Telford Taylor phán gì về trận oanh kích Hà Nội mùa Giáng Sinh 1972?

Nguyễn Việt Nữ (Danlambao) - Bất cứ quí vị thuộc phe phái nào, dù tin Hồ Chí Minh gây chiến, dựng sân khấu diễn tuồng “Chống Mỹ cứu nước” để mất nước hay không, nhưng đây là tài liệu trung thật nhất khi nói đến tổn thất trong “Trận Điện Biên Phủ Trên Không” để ứng chiến với 12 ngày Mỹ dội bom Hà Nội-Hải Phòng mùa Giáng Sinh 1972...

*

Tháng 12 năm 2012, báo chí Cộng sản Việt Nam dồn hết bài vở để chào mừng 40 năm chiến thắng trận “Điện Biên Phủ Trên Không” (1972-2012), tức trận Mỹ ném bom Bắc Việt 12 ngày (18 đến 30 tháng 12, 1972) còn gọi là “Chiến dịch Linebacker II”.

Nhân dịp nầy Telford Taylor được nhắc đến là “cựu công tố viên Tòa Án Nuremberg xử tội phạm chiến tranh phát xít Đức” trên báo Quân Đội Nhân Dân điện tử ngày 28/12/2012 với tựa bài:

“Chiến dịch Linebacker II dưới con mắt của sử gia Mỹ” như vầy: (trích)

“QĐND - Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã được nhiều nhà sử học Mỹ nghiên cứu và biên soạn rất công phu.”

Sau đó tờ báo liệt kê nhiều tác giả, tên Telford Taylor được xếp hạng “Tiếng nói của những người Mỹ có lương tri”. Chúng tôi in đậm tên hay gạch dưới để độc giả dễ theo dõi:

“...Tin về Bệnh viện Bạch Mai bị bom tàn phá ở vùng ngoại ô Hà Nội và một nơi gần kề được truyền đi tràn lan. Không quân tìm cách cải chính là họ đã thực hiện các cuộc công kích rất đúng mục tiêu.

Một số người Mỹ có thể nói thẳng ra việc này, trong đó có Barry Romo của Tổ chức Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam chống chiến tranh (VVAW). Romo đã cùng nữ danh ca Mỹ Joan Baez và cựu công tố viên Tòa Án Nuremberg xử tội phạm chiến tranh phát xít Đức khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai là Telford Taylor đã sang Việt Nam ngay lúc cuộc ném bom bắt đầu.

Từ sân bay Phúc Yên lên xe đi về phía Nam, họ dừng xe tại làng Đức Nội. Họ được dân làng và các em học sinh ở trường địa phương ra chào đón. (...)

Telford Taylor chỉ vào các hố bom, nói với Romo: "Thấy không? Thành công ném bom chính xác trúng mục tiêu đấy". Đoàn khách tiếp tục đi về phía Hà Nội, nơi cuộc thăm của họ sẽ kết thúc. Những ngày sau đó, nhiều lần họ phải chạy xuống hầm ẩn nấp khi có bom rơi, ban ngày họ đến khu Bệnh viện Bạch Mai và một số nơi bị bom tàn phá nặng nề. Nữ ca sĩ Baez dành phần lớn thời gian vừa hát vừa chơi guitar... Họ rời khỏi Hà Nội lúc quân Mỹ tạm ngừng ném bom trong ngày lễ Giáng sinh. Đoàn khách Mỹ lại đi qua làng Đức Nội để ra sân bay. Bây giờ thì cả làng Đức Nội đã bị xóa sổ hoàn toàn, các bức tường đá cũng biến mất, không để sót lại một thứ gì trừ cảnh đổ nát tan hoang và những xác dân làng bị tàn sát vì bom Mỹ. Cựu chiến binh Romo không nói được gì nhưng anh nhìn thấy nước mắt ứ đầy trong hai mắt của Telford Taylor.

Nhiều tháng sau, khi trở về nước, trong các buổi nói chuyện trước công chúng, Taylor không ngớt lời tố cáo quân đội Mỹ đã có những hành động dã man tàn bạo trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông nói đến vụ Mỹ Lai và các vụ khác. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự vi phạm luật chiến tranh của Mỹ trong việc ném bom tàn bạo không phân biệt đối với các mục tiêu dân sự ở Bắc Việt Nam...” (Hết trích)

Tòa án Nuremberg có hai công tố viên Telford Taylor có lương tri?


Chúng tôi có viết: “Một cánh của bệnh viện Bạch Mai bị sập, chết nhân viên, còn bệnh nhân đã được chuyển đi trước hết rồi. Sở dĩ BV Bạch Mai bị trúng bom vì tại sao Hà Nội ngu xuẩn lập bệnh viện chỉ cách khu quân sự có 200m? Phải chăng là một “ngu xuẩn” cố ý giết dân để đạt mục đích chính trị của bọn có bộ óc “Trí lùn” Cộng sản?? (Chúng tôi sẽ khai thác việc nầy ở bài sau).”

Đây là “bài sau” mà chúng tôi khai thác. Nhưng trớ trêu thay, cũng là khai thác của nhân chứng Telford Taylor! Ông phán ngược lại với báo của đảng cả về 3 vấn đề: Ném bom tàn bạo không phân biệt đối với các mục tiêu dân sự, như bệnh viện Bạch Mai, và sự vi phạm luật chiến tranh của Mỹ.

Chẳng lẽ có hai công tố viên Telford Taylor tại Tòa Án Nuremberg mà báo đảng khen là có lương tri?

Để bài không quá dài, và dễ so sánh, xin phép chép ngay những nghe thấy của nhân chứng Telford Taylor về 3 cáo buộc nầy trong quyển “Strange Ground” (Đất Lạ) và đánh số trang, dễ theo dõi sau nầy, trước khi giới thiệu cho độc giả và đảng Cộng Sản Việt Nam biết về quyển sách nầy: Tác giả là ai? Khả tính đến độ nào??

1. Việc ném bom không phân biệt mục tiêu dân sự:

Trong quyển “Strange Ground” (SG), trang, p. 558). Telford Taylor làm chứng rằng:

“Chúng tôi không đủ thì giờ đánh giá sự thiệt hại của cuộc ném bom. Nhưng tôi hoàn toàn biết chắc là họ không có mục đích xóa bỏ Hà Nội trên bản đồ thế giới. Vì khi oanh tạc ngay Hà Nội, họ dùng bom nhỏ. Họ bom sập trung tâm điện lực, phá tan ga xe lửa, hủy bỏ trung tâm điện thoại truyền thông. Còn gì nữa tôi không biết nhưng khẳng định là khi muốn tiêu hủy mục tiêu quân sự nào trong Hà Nội, họ chỉ dùng bom tin khôn (the smart bombs), còn B52 phần lớn là nằm ngoài. Nhưng có thể họ làm vài lầm lẫn. Hay tôi không hiểu nếu thật sự là lầm lẫn (về oanh tạc Bệnh viện Bạch Mai) (Ghi thêm: Chúng tôi đã viết trên DLB như trên: “Hà Nội ngu xuẩn lập bệnh viện chỉ cách khu quân sự có 200m? Phải chăng là một “ngu xuẩn” cố ý giết dân để đạt mục đích chính trị…”)

Khi đọc tiếp về bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên sẽ thấy thêm sự phi công Mỹ đã phân biệt mục tiêu quân sự và quân sự hẳn hòi. Chỉ vì sự ngu xuẩn xây bệnh viện gần sân bay quân sự nên dân chúng bị chết oan. Cũng do Cộng Sản gây ra chứ ai?

2. Về sự tàn phá khu dân sự tại Hà Nội

a) Bệnh viện Bạch Mai

Xin nghe tiếp Telford Taylor: “Ba hay bốn ngày trước khi thăm Chuồng Thú, (Ghi thêm: là nơi giam tù binh Mỹ. Sẽ kể khi tới chuyện tù binh) từ sáng sớm chúng tôi được dẫn đến thăm Bệnh viện Bạch Mai nổi tiếng mà họ bảo chúng tôi rằng hoàn toàn bị tiêu phá. Mà đúng vậy. Tôi đã cẩn thận kiểm thấy sự tàn phá nầy. Tôi tưởng thiệt hại từ trận oanh tạc trước, nhưng rõ ràng những tầng building và các cây xanh đều còn nằm ngổn ngang, lá cây còn xanh tươi, mặt đất dưới đóng đổ nát đó còn ẩm ướt mới. Vậy hiển nhiên là thiệt hại mới xảy ra đêm qua. Một trận không kích lớn lao, tôi có nghe tiếng bom lớn gần kề.

Không quân Mỹ sau nầy công nhận bệnh viện không bị sập hoàn toàn. Nhưng tôi không thấy một building nào còn toàn vẹn cả, có thể vì BV làm bằng vật liệu nhẹ, có nhiều phòng còn đứng được nên trên không trung nhìn thấy như còn nguyên.

Nhưng sức nổ mạnh tràn vào các cửa sổ đã gây sụp đổ hết, mãnh vụn tung tóe. Tôi chẳng hề thấy một building nào còn nguyên. Không một y cụ trang bị nào còn lại (Strange ground, p. 558). (Ghi thêm: quả thật Telford Taylor có lương tri).

Chúng tôi được ông Giám đốc Bệnh viện hướng dẫn đi quan sát chung quanh. Ông là người hảnh diện với sự nghiệp nầy, bấy giờ hoàn toàn không còn nữa, nên đây là lần đầu tiên tôi gặp một người giận dữ như điên tại Việt Nam.

Nhưng thiệt hại sinh mạng không quá lớn như tôi tưởng. Họ nói với chúng tôi rằng các bệnh nhân đã kịp thời được di chuyển xuống hầm trú ẩn dưới đất. Chỉ chết có 26 nhân viên vì còn ở lại bên trên. Tôi thấy vài người bị thương đang khiên ra. Vậy còn số khác đâu? Tôi bắt đầu tự hỏi như vậy (khi thấy ít người chết) vì đã thấy rất nhiều hố bom trên mặt đất cách bệnh viện chừng một dặm vuông.

Lúc ấy tôi không hề biết rằng có một phi trường nhỏ cách bệnh viện chừng một phần tư dặm. Tôi nghĩ đó là mục tiêu của trận ném bom.” (SG, P. 559)

b) Phố Khâm Thiên:

Báo Quân Đội Nhân Dân số 2012 nầy mục đích để khoe những người Mỹ lên án Mỹ trong đó có Telford Taylor nên không còn chỗ nhắc tên phố Khâm Thiên. Chứ 700 tờ báo đảng khác mỗi lần nói tới Mỹ ném bom trải thảm Hà Nội đêm Giáng Sinh đều nói tới sự tàn phá BV Bạch Mai và phố Khâm Thiên là rõ rệt khu dân sự tại Hà Nội để lên án Mỹ. Cho nên tiện đây chúng tôi xin chép luôn phần phố Khâm Thiên vì cùng tiếp theo trang 559 Strange Ground với BV Bạch Mai trên.

Telford Taylor kể: "Một trường hợp khác chỉ cách hai ngày trước khi chúng tôi rời Hà Nội.

Có một trận oanh tạc lớn. Chúng tôi được chở tới chỗ qua ga xe lửa, xuống con đường nơi có bến xe đậu.

Tôi kinh ngạc nhìn cảnh đổ nát gần một dặm vuông. Người ta gọi là phố Khâm Thiên. Vùng nầy rất nghèo, gồm những chòi và chuồng gia súc hay nhà kho chứa củi xây bằng vật liệu mỏng tanh trong một vùng rộng lớn đã bị san bằng toàn vẹn.

Có nhiều tiếng khóc than của những người đi lang thang trong vùng hẻo lánh nầy. Họ bảo số chết chung quanh con số 200, 300 người. Tuy chúng tôi không thể kiểm chứng được, nhưng không thể nào có nhiều người sống nơi đó được cả.

Sau 10 ngày (ở Hà Nội chứng kiến nhiều chuyện), như chuyện bệnh viện, và sự tàn phá khu dân cư, một lần nữa, tôi tự hỏi: Có thật sự họ cố tình oanh tạc Hà Nội không? Nếu quả thật là suốt 10 ngày bị oanh tạc nặng nề, số tổn thất như vậy của Hà Nội chưa là nhiều. Tôi cũng không thể nào tin họ cố tình muốn ném bom bệnh viện."

3. Ý kiến Telford Taylor về “tội ác chiến tranh” như thế nào?

“...Tôi vừa viết “Nuremberg và Việt Nam”. Sau khi bày tỏ một số ý kiến về vụ đánh bom Bắc Việt Nam, ---nên khi được mời đến Hà Nội để có ý kiến--tôi đã cảm thấy bồn chồn muốn đi để xem liệu những gì tôi nói có thật sự đúng không.

Trong tác phẩm Nuremberg và Việt Nam, tôi đã nói rằng điều đặc biệt gây ngạc nhiên đối với tôi chính là việc Harrison Salisbury (Ghi thêm: là ký giả tờ The New York Times) đã mô tả sự tàn phá ở Bắc Việt Nam với sự phấn khích như vậy, như là một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và khủng khiếp. Điểm đầu tiên đối với tôi là hễ bất cứ ai đã từng trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ II và đã từng nhìn thấy những gì xảy ra ở Anh Quốc và ở Đức Quốc - thì hầu như không coi những gì được Harrison Salisbury mô tả là mới mẻ cả. Nó quá ư nhỏ bé nếu đem so sánh với những sự tàn phá ở những nơi vừa nêu trên trong Đại Chiến Thế Giới Thứ II. Và điều thứ hai, mà theo như mối quan tâm của loài người về cái gọi là tội ác chiến tranh, và theo sự hiểu biết cũng như suy nghĩ của tôi thì không có bất kỳ giới hạn nào về cuộc chiến trên không so với những quy phạm pháp luật về cuộc chiến tranh trên mặt đất. Xét về tính pháp lý đối với chiến tranh quy ước thì rõ ràng rằng là khi những quy phạm pháp luật về chiến tranh được soạn thảo trong giai đoạn từ năm 1899 đến năm 1907, thì hoàn toàn không bao hàm bất cứ phương tiện không chiến nào, ngoại trừ Khinh Khí Cầu. Vì vậy, theo tôi thì hoàn toàn không có bất cứ một cơ sở nào để quy kết rằng việc ném bom tại Bắc Việt là một tội ác chiến tranh." (SG, p.552)

Tin ai đây?

Vậy tùy độc giả tin ai khi báo Quân Đội Nhân Dân ngày 28 tháng 12 năm 2012 loan tin rằng:

“Nhiều tháng sau, khi trở về nước, trong các buổi nói chuyện trước công chúng, Taylor không ngớt lời tố cáo quân đội Mỹ... Ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự vi phạm luật chiến tranh của Mỹ trong việc ném bom tàn bạo không phân biệt đối với các mục tiêu dân sự ở Bắc Việt Nam...” (Hết trích)

Thử hỏi, khi Telford Taylor đã viết ý kiến của mình trong tác phẩm “Nuremberg và Việt Nam” rồi mới muốn về Việt Nam “để xem liệu những gì tôi nói có thật sự đúng không.” (SG, P.552) Chẳng lẽ sau khi về Việt Nam rồi lại tuyên bố trái ngược hơn trong sách mình viết. Vậy còn gì là tác giả Telford Taylor, một nhân vật nổi tiếng thế giới mà báo đảng cũng biết là “Cựu công tố viên Tòa Án Nuremberg xử tội phạm chiến tranh phát xít Đức khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai”.

Không hiểu báo Quân Đội Nhân Dân của đảng CS lấy bằng chứng ở đâu mà nhét vào miệng Telford Taylor như vậy?

Chắc chắc đảng Cộng Sản Việt Nam không thể trả lời, kể cả tứ trụ triều đình Sang + Trọng + Hùng + Dũng cũng bí tịt. Nhưng vì đã quá trể để xoay chiều “vứt cờ, vứt đảng” để đừng thù Hoa Kỳ; gây đoàn kết cứu nước với các “cựu đồng chí” phản tỉnh vừa kêu gọi bỏ chủ nghĩa Mác Lê trong thư ngỏ ngày 9/12/15, nên chúng tôi giới thiệu quyển sách có lời của nhân chứng Telford Taylor như đã hứa.

*

Đó là quyển Strange Ground (Đất Lạ) xuất bản năm 1989 do nhà H. Holt, New York. Tác giả là Harry Maurer.

Sách gồm 648 trang kể cả hình ảnh, mục lục và 613 trang phỏng vấn 62 nhân vật nổi tiếng hoặc trực tiếp đến Việt Nam, hoặc tham dự chiến tranh Việt Nam từ 1945 đến 1975 để làm thành quyển “Lịch sử truyền miệng của những người Mỹ ở Việt Nam” trong 30 năm từ 1945-1975 (An Oral History of Americans in Vietnam, 1945-1975).

*

Harry Maurer là ai?

Ngay phần vô đầu, Introduction Strange Ground (SG), trang 1, Harry Maurer đã tự giới thiệu về mình: là một người trốn lính. Mùa xuân năm 1970, lúc 21 tuổi, tác giả tốt nghiệp Đại học Columbia (NY) Trong lễ tốt nghiệp nầy, vài trăm sinh viên và giáo sư của trường đã tổ chức một cuộc biểu tình chống lại việc Mỹ và VNCH đem quân vào Cambodia tháng 4 năm 1970 đó. (Ghi thêm: tức là chống TT Nixon).

Tóm tắt là trong 4 năm đại học, sinh viên Harry Maurer đã là một chuyên viên phản chiến đến đổi bị bắt trong những “riots” của Đại học Columbia cùng 450 đại học khác bị đóng cửa. Anh đã nhận thơ đe dọa sẽ bị đuổi học nếu không xin Giáo sư Viện trưởng tha tội và hứa giữ hạnh kiểm tốt.

Harry Maurer vận động để được giấy miễn đi lính vì lý do sức khỏe... tâm thần! (I--Y. Unfit for duty for psychiatric reasons). Chàng sinh viên trẻ muốn thoát lính nên nhận bừa là rối loạn tâm thần chi đó. Nhưng những trang kế tiếp anh lý luận rất tỉnh táo chứ không rối loạn chút nào.

Như: “Khi tôi không đi lính thì phải có người khác thay tôi (...) Tuy tôi không đi Việt Nam, không người nào tôi biết ở đại học đi Việt Nam. Nhưng tôi muốn biết việc gì đã xảy ra? Nó bắt đầu thế nào? Tại sao xứ sở tôi đi quá sai đường như thế?”...

Do đó mà có quyển sách phỏng vấn 62 nhân vật nổi tiếng như Telford Taylor đã đến Đất Lạ (là Việt Nam, lạ với Harry Maurer) mà chúng tôi dịch là “Lịch sử truyền miệng” gói trọn trên 631 trang sách thành Lịch sử 30 năm chiến tranh Việt Nam.

Nhưng có câu nầy mới chứng minh người được giấy “miễn đi lính vì lý do sức khỏe... tâm thần” lại có tâm thần rất tỉnh táo khi viết: “Trong số 62 người bằng lòng cho phỏng vấn, chỉ có 4 người muốn để Vô Danh, còn bao nhiêu đều chịu trút trí nhớ vào máy ghi âm của tôi, hoặc ký tên xác nhận dưới bài phỏng vấn. Như vậy tuy là lịch sử truyền miệng, nhưng giúp bớt nói láo, tức gần với sự thật hơn...” (SG, P. 4--5).

Đọc bài tóm tắt sách của Harry Maurer về Telford Taylor như trên, cũng đủ cho con cháu bác Hồ so sánh mà vứt bỏ người nhập cảng chủ thuyết Mác-Lê lỗi thời là cha già Hồ Chí Minh luôn. Vì “cha già” mà chuyên dạy con nói láo, không cần bằng chứng, di truyền đến thế hệ Quàng khăn Đỏ nửa thế kỷ, tức Trung ương Đảng bây giờ.

Vậy nên vào thẳng bài phỏng vấn Telford Taylor xem ai mời ông đi Việt Nam vào mùa Giáng Sinh 1972 để làm gì? Đi với ai? Đảng hãy so sánh với HCM mà nhục nhã khi “cha già” “thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng” ngay cả từ thời Cách Mạng mùa thu 1945.

Đọc để thấy hình ảnh hang Pác-Bó với luật rừng do cha già truyền lại.

Bài nầy có tựa cũng là Telford Taylor.

“Ông là công tố viên trưởng tại các phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh tại tòa án Nuremberg. Chúng tôi nói chuyện trong văn phòng của ông tại Trường Luật Đại học Columbia. Bấy giờ ông đã ngoài 80 tuổi, là một người rất phương phi, và dường như đối với ông, ưu tiên hàng đầu trong suốt cả cuộc đời ấy là đi tìm sự thật.”

Ghi chú: Ông Telford Taylor chịu nói tên, phỏng vấn tại văn phòng trường Luật hẳn hòi, tức không thuộc trong 4 người ẩn danh. Vậy là cuộc phỏng vấn có thu âm, hẳn là phải đáng tin cậy hơn báo... Bộ đội nhân dân của cụ Hồ rồi.

Nhưng vì bài phỏng vấn dài tới 9 trang sách (SG, từ tr. 551-560), nên chúng tôi chỉ tóm tắt những chỗ cần thiết để so sánh hiểu rành thêm về quyền “Tự do đi lại” của người Mỹ và người Việt thời cha già Hồ di truyền đến ngày nay.

Telford Taylor kể: “Nguồn gốc của chuyến đi của tôi đến Việt Nam xuất phát từ một cuộc gọi điện thoại từ Ramsey Clark, người đã trở về từ một chuyến đi như vậy một vài tuần hoặc vài tháng trước đó. Ông giải thích với tôi rằng có một cách đi đến Việt Nam, và ông nói với tôi lý do ông đã say mê với những chuyến đi như vậy.”(Ghi thêm: Clark là Bộ trưởng Tư pháp những năm 1960 dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson. Thời 2003 Clark cầm đầu đoàn luật sư sang Iraq bảo vệ TT Iraq Saddam Hussein.) Telford Taylor lúc được phỏng vấn đã 80 tuổi, tại VP trường Luật, tức còn được tiếp tục làm Giáo sư luật, vẫn còn minh mẫn nhớ cả giá vé tới Hà Nội bằng máy bay Nga và nhiều chuyện “lạ” khác:

“...Tôi cũng đã đi đến đài truyền hình NBC, nơi tôi có một số bạn bè làm việc ở đó. Họ đã thực hiện một thỏa thuận với tôi rằng họ sẽ cung cấp cho một máy ảnh để chụp và trả số tiền $750 cho tôi để mang bộ phim về cho họ....

Cùng tham gia là Joan Baez, Mike Allen và Barry Romo. Hành trình từ Mỹ sang Âu rồi các nước Á châu như Thái Lan, ở lại đó qua đêm, rồi vào ngày hôm sau lại bay tiếp đến Vientiane, ở lại qua đêm, lúc đó chúng tôi được cấp visa vào Bắc Việt Nam rồi ngày hôm sau mới đáp chuyến bay Aeroflot của Nga để đến Hà Nội.

Chúng tôi được đón tiếp tại sân bay Hà Nội bởi một ủy ban tiếp tân. Họ dường như là người có nhiệm vụ giám sát tất cả những người xung quanh.

Đó là vào ngày 18 Tháng 12 năm 1972.” (Ngưng trích)

Hãy nghe tiếp bài phỏng vấn có thu băng của Harry Maurer để được biết nhiều sự thật hi hữu ở nơi có tượng Lênin, có Lăng Bác Hồ.

A. Về Giáo dục:

... Chúng tôi băng qua một cây cầu phao và đã đi đến khách sạn Hòa Bình, có nghĩa là "PEACE".

Những ngày tiếp theo được dành cho việc chúng tôi đi tham quan quanh Hà Nội. Tham quan các Bệnh viện, trường học. Nhưng, trường học thực ra chẳng có mấy hoạt động giáo dục. Không hề có trường cao đẳng nào. Đã có một cuộc sơ tán đáng kể ra khỏi thành phố Hà Nội vì các vụ đánh bom vào tháng Mười. Miền Bắc Việt Nam nói với chúng tôi họ đã sơ tán khoảng một phần ba dân số. Họ đã di chuyển các trường cao đẳng và tất cả các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi thành phố. Họ cũng nói với chúng tôi, điều này chứng tỏ không phải là bất thường, họ cũng đã chuyển hầu hết các tù nhân một chặng đường dài ra khỏi thành phố.

Chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều thư từ cho họ từ gia đình của họ. Chúng tôi mong đợi để đưa thư đến cho họ rồi nhận thư của họ để chuyển về. Chúng tôi cũng hy vọng rằng chúng tôi có thể liên lạc với các tù nhân trực tiếp. Một trong những điều đầu tiên chúng tôi hỏi những người lãnh đạo CS tại đây là liệu chúng tôi có thể gặp gỡ các tù binh Mỹ hay không. Vâng, họ nói rằng họ sẽ xem xét lại về việc này. Sau đó, sau các cuộc oanh tạc bắt đầu và rồi thì họ nói rằng sẽ là quá nguy hiểm cho chúng tôi để đi gặp gỡ các tù binh bởi vì đó là một chặng đường khá dài. (Ghi thêm: Vài ngày sau, Telford Taylor khám phá ra lànói láo. Sẽ trở lại việc nầy)

Hà Nội không có vẻ giống như một thành phố bị vây hãm. Chúng tôi không thấy bất kỳ cây súng nào cả, ngay cả trong thành phố hay ở ngoại ô...

B. Về Luật pháp:

“Tôi đã có một cuộc họp riêng với các luật sư tại Hà Nội. Nhưng ông Bộ Trưởng Giáo dục đã nói với chúng tôi rằng họ không quan tâm nhiều về luật sư. Cách họ giải quyết các tranh chấp chủ yếu là áp đặt mọi chuyện một cách võ đoán và dùng các thẩm phán không chuyên nghiệp. Nhưng họ vẫn có những luật sư, hầu hết các luật sư đều do Pháp đào tạo. Chúng tôi đã có một cuộc tranh luận về việc các vụ đánh bom của Mỹ có là hợp pháp hay không. Tôi đã không thể thuyết phục được họ ở bất cứ một luận điểm nào, cũng vậy, luận điểm của họ cũng đã không thuyết phục được tôi.”

C. Về Viện Bảo tàng tội ác chiến tranh:

“Chúng tôi cũng đã nhìn thấy bảo tàng nơi họ đã thu thập được những “nỗi kinh hoàng” - ấy là những vỏ đạn, những mãnh đạn, … Đại loại là những thứ như thế. Họ đã tạo ra một cảnh tượng khá ấn tượng. Nhưng không có bất kỳ chỉ dẫn nào về những địa điểm mà những vật này được vớt lên. Tôi không thể biết liệu rằng những mãnh đạn này đã rơi xuống ngay Hà Nội hoặc ở một nơi khác. Và tất nhiên, những mãnh đạn này là loại vũ khí sát thương rất tốt. Nếu loại bom đó được ném xuống ngay một trận địa pháo thì thực tế là rất hiệu quả. Mặt khác, để thả loại bom đó trong thành phố thì chẳng hợp lý chút nào. Nhưng không có chú thích rằng những mãnh bom đạn đó đến từ đâu. Mà từ quan điểm của tôi thì sự mập mờ đó đã làm cho việc trưng bày những mãnh bom đạn đó ở cái bảo tàng này trở nên vô dụng.” (Ngưng trích)

Chính vì vậy mà ông Bộ Trưởng Giáo dục đã tuyên bố với Telford Taylor mà ông ta biết trước là ai, như vẫn dám nói rằng ông ta không quan tâm nhiều về luật sư và thẩm phán chuyên nghiệp để giải quyết các tranh chấp. Chỉ dùng luật rừng, dễ xài, không cần học gì cả. 

Đây là do Hồ Chí Minh truyền dạy tất cả. Chứng minh: Chính Hồ chỉ thị Luật sư Nguyễn Mạnh Tường dẹp trường Luật Hà Nội từ năm 1956. Cho nên nhiều LS gần đây bị hại, như mới nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt ngày 16/12/2015 chỉ vì dạy cho dân biết Nhân Quyền là gì, là phải rồi vì Đảng và Bác đã nói không cần luật từ lâu kia mà.

Còn “Viện Bảo tàng Tội ác chiến tranh” thì khi hiểu luật lại hiểu lối định nghĩa “Tội ác chiến tranh” như như Telford Taylor thì rắc rối quá. Rồi “Viện Bảo tàng” thì muốn truy ra “xuất xứ” của nơi tìm được ngòi nổ, miễng bom chứ không chịu “Mờ mờ” không ghi rõ mà đem trưng bày những mãnh bom đạn đó khiến cái bảo tàng quí giá của nhà nước trở thành vô dụng thì nguy quá.

May là Telford Taylor được mời tới Hà Nội 10 ngày rồi về, chứ không sẽ xui xẻo bị tai nạn chết. Còn Luật sư Việt Nam trong nước thì cho Công An giải quyết như Ls Nguyễn Văn Đài thì xong!

Tại thủ đô Hà Nội còn có Viện Bảo tàng "Chiến thắng B52" nữa. Năm 2012 Việt Nam tổ chức mừng 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ Trên Không” để ghi nhớ ngày lực lượng không quân Mỹ ném bom Hà Nội và Hải phòng năm 1972 với hình ảnh trẻ em trèo trên xác máy bay B52 bị bắn rơi được trưng bày cho cả dân chúng và du khách ngoại quốc xem.

Những người nầy không biết lý luận tìm bằng chứng như Telford Taylor nên dễ thấy “Viện Bảo tàng” hữu dụng mà thù Mỹ.

Bài học cần thiết cho phe Cộng Sản

Cứ nhận rằng Việt Nam được hòa bình thống nhất từ năm 1975 là nhờ “Đỉnh cao trí tuệ” của Bác và Đảng. Nhưng vì sao trên 40 năm Đảng lãnh đạo trong hòa bình mà Đảng và Dân trở thành “Đỉnh lùn trí tuệ”?

Vì vậy chúng tôi cố tình tỉ mỉ nêu những cách tìm bằng chứng trong khía cạnh Luật pháp bằng những câu hỏi dễ hiểu của Telford Taylor để tin hay không tin được những trưng bày trong Viện Bảo tàng Hà Nội, để đừng bị lừa gạt, cả tin hầu nâng cao “Đỉnh lùn trí tuệ” lên. Đảng cùng Dân cần trao dồi suy luận cho khối óc bớt rĩ sét, thành bén nhạy. Phải học lại từ đầu.

Thêm một cần thiết khác, là Đảng CS hiện nay cứ thổi phòng vụ “Ném bom trải thảm đêm Giáng sinh” 1972 mà thù Mỹ. Chúng tôi xin tóm tắt ý kiến trung thực của công tố viên Telford Taylor để đảng Cộng Sản xóa hận thù:

Telford Taylor nói: “Sau 10 ngày chứng kiến chuyện bệnh viện Bạch Mai và sự tàn phá khu dân cư Khâm Thiên, một lần nữa, tôi tự hỏi: Có thật sự họ cố tình oanh tạc Hà Nội không? Nếu quả thật là suốt 10 ngày bị oanh tạc nặng nề, số tổn thất như vậy của Hà Nội chưa là nhiều.

Tôi cũng không thể nào tin họ cố tình muốn ném bom bệnh viện.

Chúng tôi bị nhóm báo chí tả phái soạn tài liệu hỏi: Anh nghĩ gì về cuộc oanh kích của phe anh?”. Rất đau lòng để trả lời. Vì tôi không hề biết có cơ sở quân sự (cạnh BV Bạch Mai) cho tới khi trở về nước.

Sau lần thứ nhì chuyến bay chúng tôi bị hủy bỏ vì phi cơ của Ủy ban Hòa Bình không thể bay vào Hà Nội, tôi nói với phái đoàn rằng hình như không thể chấm dứt, (Vì tôi từng nghe người ta đồn: “Hà Nội đi dễ, khó về”.)

Ghi thêm: thật vậy, phải trả lời ý kiến sao cho có lợi cho chủ nhà thì mới về được. Như chính Telford Taylor nói trên: “Chúng tôi bị nhóm báo chí tả phái soạn tài liệu hỏi: Anh nghĩ gì về cuộc oanh kích của phe anh?” Còn với đài truyền hình NBC của Mỹ thì cũng chính Telford Taylor xác nhận “có một thỏa thuận rằng họ cung cấp cho một máy ảnh để chụp và trả cho tôi số tiền để mang bộ phim về cho họ.”)

“Nhưng tôi còn nhiều lớp phải giảng, và vài chuyện gia đình khác, cần phải về Mỹ sớm lâu rồi. Tôi đề nghị cần nhờ Trung Quốc họ có máy bay đường ngắn hơn để vào Hà Nội. Nhưng lại không có hộ chiếu Tàu, nên lại nhờ Việt Nam dàn xếp với tòa Đại sứ Trung quốc. Họ rất lịch sự, cấp giấy phép cho chúng tôi nên cuối cùng chúng tôi tới Nam Kinh, Quảng Đông ngủ đêm, rồi tới Nhật và về được tới nhà.”

Khi tới Hồng Kông có một cuộc họp báo. Joan Baez, Mike và Barry sửa soạn cho phép mình nghi ngờ rằng không lực đã dội bom xuống bệnh viện và thành thị với sự cố ý. Còn tôi nói rằng mình chỉ nên nói với báo chí những gì mình cùng chứng kiến và cùng đồng ý ở đây. Còn ngoài ra, hảy chờ khi mình về tới Mỹ thì chừng đó quí vị muốn nói gì thì nói.”

Nên tại Hồng Kông, công tố viên trưởng Telford Taylor chủ toạ buổi họp báo. Ông nhìn nhận cuộc ném bom rất nặng nề, có nhiều người chết, có thấy bệnh viện bị phá sập hết, nhưng không kết luận với sự cố tình. Telford Taylor xác nhận rằng, trong thành phố Hà Nội, họ chí oanh tạc mục tiêu quân sự mà thôi.

Tướng chỉ huy không lực của Pentagone (Lầu Năm Góc) Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ giải thích với Telford Taylor rằng: “họ không có mục đích ném bom bệnh viện Bạch Mai, mà muốn phá hủy phi trường quân sự gần đó. (Ghi chú: Thực vậy, hiện tại, phi trường Bạch Mai và bệnh viện Bạch Mai cùng ở quận Đống Đa Hà Nội). Pentagone cho biết rằng B52 một khi đã tải bom lên rồi thì vô cùng nặng nề để bay. Nếu một trong chúng bị vết bắn thì rất khó kiểm soát. Nên nhiệm vụ đầu tiên phi hành đoàn phải làm là tìm chỗ ném bom cho xong để được bay nhẹ nhàng về nhà. Họ ném uống sân bay quân sự gần đó nhưng đã sai lầm rớt trúng bệnh viện. 

Còn Phố Khâm Thiên, cũng vậy, họ tưởng là vị trí đặt máy phóng tên lửa nguy hiểm (Jettisons).

Tôi (Telford Taylor) chỉ trích việc nầy: dùng B52 bay cao 36,000 feet để thả bom nhắm vào mục tiêu nhỏ mà không điều khiển được bom. Anh không thể làm thế được, vì mục tiêu cũng phải lớn mà thôi. Họ không tìm được câu trả lời hay hơn được, ngoài câu “Chỉ khi nào họ gặp thời tiết xấu.”

Công tố viên Telford Taylor kết luận: “Hoa Thịnh Đốn gặp truyền thông báo chí xấu. Cả hai bên đều muốn cuộc ném bom chấm dứt. Nhưng rất hiển nhiên là không lực Hoa Kỳ nếu muốn oanh kích con quỉ Satan ra khỏi Hà Nội thì người dân Việt Nam rất khó sống. Nhưng họ đã không làm như vậy, họ không muốn làm như vậy.” Telford Taylor.

Trích (Strange Ground, từ tr. 551-560). Cuộc phỏng vấn nầy có thu âm.

Bất cứ quí vị thuộc phe phái nào, dù tin Hồ Chí Minh gây chiến, dựng sân khấu diễn tuồng “Chống Mỹ cứu nước” để mất nước hay không, nhưng đây là tài liệu trung thật nhất khi nói đến tổn thất trong “Trận Điện Biên Phủ Trên Không” để ứng chiến với 12 ngày Mỹ dội bom Hà Nội-Hải Phòng mùa Giáng Sinh 1972.

Xin phổ biến rộng rãi, rất lợi ích cho tương lai đất nước, dân tộc.

Đêm Giáng Sinh 24/12/2015


Previous Post
Next Post
Related Posts