Điểm tin "bản tuyên ngôn bảo vệ tự do văn hoá 1958"

Đời Cát (Danlambao) - Trong cuốn sách “Tự do báo chí và những căn bản pháp lý” xuất bản năm 1958 của tác giả Nguyễn Vạn An có thể gọi đây là một trong những tác phẩm bàn về các đề tài tự do báo chí xuất sắc trong nền báo chí của chế độ Cộng Hòa Việt Nam còn sót lại, tác giả đã đưa ra các đề tài như: Tự do trong xuất bản và thông tin, sứ mạng của báo chí khi thừa hưởng tự do, khi nào quyền tự do báo chí được bảo đảm và dưới chế độ nào quyền tự do ngôn luận được bảo đảm, nó là một tư liệu lịch sử quý giá và có ý nghĩa vô cùng to lớn cho những người yêu chuộng tự do và công lý tại Việt Nam và trên thế giới. Ngay trang đầu tiên của cuốn sách tác giả đã trích “quyền tụ do tư tưởng - tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng của con người, không một quyền lực gì có thể xâm phạm được”. 


Trong tác phẩm này tác giả đã đề cập đến vụ Nhân văn giai phẩm ở Miền Bắc nó là một nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của Mặt trận bảo vệ tự do văn hóa và Bản tuyên ngôn của mặt trận bảo vệ tự do văn hóa vào ngày 15/5/1958 tại Thủ đô Sài Gòn. Tuyên ngôn đề cập đến quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 trong đó có quyền “Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận” đồng thời bản tuyên ngôn khẳng định rằng đây là những quyền mà “Không một quyền lực nào có thể xâm phạm được”, bản tuyên ngôn này cũng nhận định chính sự khác biệt, dị đồng về tư tưởng là động lực để tiến tới và quả quyết rằng những người yêu tự do phải được tập hợp trong một mặt trận thống nhất, tích cực chiến đấu để bảo vệ những tự do thiêng liêng nhất đó với bất cứ giá nào để một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá con người và nhất định thắng lợi, có thể nói đây là bản tuyên ngôn đầu tiên của Việt Nam về Tự do báo chí – Văn hóa, bản tuyên ngôn lấy nền tảng tư tưởng từ tuyên ngôn Nhân Quyền năm 1948 làm kim chỉ nam và Hiến pháp 1956 của Việt Nam cộng Hòa và đạo dụ số 13 ngày 20/2/1956 làm cơ sở pháp lý, bản tuyên ngôn này là một tài liệu quý báu xin gửi cho những người tự do ở mọi nơi và dưới mọi chế độ, những người đang nỗ lực bảo vệ và phát huy trọn vẹn quyền tự do văn hóa, để cùng nhau tranh đấu thực hiện và phát huy đến cùng độ một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá con người, sau đây tôi xin trích nguyên văn 09 điều trong Bản tuyên ngôn của Mặt trận bảo vệ tự do văn hóa. (Link tải sách: http://tusachtiengviet.com/a472/tu-do-bao-chi)

1. Chúng tôi nhận định rằng: Quyền Tự do Tư tưởng, Tự do ngôn luận là quyền thiêng liêng của con người, không một quyền lực gì có thể xâm phạm được.

2. Quyền tự do tư tưởng là quyền mà mỗi cá nhân đều được phép suy nghĩ được phép tin tưởng theo quan niệm của mình, tự do ngôn luận là quyền mà mỗi cá nhân được phép phát biểu và phổ biến những tư tưởng của mình dù những tư tưởng đó không phù hợp với đường lối của nhà cầm quyền.

3. Một khi cá nhân đã bị đổ khuôn, theo lối suy tưởng của đoàn thể của chế độ, thì đồng thời cá nhân đó đã mất hết cái thiêng liêng, cái cao đẹp mà chỉ còn là một con người máy móc đáng thương mà thôi. Mỗi con người phải có quyền nói “Có” hay “Không” “Thích” hay “Không thích” “Chấp thuận” hay “Không chấp thuận” đúng với sự chân thành bất khả xâm phạm của lòng mình.

4. Trong một xã hội nói riêng hay trong nhân loại nói chung, chúng tôi nhận định rằng: Sự dị đồng về tư tưởng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với các nhà cầm quyền là một lý do tồn tại của xã hội và nhân loại. Nó chính là một động lực để tiến tới.

5. Chiến tranh tàn sát sinh mạng. Chế độ độc tài tiêu diệt tư tưởng; chúng tôi nhận định rằng; Chế độ độc tài bất cứ ở đâu và bất cứ ở thời nào, cũng là một hiểm họa khủng khiếp không kém gì chiến tranh.

6. Lịch sử nhân loại chỉ là một cuộc đấu tranh trường kỳ, không hẳn vì áp lực kinh tế, mà chính là để dành lấy quyền sống thiêng liêng cho con người, mà quyền sống thiêng liêng đó chính là quyền tự do văn hóa vậy. Ngày nay bằng hàng hà số xương máu của những chiến sĩ vô danh qua các thời đại, chúng ta đã thực hiện được một số lớn những tự do thiêng liêng. Chúng ta, những người tự do nhất quyết xiết chặt hàng ngũ, tích cực chiến đấu để bảo vệ những tự do thiêng liêng nhất đó với bất cứ giá nào.

7. Trên thế giới hiện nay có hai chính sách; Chính sách bảo vệ và phát triển tự do – Văn hóa và chính sách dùng mọi cách để cướp mất quyền tự do – Văn hóa đó. Bởi vậy thờ ơ hay trung lập đối với cuộc đấu tranh “Một mất một còn” ấy tức là phản bội lại những giá trị thiêng liêng của cá nhân nói riêng và nhân loại nói chung. Vận mệnh của chúng ta cũng như của toàn thể nhân loại chỉ có thế cứu vãn bằng thái độ tích cực của những con người yêu chuộng tự do, yêu chuộng công lý.

8. Những người tự do phải lập một mặt trận thống nhất để chiến đấu ở bất kỳ nơi nào có sự xâm phạm tới những tự do căn bản của con người. Đoàn kết và nhất trí trong một “mặt trận thống nhất để bảo vệ tự do văn hoá", chúng ta nhất định thắng lợi.

9. Chúng tôi thân ái gửi bản tuyên ngôn này tới những người tự do ở mọi nơi và dưới mọi chế độ, những người đang nỗ lực bảo vệ và phát huy trọn vẹn quyền tự do văn hóa, để cùng nhau tranh đấu thực hiện và phát huy đến cùng độ một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá con người.

Tài liệu tham khảo: Tự do báo chí và những căn bản pháp lý.


Previous Post
Next Post
Related Posts