Luật Đảng, luật Công an, luật Nước, luật Giang hồ

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Buổi sáng, LS Lê văn Cãi bắt đầu một ngày làm việc không như bình thường vì trong lòng ông nặng trĩu với bao suy nghĩ. Chiều hôm trước, 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015. Theo Luật vừa được thông qua, trong một số trường hợp luật sư vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa, ta tạm gọi luật “đâm sau lưng thân chủ”.

Khác với nhiều đồng nghiệp, LS Cãi chỉ bào chữa thân chủ trong các vụ án “ít nhạy cảm”. Đối với những người bị nhà nước ghép vào “hội chứng phản động “thì LS Cãi ta trốn mất như không còn hiện hữu trên cõi đời này. Trong lúc chuẩn bị hồ sơ vào trại giam gặp một thân chủ, ông luật sư lẩm bẩm: “Khốn nạn thật... Thật khốn nạn!". Không biết ông nói ai khốn nạn? Có lẽ không phải ám chỉ đám người trong quốc hội hoa hoè kia, những người trong thân tâm ông có phần xem thường vì các kẻ ấy trình độ luật pháp kém cõi, thế mà cứ lao nhao hôm nay ra luật này, hôm sau sửa luật nọ. Ông chỉ muốn diễn tả tâm tư lo lắng khi có thêm trách nhiệm. Theo luật mới “đâm sau lưng thân chủ” luật sự có thể chịu trách nhiệm hình sự, vào tù như chơi, nếu không tố gíác tội phạm của thân chủ mình. Mặc dù là một luật sư “ngoan và hiền”, ông phải điều tra, tìm hiểu cặn kẽ thân chủ của mình, kẻo không thì… khốn nạn thật. 

Dáng vóc nhỏ, ông cố ngồi dang rộng ra trên ghế để lấy vẻ tự tin, đường hoàng của một luật sư có tay nghề lão luyện. Ông đưa tay sửa lại kính đeo, sắp ngay ngắn hồ sơ trên bàn. Ông đang ngồi chờ thân chủ trong trại giam. 

Thân chủ của ông, một lão già cao, ốm yếu, trán hói, hao hao giống như hình tượng ở các buổi họp của cơ quan nhà nước. Ông ta nhìn Ls Cãi e dè, sợ sệt. 

Thói quen nghề nghiệp, ls Cãi nhanh nhẹ̣n bắt tay thân chủ: "Chào bác. Tôi, luật sư Lê văn Cãi, có nhiệm vụ bào chữa cho bác trong phiên toà tới đây. Bác khỏe mạnh?”. 

Ông lão trố mắt nhìn luật sư rồi cúi mặt xuống, ấp úng: "Dạ... bẩm... cũng... không... khoẻ". 

Ls nhanh nhẹn lật hồ sơ: "Xem nào… Bác tên là Hồ Văn Ước, sinh ngày... tại... Bác ra toà vì phạm tội thuộc điều… luật hình sự nước CHXHCNVN. Theo cáo trạng, bác phạm tội bán nước... ”. 

Ông lão như ngạc nhiên: "Bẩm... thưa... con chỉ bán...". 

Ls nóng nảy cắt ngang: "Bác đã ký vào biên bản rõ như ban ngày, cùng chữ ký công an huyện. Có bao nhiêu thứ khác để bán, sao cơ khổ bác lại bán nước, bán nôi như thế này?”. 

Ông lão nghẹn ngào: "Bẩm… con chỉ bán… bán nước... nước giải khát... chứ nước, biển, đảo... đảng và nhà nước dành quản lý… con làm gì có phần đâu mà mua với bán?". 

“Bác chả hiểu luật lệ nhà nước gì cả, cứ lý luận lằng nhằng. “Nước” nào cũng là “nước”. Đây là vấn đề cực kì nhạy cảm của đảng và nhà nước. Người dân ra đường mà rao lên “Ai mua nước, tôi bán nước cho”, công an sẽ mời ngay về đồn làm việc. Đã thế (Ls đưa tay gõ vào hồ sơ)... theo biên bản công an, bác còn bị truy tố thêm về tội "Buôn người". Bác không biết đảng tốn bao nhiêu xương máu để "vùng lên... hởi các nô lệ ở thế gian", thế mà bác lại cả gan buôn người?" 

Ông lão bật khóc: "Bẩm… Đấy là do thằng Cả Đô, chủ quán cà phê ôm. Nó có họ với Trưởng công an huyện nên vu cáo con mở quán nước ôm cạnh tranh với nó. Quán con nào có ôm iếc gì đâu. Chỉ có mấy đứa cháu gái phục vụ, nó chỉ tươi cười trong sáng với khách hàng. Vì bị mất khách thằng Cả Đô tức giận vu cáo cho con..." 

Ls gật gù: "Thế ra Bác làm chủ quán nước ôm. Cáo trạng công an ghi rõ, theo lời khai các nhân chứng, bác đã dụ dỗ, buôn bán gái tơ. Bố ai mà biết được tiếp viên gái của bác "tươi cười trong sáng" hay "tươi cười đen tối". Bác biết, chỉ vì tiền bạc, bắt ép tiếp viên gái phải "cười đen tối", tiếp theo "ôm đen tối", rồi… là tiếp tay "kỹ nghệ nô lệ tình dục", nằm trong điều khoản… về luật "buôn người"... Tội trạng rành rành như canh nấu hẹ như thế này thì trước toà tôi phải lên tiếng tố cáo bác thôi. Không tuân theo luật mới tôi cũng bị vạ lây. Chẳng lẽ làm luật sư cãi cho bác, cuối cùng lại chui vào tù ở chung với thân chủ của mình?". 

Ông lão cúi đầu xuống, nước mắt rơi lã tả: “Bẩm... oan cho con... xin quan lớn... quan lớn thương tình...” 

Ls vùng dậy, đập mạnh tay xuống bàn như công an làm việc với tội phạm nguy hiểm: "Ấy... ấy.. lại cho thêm chứng cớ để tố giác. Tự mình lại đeo cùm vào cổ. Bao năm sống trong XHCN mà bác lại xưng hô kiểu cách “thực dân phong kiến”, tình thương yêu dành cho Đảng và Bác, còn gì đâu cho bác? Rõ ràng bác cố tình nhạo báng tính ưu việt nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam. Âm mưu gì đây?... Trời ơi là trời, bác phải tù mọt gông thôi...”. 

…. 

Luật sư Lê văn Cãi, mọi người hay gọi LS Cãi lấy Lệ, cặp hồ sơ bước vội ra xe. Ông còn hai thân chủ cần làm việc trong cùng ngày. Ông lẩm bẩm "Khốn nạn thật... Thật khốn nạn! Sống trong cảnh khổ người ta lâu dần cũng phải tìm cách thích nghi. Sống khốn nạn rồi mình cũng phải quen chịu sống như thế thôi!". 

***

Luật pháp nhà nước XHCN VN chuyện rất cũ nhưng cũng là chuyện rất mới. Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô Hà nội, một trong việc cần phải làm ngay là Hờ Cờ Mờ cho đóng cửa trường luật ở Hà nội. Toà án Nhân dân trở thành một công cụ của đảng Cộng sản, chủ yếu tiêu diệt thành phần chống cộng, chống đảng. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, rất nhiều "toà án nhân dân" được tùy tiện thành lập từ giai cấp bần cố nông mù chữ lại thêm bệnh "mắt ống CS", nay mang ơn đảng cho “sáng mắt, sáng lòng”. Nhiều người bị khép tội địa chủ, giết một cách oan uổng bởi loại toà án “không cần luật “ này. Mãi đến năm 1979 đảng mới “tự mở mắt”, "tự sáng mắt, sáng lòng" cho thành lập trường luật đầu tiên trên cả nước tại thủ đô Hà nội. 

Qua hơn 30 năm, từ một nước "vô luật", Việt Nam trở thành quốc gia có rất nhiều luật, gọi đúng là nhiều loại luật khác nhau. Đảng viên đảng Cộng sản thì có luật Đảng, công an có luật công an, dân có luật Nước, luật Giang hồ. 

Đảng viên cộng sản đương nhiên phải theo luật đảng. TBT đảng và bộ chính trị là toà án xử tội đảng viên sai phạm. Tội phạm thông thường là không chấp hành tốt đường lối, chủ trương của đảng, không theo phe, theo cánh, theo “dây” trong đảng... Nhẹ bị phê bình, kiểm điểm, nặng thì kỷ luật, khiển trách, thuyên chuyển đơn vị… Đảng có thể áp dụng luật Mafia có sẵn và nhập khẩu từ Ý cho tiện, như vụ Yên bái, Quí Ngọ, Bá Thanh… 

Công an Việt Nam có luật riêng, luật Công An. Ở các nước dân chủ, một người dân xem như vô tội cho đến khi toà án độc lập kết luận “phạm tội”. Do đó trong lúc bị tạm giam, nếu một người công dân bị xâm hại thân thể, bị thương tật hay chết, trại giam phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ có trách nhiệm sẽ bị ngưng chức và sự việc được giao cho cơ quan điều tra độc lập để làm rõ nguyên nhân, trừng trị hoặc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hay gia đình. Đây là chuyện xứ người. Xứ ta có bao nhiêu người vào đồn công an đã bị chết một cách oan ức và bị che đậy với một bài bản củ rỉn “tự tử”. Đấy là sự bào chữa lập đi lập lại một cách vụng về mà người dù có rất it́ chất xám trong đầu cũng không thể nào ngây thơ, tin được. Theo Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý. Con số không chắc đúng sự thật, và đến nay vẫn còn người “tự tử” trong đồn công an. Luật công an đã và đang tồn tại, thách thức lương tâm con người chỉ vì công an là công cụ rất cần thiết để đảng dùng để cai trị dân. 

Luật Nước do quốc hội thông qua, thường mang tính hình thức màu mè, mục đích hỗ trợ cho luật Đảng, luật Công an. Các phiên toà xử các vụ án có tính nhạy cảm, bản án có thể có sẵn do đảng qui định trước, hoặc uốn cong theo chỉ thị từ đảng viên cấp trên như BCT Trung ương đảng. 

Luật Giang hồ mặc dù không cần sách luật dầy cộm hay thủ tục phiền hà, nó ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người nghi ngại luật Giang hồ ở Việt nam trở thành một thứ văn hoá đặc trưng của nước CHXHCN Việt Nam. Chuyện xử nhau theo luật Giang hồ, ta thấy đầy rẫy trên các báo chí: dùng võ lực, xã hội đen giải quyết sự việc, hành hung người không đồng chính kiến… Nhiều chuyện rất lạ lùng, kì quái không giống bất kì nơi nào trên thế giới, khiến người ta vò đầu, không biết nó là chuyện đùa hay thực, từ chuyện nhốt dân, đến nhốt cục đá trong lồng như nhốt hổ dữ.… 

Ranh giới bốn luật trên theo truyền thống XHCN cũng không rõ ràng. Vụ chiếm dụng đất phi trường Tân sơn Nhất làm sân golf, nhà hàng, núp dưới bóng "đất quốc phòng" có thể xem một kiểu luật Giang Hồ kết hợp luật Đảng để bảo vệ quyền lợi phe nhóm của những tên trùm "không thể chạm đến" (The untouchables). Kinh doanh liên quan tài nguyên quốc gia như đất đai hiện nay được xem là điểm nóng để xử dụng luật của những tên trùm. 

Trùng hợp với luật Đảng, luật Công An, luật Nước, luật Giang hồ, Việt Nam có Tứ trụ đang lãnh đạo đất nước. Trùm luật Đảng không ai khác là TBT, người nhỏ bé nhưng quyền lực cao cấp nhất chính là “Hai Tứ Trụ”. Đứng cao hơn, nhưng luật Công an cũng không vượt qua giới hạn luật Đảng cho phép và đấy là vị trí "Ba Tứ Trụ". Luật Nước, một tấm bình phong che đậy mỹ miều trước dư luận thế giới, còn gì không tương xứng bằng hình ảnh "Tư Tứ Trụ". Cuối cùng em út lờ khờ là "Năm Tứ Trụ". Bốn luật Việt Nam đã trở thành “Les Tứ Trụ” như “Les Daltons”của một thời kì hoang dã “Wild Wild West” của nước Mỹ xa xưa năm nào. 

*** 

Đảng và nhà nước Việt nam sẽ đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra tòa, xử theo luật Nước. Đương nhiên họ không thể xử theo luật Công an do sự theo dõi của bao nhiêu tổ chức nhân quyền trên thế giới. Toà án xử những người bất đồng chính kiến thường có những bản án đã được Đảng chỉ đạo nên đã được định sẵn. Không ai ngạc nhiên họat động kiểu toà án “đảng trên hết “này. Tuy nhiên người ta vẫn chờ đợi thấy được Như Quỳnh trước phiên toà. Những người ủng hộ Quỳnh trong việc đấu tranh cho nhân quyền sẽ làm gì? Phản ứng của các tổ chức nhân quyền trên thế giới đối với bản án ra sao? 

Phớt lờ việc người dân vẫn tiếp tục “tự tử” trong đồn công an, những con cò đảng trong quốc hội đã đưa ra luật mới “đâm sau lưng thân chủ”và rất mau chóng thông qua. Tại sao cần luật ấy ngay trong thời điểm này? Đơn giản đấy là lời hăm dọa trắng trợn có hệ thống trên xuống dưới đối với các luật sư biện hộ cho Như Quỳnh, cũng như các vụ án cho các người đấu tranh cho nhân quyền về sau. Với sự đe dọa bỏ tù đối với mình, các luật sư biện hộ cho Như Quỳnh đang làm việc với áp lực vô cùng nặng nề từ Đảng và nhà nước. Nhưng trong trái tim nhiều người dân, qua phiên tòa muốn thấy tinh thần không sợ hãi, tôn trọng danh dự và trách nhiệm của người luật sư trong nhóm bào chữa cho Như Quỳnh. Đấy sẽ là một cái tát thật đích đáng vào mặt cho những kẻ đang ngồi trong quốc hội kia. Những kẻ tự cho mình đại diện dân trong một xã hội độc tài, đầy rẫy tham nhũng, đang ngồi ăn tiền của những người dân thọ thuế, nhưng lại chỉ là con rối cun cút làm theo chỉ thị của đảng. 


Previous Post
Next Post
Related Posts