Chút kỷ niệm với anh Điếu Cày

Huỳnh Anh Tú - Tháng 10 năm 2009, anh em tù nhân chính trị chúng tôi tuyệt thực 14 ngày, nhằm phản đối chính sách hà khắc bất nhân của nhà tù Cộng Sản. Tôi còn nhớ rất rõ đó là vào buổi chiều của ngày tuyệt thực thứ 12. Tôi nhìn sang khu giam bên anh, thấy Điếu Cày cũng đang đứng nhìn về hướng chúng tôi, nét mặt lo lắng và buồn vô hạn. Anh khóc. Rất hiếm khi tôi chứng kiến một người đàn ông có thể khóc như thế. Tôi thấy rõ những giọt nước mắt của anh lăn dài trên gương mặt gầy gò, đau khổ của anh. Bị “phát hiện” bất ngờ, Điếu Cày vội quay vào trong, lấy tay áo hối hả lau nước mắt rồi quay trở lại nhìn chúng tôi. Anh làm ra vẻ như không, cố giấu vẻ thương cảm bằng cách giơ tay lên vẫy liên tục, và cố nở nụ cười. Tuy khoảng cách tương đối xa nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ câu nói của anh: “cố gắng lên nhá anh em!”

*

Hôm ấy, 29/08/2009, tất cả tù nhân chính trị chúng tôi bị chuyển từ phân trại số 3 (K3) đến phân trại số 2 (K2)- trại giam Xuân Lộc. Cũng là ngày chúng tôi gặp anh, Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải.

Nơi chúng tôi được đưa vào là một khu giam riêng nằm cạnh trạm y tế. Khu này bị cách ly hẳn với các khu giam khác thường dành cho những tù nhân hình sự.

Mải bận rộn với với việc chuyển đồ đạc cá nhân vào trong buồng, chúng tôi không biết có một người trong một khu giam khác đang lặng lẽ quan sát mình. Bất chợt tôi quay sang, vô tình gặp ánh mắt của anh. Chúng tôi nhìn nhau. Rõ ràng người đàn ông có dáng vẻ gầy gò đang đứng sau song sắt cánh cổng ra vào kia mà tôi chưa gặp bao giờ, nhưng có vẻ gì đó rất quen thuộc. Sau giây lát, người đàn ông ấy mỉm cười. Tôi lịch sự đáp lại anh bằng một cái gật đầu. Từ đấy, nét mặt cương nghị, nụ cười hồn hậu và ánh mắt trìu mến đã để lại ấn tượng nơi tôi.

Sáng hôm sau, khi đến trạm xá “xin” thuốc uống, anh đã chủ động tiếp cận chúng tôi. Có vẻ, anh đã biết chúng tôi là những tù nhân chính trị. Anh thân mật bắt tay làm quen với từng người. Tôi hỏi anh:

- Anh là ai vậy? Hôm qua tôi để ý thấy anh cứ nhìn chúng tôi?.

Vẫn nụ cười ấy và dáng vẻ tự nhiên ấy, anh trả lời:

- Tôi tên Hải, Nguyễn Văn Hải, bút danh viết báo của tôi là Điếu Cày. Hiện tôi bị nhà cầm quyền Cộng sản ghép vào cái tội “trốn thuế và kết án 30 tháng tù giam”.

- Điếu Cày, anh là anh Điếu Cày? Đây rồi... Điếu Cày đây rồi!

Chúng tôi thốt lên, không giấu được vẻ ngạc nhiên và niềm vui, niềm cảm động. Những tù nhân chính trị lâu năm như chúng tôi đều từng nghe tiếng anh. Và rất ngưỡng mộ, cảm phục anh. Không ai ngờ chúng tôi lại có một cuộc “hội ngộ” đầy cảm động nhưng cũng rất trớ trêu trong chốn địa ngục này.

Điếu Cày nói chuyện rất cuốn hút và luôn tỏ ra rất khiêm tốn:

- Có thể các anh em không biết tôi nhưng tôi cũng như các anh em bên ngoài đều biết đến các anh em và ngưỡng mộ, biết ơn sự hy sinh của các anh em nhiều lắm

Từ đó về sau chúng tôi trở thành anh em một nhà.

Vì bị giam giữ ở các khu khác nhau nên chúng tôi gặp nhau rất khó khăn. Mỗi lần xuống trạm y tế “xin” thuốc hay có dịp gì đi ngang qua buồng giam của nhau, chúng tôi thường tranh thủ dừng lại nói chuyện hay trao đổi nhanh với nhau. Những lúc như thế, chúng tôi thường bị những người “tự giác”, “tự quản” - một loại tù được lựa chọn để giúp việc cho cai tù- xua đuổi.

Tháng 10 năm 2009, anh em tù nhân chính trị chúng tôi tuyệt thực 14 ngày, nhằm phản đối chính sách hà khắc bất nhân của nhà tù Cộng Sản. Tôi còn nhớ rất rõ đó là vào buổi chiều của ngày tuyệt thực thứ 12. Tôi nhìn sang khu giam bên anh, thấy Điếu Cày cũng đang đứng nhìn về hướng chúng tôi, nét mặt lo lắng và buồn vô hạn. Anh khóc. Rất hiếm khi tôi chứng kiến một người đàn ông có thể khóc như thế. Tôi thấy rõ những giọt nước mắt của anh lăn dài trên gương mặt gầy gò, đau khổ của anh. Bị “phát hiện” bất ngờ, Điếu Cày vội quay vào trong, lấy tay áo hối hả lau nước mắt rồi quay trở lại nhìn chúng tôi. Anh làm ra vẻ như không, cố giấu vẻ thương cảm bằng cách giơ tay lên vẫy liên tục, và cố nở nụ cười. Tuy khoảng cách tương đối xa nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ câu nói của anh: “cố gắng lên nhá anh em!”

Sau đợt tuyệt thực đó anh em chúng tôi lần lượt bị chuyển sang các trại khác. Từ đó về sau tôi không bao giờ được gặp lại Điếu Cày.

Tôi đã ra tù được gần một năm, sau mười bốn năm dài đằng đẵng trong ngục tù cộng sản. Những gương mặt anh em, bạn tù gặp nhau hôm nào trong trại giam Xuân Lộc nay kẻ ở người đi, ai cũng mang trong mình một nỗi đau khó xóa. Nỗi đau lớn nhất của tôi là vĩnh viễn mất đi người đồng đội thủy chung, người em trai yêu thương Huỳnh Anh Trí. Và còn nhiều người tù khác nữa vẫn còn nằm lại trên các trại giam. Có người sẽ không bao giờ còn có ngày về.

Dù nỗi đau của anh không giống nỗi đau của tôi, nhưng nó cũng là tột bậc của sự đau đớn. Hôm nay, nhà cầm quyền có thể “tống xuất” anh ra khỏi mảnh đất quê hương ruột thịt của mình. Nói khác đi, là cướp đi quyền sống trên Tổ quốc của anh.

Nhưng tôi tin anh sẽ làm được điều anh muốn: “Tôi sang đây là để đấu tranh cho ngày trở về, không chỉ cho riêng tôi, mà cho tất cả đồng bào ở đây."

Hẹn anh và những cánh chim Việt Nam một cuộc hội ngộ vĩ đại trên chính mảnh đất quê hương yêu dấu.


Previous Post
Next Post
Related Posts