Tập đoàn FLC kinh doanh bằng tài sản của nông dân

Chưa bồi thường xong nhưng FLC đã cho xây hàng loạt công trình kiên cố trên đất Dự án. Ảnh, chú thích: Baotainguyenmoitruong

Tháng Chín (Danlambao) - Với phương thức đầu tư bằng cách vẽ ra nhiều dự án, công ty Cổ phần tập đoàn FLC (gọi tắt là FLC) thường nhận đất nông lâm nghiệp sau khi chính quyền địa phương đứng ra thu hồi giùm, đem chuyển đổi mục đích sử dụng rồi để đó. Việc triển khai dự án cầm chừng hoặc không làm gì khiến số đất nông lâm nghiệp bị thu hồi bị bỏ trống vì nằm trong diện “dự án treo”.

Báo điện tử Dân Việt ngày 24/3/2015 có đưa thông tin cụ thể về các dự án treo của FLC tại tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể như sau: “Vĩnh Phúc, với 4 dự án FLC đã lấy trọn gần 1.000ha đất nông nghiệp là đất bờ xôi, ruộng mật mà bà con nông dân đang canh tác ổn định. Điều đáng nói là, hầu hết các dự án của FLC đều chậm tiến độ, thậm chí “treo” (1)

Trong số các dự án đã được khuyếch trương có hai dự án đã 10 năm rồi vẫn án binh bất động. 

- Dự án thứ nhất là FLC Tower tại số 402, đường Mê Linh, phường Khai Quang (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Tuy nhiên dự án này đã không được triển khai và hiện tại địa chỉ 402 đường Mê Linh chính là trụ sở của một công ty con mới được thành lập cuối năm 2014 của tập đoàn này, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc FLC với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng do FLC sở hữu 100% vốn. 

- Dự án thứ hai là sân golf – vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ. Được triển khai từ năm 2007, tuy nhiên đến nay khu vực đất dự án vẫn là bãi hoang.

Với dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort, từ mục đích ban đầu là “Dự án trang trại nuôi heo” sau xin chuyển đổi thành “Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng và thể thao giải trí công cộng đa chức năng FLC Vĩnh Thịnh Resort”, tập đoàn FLC đã có hành vi cướp đất của dân khi không thoả thuận được mức đền bù. 

Từ dự án trang trại nuôi heo do Công ty Cổ phần FLC Travel (FLC Travel) tiền thân là Công ty Cổ phần Trang trại và Nông sản Quý Giáp, với người đứng đầu là ông Trịnh Hồng Quý - cha ruột ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC), số đất thuê của người dân được tự động chuyển nhượng nội bộ cho FLC thay vì thanh lý hợp đồng với dân. 

Chị Nguyễn Thị Huệ, một trong năm hộ còn lại chưa thỏa thuận được với FLC Travel về mức giá bồi thường bức xúc khi cho rằng FLC Travel cướp đất của gia đình chị và bốn hộ còn lại. Theo lý giải của chị Huệ thì chị chỉ cho bố đẻ ông Quyết là ông Quý thuê đất tới hết tháng 12/2013 nhưng khi hết hạn Hợp đồng thì ông Quý không những không trả chị đất mà còn tự ý bàn giao sang cho FLC Travel. Chính vì vậy chị và các hộ không đồng ý với kiểu thỏa thuận của FLC Travel. (2)

Dự án mới nhất là Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) sẽ thu hồi 19.397m2 đất của 28 hộ dân thôn Hồng Thắng (xã Quảng Cư) để làm biệt thự. Phần lớn trong diện tích thu hồi này là nhà cửa, sân vườn của các hộ dân đã ở ổn định nhiều đời nay. Mức giá đền bù là 1,2 triệu đồng/m2, trong khi giá đất phải mua ở khu tái định cư là 2,5 triệu đồn/m2. 

Các hộ gia đình đều rất hoang mang, băn khoăn vì họ cho rằng, đất đai nhà cửa họ ở bao nhiêu năm nay bỗng dưng bị thu hồi không phải vì mục đích quốc phòng an ninh, chỉ là thu để giao cho doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản.

Hơn nữa, cái giá mà họ nhận được quá rẻ mạt so với giá trị thực. Ông Ngô Hữu Dương (thôn Hồng Thắng, Quảng Cư) bức xúc: “Chúng tôi đã chấp nhận nhường cho FLC rất nhiều, từ đồng ruộng, bãi tôm, bãi biển, rừng phòng hộ, nay chỉ còn cái nhà để ở FLC cũng muốn lấy nốt làm biệt thự. Sao chính quyền lại có thể đứng ra lấy đất của dân với giá rẻ mạt giao cho doanh nghiệp thế được?”. (3)

Điều đáng nói ở đây, các động thái thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của tập đoàn FLC luôn được đại diện chính quyền địa phương sốt sắng cụ thể như tỉnh Thanh Hóa làm giúp, bỏ qua các quy định cụ thể trong Luật đất đai.

Với phương thức kinh doanh trên đất nông lâm nghiệp, đất ở lâu đời của dân bằng cách vẽ ra nhiều dự án, đền bù với giá rẻ mạt, FLC đã và đang đẩy nhiều người dân vào cảnh mất đất canh tác, mất ruộng vườn, nhà cửa. Đây không thể gọi là hình thức kinh doanh “nhân văn” như báo điện tử Pháp Luật Việt Nam quảng bá.

Tập đoàn FLC với sự tiếp sức của các quan chức địa phương đã và đang làm giàu trên lung người dân. Đây là một hình thức bóc lột kiểu mới dưới chiêu bài chỉnh trang, quy hoạch và phát triển đô thị.



___________________________________

Chú thích:

Previous Post
Next Post
Related Posts