Đồng Tâm và Dân Trí

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Năm 2004 về thăm Việt Nam, tôi gặp cô cháu gái tốt nghiệp bác sĩ tại đại học Y khoa năm 1998, đang làm việc ở bệnh viện Sài Gòn. Trong bữa ăn tối tại một nhà hàng trên đường Hai Bà Trưng, thấy tôi chăm chú lắng nghe truyền hình đang nói về vấn đề người dân thành phố ở một vài quận phải sử dụng nước bị ô nhiễm để sinh hoạt, cô cháu bác sĩ của tôi nói: "Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng nước sạch đó chú".

Câu nói khiến tôi quay lại nhìn đứa cháu của mình. Nếu câu nói phát xuất từ một người nông dân hoặc một kẻ ít học thì chẳng có gì đáng nói hay phải tranh luận. Đằng này câu nói do một bác sĩ được đào tạo 6 năm từ một trường y khoa chính thống, thuộc giới trí thức phát ra, khiến tôi thật sự ngạc nhiên và cảm thấy hơi buồn lòng. Tôi hỏi lại:

- Cháu nghĩ sao về chuyện chính phủ khuyến khích người dân sử dụng nước sạch?

Cô cháu tôi hồn nhiên trả lời:

- Cháu thấy chính phủ khuyến khích là đúng.

Tôi nhìn cháu mình, lắc đầu:

- Cháu nói sai rồi! Nhiệm vụ của chính phủ không phải là khuyến khích người dân sử dụng nước sạch mà phải cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Chẳng có người dân nào muốn sử dụng nước bẩn, nước ô nhiễm trong sinh hoạt cả. Vì không có nước sạch để dùng, người dân mới buộc lòng dùng nước bẩn. Việc tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích người dân sử dụng nước sạch là hành động mị dân, phủ nhận, trốn tránh trách nhiệm.

Tôi định nói thêm: “-Cháu là bác sĩ, thành phần ưu tú của xã hội mà còn nhận định như thế thì trách sao được người dân”. Cũng may tôi đã kịp ngừng lại, nếu không chắc bữa ăn tối mất vui.

Tháng 05.2017, một người quen của tôi, cũng là một bác sĩ được đào tạo chính thống ở miền Bắc trước năm 1975, tị nạn ở London hơn 37 năm, sau khi đi Việt Nam mấy tháng, trở về Anh phán một câu nghe xanh rờn: “-Dân trí người Việt Nam bây giờ đã khá, đã dám công khai chỉ trích chế độ, chửi lãnh đạo chính quyền địa phương”.

Ở Việt Nam 3 tháng, từ tháng 2 đến tháng 5.2017 nhưng anh hoàn toàn không biết trong tháng 4 xảy ra vụ nông dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thuộc thành phố Hà Nội, bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động đi cưỡng chế đất đai, đàn áp dân chúng. Sau khi thả bớt một số, nông dân thôn Hoành giữ lại 19 người cho đến khi chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tướng công an Nguyễn Đức Chung ký giấy cam kết không truy tố hình sự người dân thôn Hoành, đồng thời điều tra rõ ràng vụ cưỡng chế đất đai và chuyện công an đánh gẫy chân ông Lê Đình Kình, một người dân trên 80 tuổi, đời 50 tuổi đảng.

Tháng 06. 2017, công an Hà Nội ra lệnh khởi tố hình sự người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức về việc bắt giữ 38 cán bộ, công an nói trên.

Đã có nhiều bài viết, các nguồn dư luận trái ngược nhau về vụ Đồng Tâm, bản cam kết của tướng công an Nguyễn Đức Chung, bài viết này do đó không lập lại những chuyện đúng, sai về sự lọc lừa, gian dối, thất hứa của Nguyễn Đức Chung với bản cam kết hay hành động bắt giữ những CSCĐ của lực lượng cưỡng chế của dân Đồng Tâm, Mỹ Đức.

Mục đích của bài chỉ nói đến trình độ Dân Trí của người Việt Nam sau hơn 72 năm ở miền Bắc, 42 năm trên cả nước đã được nâng cao như thế nào dưới chế độ cộng sản.

Qua hai chuyện tiêu biểu đề cập ở trên, với hai người là bác sĩ, thành phần có học, đại diện tầng lớp trí thức XHCN, một được đào tạo ở miền Bắc trước, một miền Nam sau năm 1975, cho thấy rõ ràng trình độ dân trí của người VN dưới chế độ CS, đa số đã trở nên hạn hẹp, kém cỏi, không phân biệt, nhận định được thế nào là dân trí.

Không thể đánh giá trình độ dân trí của người dân một đất nước cao hay thấp qua hành động chửi rủa chế độ, cán bộ chính quyền công khai hay bằng việc bắt giữ cán bộ, công an làm con tin để đòi hỏi, đàm phán, thỏa mãn yêu sách của mình trong lúc nhất thời. Những hành động vừa kể chỉ là phản ứng bộc phát từ lòng căm tức, giận dữ, bị dồn đến đường cùng trong cuộc sống, hoàn toàn không dính dáng gì đến dân trí của một dân tộc.

Dân trí của một dân tộc thể hiện qua sự cư xử, giao tiếp hàng ngày trong xã hội, giữa người dân với nhau, giữa người dân với cán bộ, viên chức chính quyền, giữa thầy, cô giáo với học sinh, giữa người chủ với người thợ trong các hãng xưởng, giữa các doanh nghiệp làm ăn, buôn bán với nhau, giữa lãnh đạo chế độ với người dân…

Dân trí hình thành qua việc giáo dục và biện pháp hành chánh, luật lệ từ thấp tới cao, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Giáo dục từ trong gia đình, trong học đường, xã hội… đi cùng với luật lệ, từ việc phạt vạ nhỏ nhặt nhất như vi phạm giao thông đến sử dụng hiến pháp, những đạo luật quy định những việc liên quan đến nền tảng an ninh, quốc phòng, kinh tế của đất nước... sẽ kiểm soát, hướng dẫn, nâng cao trình độ dân trí của mỗi người dân.

Dưới chế độ dân chủ, tự do, nhân quyền được tôn trọng như ở các nước Âu, Mỹ... với tam quyền phân lập và tự do ngôn luận, chương trình giáo dục luôn nhằm mục đích nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết, suy nghĩ độc lập của từng người. Từ đó người dân ý thức được bổn phận, trách nhiệm cũng như quyền lợi của cá nhân đối với gia đình, đối với xã hội, dân tộc, đất nước... Khi giáo dục không đủ sức mạnh tạo nên nhận thức đúng đắn cho người dân, biện pháp hành chánh được sử dụng để đạt mục đích. Pháp luật bình đẳng với tất cả mọi người.

Chế độ CS ngược lại, nhân quyền, tự do, dân chủ là những thứ xa xỉ phẩm. Nền tảng giáo dục dưới chế độ CS chỉ có mục đích ngu dân, lãnh đạo đảng CS lèo lái, tuyên truyền, áp đặt, kiểm soát mọi nhận thức, suy nghĩ độc lập... Mọi ý kiến, chủ trương khác biệt với chính sách, chủ trương của đảng CS đều bị bóp chết từ trong trứng nước. Đa số người dân dần dần trở thành những con cừu ngoan ngoãn, tuyệt đối nghe lời, tin tưởng vào lãnh đạo chế độ. Đồng Tâm là một thí dụ điển hình.

Những người đảng viên cộng sản 40-50 tuổi đảng như ông Lê Đình Kình, dù có bị tù đầy, hành hạ, đánh đập, tra tấn hay như Đoàn Văn Vươn, một kỹ sư canh nông, sau mấy năm tù khốn khổ vẫn một lòng tin vào bác, vào đảng. Với họ, việc cưỡng chế, ăn cướp đất đai bằng bạo lực với hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động hoặc vì tự vệ để chịu án tù vài ba năm chỉ là sự sai trái của các cán bộ thi hành, chính quyền địa phương…, không phải chủ trương của đảng.

Đoàn Văn Vươn với kinh nghiệm bản thân, vẫn chưa nhận ra được bộ mặt thật của chế độ, tình nguyện làm trung gian hòa giải vụ tranh chấp đất của nông dân Đồng Tâm với bạo quyền cộng sản. Vươn là kỹ sư, sao không tự đặt câu hỏi: “- Nếu chỉ là sai trái của chính quyền địa phương thì tại sao Đỗ Hữu Ca lại được thăng cấp tướng sau đó?” Hơn thế nữa, Tứ đầu chế Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn im lặng, họ ở đâu trong thời gian xảy ra biến cố Đồng Tâm, một biến cố mang tầm mức quốc gia?

Ngay sau khi người dân Đồng Tâm vui mừng, hân hoan, vỗ tay hoan hô Nguyễn Đức Chung ký bản cam kết không truy tố hình sự hành động nổi loạn của toàn thể người dân Đồng Tâm, đồng thời sẽ điều tra tường tận vụ cưỡng chế đất đai thôn Hoành cũng như việc bắt giữ, gây thương tích cho ông Lê Đình Kình, tôi đã viết ngay 2 bài với tựa đề Giữa Cừu Và Sói, Giá Trị Pháp Lý Bản Cam Kết Của Tướng Nguyễn Đức Chung để phân tích tình hình cũng như tiên đoán những sự việc sẽ xảy ra sau đó. Lời tiên đoán của tôi nay đã thành sự thật.

Nhìn một cách tổng thể, trình độ dân trí của người Việt Nam trong nước hiện nay đã xuống tới mức tệ hại, vô cùng nguy hiểm. Đa số người dân sống một cách vô cảm, thờ ơ, ít ai còn cảm thấy có trách nhiệm, bổn phận đối với xã hội, với đất nước, dân tộc. Những người lãnh đạo chế độ, cán bộ chính quyền từ trung ương tới địa phương chỉ lo làm giầu bằng tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình..., bỏ mặc biển, đảo, rừng núi, đất đai.. rơi dần vào tay kẻ thù truyền kiếp Bắc phương, chẳng ai lo lắng, quan tâm.

Người dân thì lo làm giàu bằng mọi thủ đoạn bất chính, từ dối trá, lừa bịp trong buôn bán đến đầu độc lẫn nhau bằng thực phẩm độc hại, hư thối, pha trộn hóa chất... Công an giả dạng côn đồ lẫn côn đồ thật tùy tiện bắt giữ, tra tấn, đánh đập, hoặc giết người như ngóe trong khi thẩm vấn rồi loan tin nghi phạm tự tử trong đồn xảy ra ngày càng nhiều. Chính quyền áp dụng luật pháp một cách tùy tiện.

Trong khi đó, giáo dục học đường ngấm ngầm cổ võ bạo lực qua các chi bộ, chi đoàn trong trường học, chuyện nữ sinh đánh hội đồng bạn học vì những xích mích nhỏ nhặt xảy ra khắp nơi, thường nhật. Lãnh đạo đất nước, từ thủ tướng đến chủ tịch nước, bộ trưởng đến đại biểu quốc hội mang học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... phát biểu ngô nghê, ngớ ngẩn, ngờ nghệch, gây nên những trận bão cười hay những chế diễu đầy cay đắng, chua chát cho người dân xảy ra liên tục.

Trình độ dân trí người Việt Nam như thế, nếu không có gì thay đổi tích cực trong tương lai, đất nước không rơi vào tay kẻ thù phương Bắc, dân tộc không bị diệt vong hoặc bị đô hộ như Tây Tạng mới là chuyện lạ.


Previous Post
Next Post
Related Posts