Để các thành phố của ta thêm phần đáng sống

Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Nhiều thành phố lớn trên thế giới rất phồn hoa đô hội nhưng vẫn có nhiều chim trời. Ngồi trong các công viên lớn giữa Washington, Moskva, St Petersbourg hay Paris du khách thường bị từng đàn bồ câu hàng trăm con xà xuống sán đến tân chân vòi ăn. Ngay giữa đường phố Washington nhiều phụ nữ đã bị chim xà xuống đậu lên tóc như đậu trong tổ của mình. Chính tôi hôm đang đi trên đường phố Amsterdam bỗng giật mình vì một chú chim (hình như chèo bèo) bay sướt qua mũi. Trong khuôn viên các trường đại học llinois, Texas A&M ở Hoa Kỳ, chồn cáo vào tận ban công kiếm ăn, dưới sân sóc chạy tung tăng hoặc chuyền thoăn thoắt trên các cành cây. Thành phố Bombay, Ấn Độ thì nhiều quạ đến phát sợ. Sớm sớm chiều chiều chúng kêu la inh ỏi ngay trong khuôn viên Đài Địa Từ trường Quốc gia...

Giữa Thủ đô Hà Nội, vào những năm 50 thế kỷ trước chim trời cũng không hiếm. Trên các ngọn sấu, cơm nguội sum suê ở phố Lò Đúc, phố Phan Đình Phùng,... cò, vạc giỡn nhau quang quác, phân của chúng rơi trắng gốc cây.

Không kể chim rừng, chim trời trong các khu dân cư từng xuất hiện nhiều trong thơ ca Việt Nam: “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò” (ca dao). “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” (ca dao). “Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy” (Trần Đăng Khoa). “Le, vịt cùng ta như có ý/ Đi đâu thì cũng đi theo” (Nguyễn Khuyến).“Bầy sâm càm nhỏ vỗ cánh Mặt Trời” (Trịnh Công Sơn) “Đỗ quyên nay đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” (Nguyễn Du). “Giọt sương phủ, bụi chim gù/ Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi” (Nguyễn Gia Thiều). “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” (Bà Huyện Thanh Quan). “Tu hú ơi sao không về đây ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa” (Bằng Việt). Đất nước thức ở trong hồn Nguyễn Đình Đình Thi vì có “Trời đầy chim và đất đầy hoa”.

Vắng tiếng chim môi trường âm thanh thiên nhiên quanh ta thiếu hẳn cung bậc thanh cao. Sáng dậy sớm dược nghe đôi chim ca nơi đầu nhà hoặc văng vẳng từ xa, tâm hồn ta sẽ thư thái và trở nên thanh khiết. Tiếng chim giúp ta xả stress, chống trầm cảm. Biết yêu hình dáng mảnh mai thon nhẹ, biết lắng nghe tiếng chim, con người sẽ trở nên tế nhị, tươi sáng, bớt cộc cằn thô bạo. Học sinh bớt sắn tay đánh hội đồng bạn gái. Thanh niên bớt rút dao đâm nhau chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường. 

Hãy trả lại tiếng chim cho phố phường, làng mạc bằng các biện pháp:

1 – Cấm ngặt săn bắt chim muông ở các khu dân cư.
2 – Dạy trẻ em biết yêu chim, biết thưởng thức tiếng chim.
3 – Thành lập “Hội bảo vệ và phát triển chim muông ở các khu dân cư”. Hội này lập dự án “Bảo vệ và Phát triển chim muông ở các khu dân cư” trình Nhà nước phê duyệt. Kinh phí cho dự án không lớn nhưng cần có để: nghiên cứu các loài chim thích hợp, làm tổ và treo các giỏ thức ăn cho chim trên các cành cây trong công viên, dọc các đường phố...

25.06.2016

Previous Post
Next Post
Related Posts