩ chẳng có thằng nào bên ta, bên địch cả." (Chuyện Hai Anh Em Trên Bàn Thờ)

Tiểu thuyết, hay truyện ngắn của Văn Biển thường mang tính thời sự nóng bỏng. Bởi, ông thường lấy những câu chuyện thực, đã hoặc đang diễn ra ngoài xã hội mang vào trang viết của mình. Nội dung câu chuyện bạn đọc thường biết trước, do vậy, nếu nhà văn không có tài dẫn dắt, thắt mở một cách kịch tính, thì truyện trở nên nhạt phèo. "Xin đừng biến nhân dân thành cái sọt rác" là một câu chuyện như vậy. Tuy không nằm trong số truyện ngắn hay của Văn Biển, nhưng với hình tượng so sánh ẩn dụ, ông cho người đọc hiểu rõ giá trị của đảng hay giá trị sọt rác, thùng phân, để từ hiện thực đó, bật ra những tiếng cười châm biếm, mỉa mai sâu sắc. Đọc truyện này, làm tôi nghĩ đến bút lực của Văn Biển:

"Bị khai trừ không còn ở trong đảng thì trở về với dân thường, như mọi người dân bình thường thôi…

Bác nông dân chờ mọi người yên lặng rồi nói: Tôi muốn nói hai ý. Một là các vị đánh đồng ông ấy với người dân. Ý thứ 2 tôi muốn nói vậy Nhân dân là cái sọt rác à? Cứ đảng viên nào xấu, bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, cứ làm kiểu đó thì chẳng mấy hồi nhân dân đồng nghĩa với cái sọt rác…

Các phế thải hữu cơ thì làm phân bón. Giấy lộn, bao bì thì tái chế thành các loại giấy từ giấy vệ sinh cho tới giấy ăn cao cấp. Không cái gì vứt đi cả. Nhưng còn những thứ Đảng thải ra chắc chắn không nằm trong danh mục tái chế được, thì Nhân Dân chẳng biết dùng làm gì. Chúng tôi xin đề nghị trả lại cho Đảng."

Văn Biển đã mượn câu nói của ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Lịch sử đã giao cho các bạn Cuba đứng gác hòa bình ở bán cầu phía Tây và giao cho Việt Nam đứng gác ở đầu bên này bán cầu. Lúc Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Lúc Việt Nam ngủ thì các bạn Cuba thức...” để viết nên truyện ngắn “Lịch Sử Là Thằng Nào Mà Ác Thế” khá hay. Tuy có một chút diễu, hề, nhưng nó không chỉ bóc trần cái ngu xuẩn của ông Chủ tịch nước, mà Văn Biển còn phơi bày bản chất của cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa qua. Và ông cũng không ngần ngại nguyền rủa cái thằng lịch sử khốn nạn, những tên đầu têu mua bán chiến tranh ấy:

“Có phải là thằng lịch sử khốn nạn đó không?...Thưa cán bộ. Em thật tình không biết lịch sử là thằng nào, mặt mũi, lòng dạ hắn ra sao mà lại giao cho Việt Nam ta toàn những việc chết người... Cán bộ làm ơn chỉ giúp em. Em sẽ thay mặt bà con chơi tay bo với hắn...”

Từ đó, Văn Biển cho người đọc thấy rõ bản chất lưu manh của kẻ đứng sau giật dây là giới lãnh đạo Tàu Cộng, cũng như dân trí còn thấp kém của con dân đất Việt, cùng sự ngu muội và nhu nhược của đảng và nhà nước cầm quyền:

“…Trung Quốc sẽ đánh Mỹ cho tới người Việt Nam cuối cùng. Vậy là thằng Tàu nó khôn hơn mình, nó mượn đất đai Việt Nam, dùng xương máu Việt Nam để đánh Mỹ. Rồi dẫn tới giai đoạn nước rút, nó đi đêm với Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam. Vậy máu xương con em Việt Nam không bằng lương thực quân trang quân dụng của thằng Tàu à...” (Lịch Sử Là Thằng Nào Mà Ác Thế).

Cái chết của một chủ thuyết, không chỉ còn trong suy nghĩ, tư tưởng của Văn Biển, mà sự sụp đổ trên toàn thế giới, và cả ở nơi đã sinh ra nó là giá trị dự đoán hiện thực nhất của một nhà văn cần có. Và với tôi, trong suy nghĩ, trong cuộc sống cũng như trong văn thơ, Văn Biển đã làm được điều đó. Bởi, cái chủ thuyết ấy đã chết đi, nhưng còn rơi rớt lại cái tà đạo làm mặt nạ, cái phao cho những bầy kền kền, lợi ích nhóm, đang cỡi lên đầu, lên cổ những người dân lương thiện. Và Văn Biển cho rằng, cái ác không bao giờ chiến thắng, nếu chúng ta biết: “Hãy biết sống, dám sống. Hãy biết giữ gìn và giành lấy những gì mình đáng có, đang có.” (QDT8-Trang 525). Vâng! Và tôi tin chắc chắn những gì ông dự báo, viết ra sẽ trở thành sự thật: 

“Mác: Ta đã đánh trúng vào tính thiện của con người. Một thế giới không còn giai cấp. Xóa bỏ giàu nghèo, quyền tư hữu. Không còn biên giới quốc gia. Lạ thật, thế mà cả nửa thế giới tin theo. Có điều tuổi thọ của nó... Trên thế giới không có chủ nghĩa, học thuyết nào chết yểu như vậy.

Engel giọng buồn: Sớm muộn gì rồi nhân loại cũng biết ta là ai. Dần dần họ cũng đã biết Mác là kẻ tôn thờ chủ nghĩa vô thần nhưng là đồng minh chí cốt của quỷ Sa tăng. Đuổi thánh thần ra khỏi thiên đường và bản thân mình thay mặt tạo hóa.

Kể ra ông ngày đó cũng ghê thiệt

Khi chiếc mặt nạ rơi xuống…Dầu sao ta cũng không tiếc. Ít ra ta cũng góp phần hủy diệt ½ nhân loại, suốt hơn ½ thế kỷ. Nhưng nghĩ cho cùng, cái ác không thể nào thắng” (Các Mác Và Pho Tượng Của Mình).

Hơn một lần tôi đã viết, nếu văn thơ không đi thẳng vào đời sống xã hội một cách trung thực nhất, đó chỉ là những trang viết chết. Thật vậy, đọc Văn Biển, cho ta thấy, văn thơ của ông luôn là nhịp thở của cuộc sống và con người. Tư tưởng ấy, ngòi bút ấy đã chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội đương thời. Và hơn thế nữa, thơ văn ông không chỉ là những lời cảnh báo, mà còn là một lời dự báo.

Vâng! Nhân cách và thứ văn ấy, chắc chắn phải là thứ văn sống.

Leipzig ngày 26-6 2017

Previous Post
Next Post
Related Posts