Cảm xúc sau bản án thời Trung Cổ

Dâu bể tang thương (Danlambao) - Tuy đã từng vài lần gửi ca khúc đến Danlambao dưới bút hiệu Hải Thanh (1-5) và tham gia bình luận nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc viết một bài hoàn chỉnh. Với tôi, viết lách không đơn giản và hơn nữa đã có rất nhiều tác giả đang làm rất tốt công việc này. Tuy nhiên hôm nay tôi phải thay đổi ý định ít nhất một lần vì chúng ta lại chứng kiến những trò lố bịch của đỉnh lùn trí tuệ.

Thay vì hòa vào nền văn minh chung của nhân loại, những đỉnh lùn trí tuệ đang cai trị tiếp tục ép cả dân tộc Việt trở về thời kỳ đêm trường Trung Cổ ở châu Âu. Những năm tháng mà các tòa án dị giáo thả sức tung hoành kết án bất kỳ ai là tà giáo, là phù thủy để rồi tra tấn, tù đày, giết hại hàng triệu người một cách dã man tưởng đã qua đi nhiều thế kỷ. Thật ra không phải vậy! Sự độc ác, mê muội, ngu xuẩn vẫn tiếp tục được tung hô, ủng hộ và bắt chước một cách nhiệt tình bởi một bè lũ có danh xưng là đảng cộng sản Việt Nam. Sự phẫn nộ, căm hờn của người dân trước bản án phi lý mà bọn chúng hào phóng ban cho chị Bùi Thị Minh Hằng và hai người bạn đồng hành là vô cùng to lớn. Điều này thể hiện rất rõ bởi một lượng lớn thông tin, bài viết được đăng tải và cập nhật không ngừng bởi Danlambao và các tác giả cũng như bởi số lượng bình luận phong phú của các độc giả.

Các bạn thân mến! Tôi đã đọc và đã gặp một bài viết như thế: "Những chứng nhân và phiên tòa bóng-đêm-kết-án-một-vầng-trăng". Tôi thật sự khâm phục Danlambao đã nghĩ ra tựa đề bài viết độc đáo quá. Khi tôi chỉ mới lướt qua tựa đề, trong đầu tôi đã nghĩ ngay đến hai câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Hình ảnh vầng trăng mới đẹp, thơ mộng và thanh cao làm sao. Vì vậy sự so sánh, ví von của Danlambao dành cho chị Hằng thật chính xác và xứng đáng. Cũng gần như ngay lập tức, tôi lại liên tưởng đến bốn câu thơ tuyệt tác đong đầy hình ảnh vầng trăng trong Truyện Kiều:

...Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường...

Từ đây chị Hằng sẽ phải chiếc bóng năm canh trong chốn lao tù trong khi cậu con trai vẫn bôn ba muôn dặm xa xôi nơi đất khách vì công lý và tình người cho mẹ mình. Chị Hằng ơi! Chị bây giờ có khác chi vầng trăng mà có kẻ táng tận lương tâm đem xẻ làm đôi. Dù một nửa phải in gối chiếc sau song sắt nhưng nửa còn lại của chị vẫn đang soi dặm trường cho những người con thân yêu và ưu tú của đất Việt. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương thoát vòng nô lệ Tàu cộng và Việt cộng mà chị và bao người đi trước đã theo đuổi.

Khi đại thi hào Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, ông chắc không hình dung được thân phận người dân Việt nói chung và phụ nữ Việt nói riêng thê thảm như thế nào trong thời đại ngày nay. Những Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều khi thốt lên những lời ai oán cho phận nữ nhi thế kỷ XVIII:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?...(6)

Trải vách quế, gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào... (7)

Các ông cũng không tưởng tượng được mai sau hậu duệ nữ nhi nước Việt còn khổ hơn cả thời phong kiến. Hết cảnh chờ chồng đi chinh chiến, hay chôn vùi tuổi xanh nơi cung cấm vì không được vua đái hoài đến. Thay vào đó, có những người phải bán mình đi làm vợ, làm gái khắp năm châu bốn biển với mong ước thoát nghèo cho gia đình và bản thân. Những người khác phải gánh phần nam nhi dấn thân trên tuyến đầu tranh đấu đối diện hiểm nguy, tù đày vì đất nước, dân tộc.

Họa này do đâu mà ra? Trăm lần sai, ngàn lần sai cũng bởi vì đảng cộng sản cầm đầu bởi Hồ Chí Minh (hay Hồ Tập Chương). Đây là một lũ làm theo năng lực (không có) mà muốn hưởng theo nhu cầu (vô hạn). Thế nên không chuyện xấu gì không làm, không thủ đoạn nào không áp dụng cho dù là bán nước cầu vinh. Mong rằng các đấng nam nhi, hôm nay tận mắt chứng kiến những gì cộng sản gây ra cho tổ quốc, dân tộc, gia đình và cho chính bản thân, chúng ta hãy hành động. Hãy lấy lại những hình ảnh oai phong mà Nguyễn Du hay Đặng Trần Côn đã khắc họa ngày nào:

...Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo...

...Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền ra sức, lược thao gồm tài...

...Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm thề quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu... (6)

Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với lòng tin và sự hy sinh mà những người phụ nữ Việt Nam như chị Bùi Thị Minh Hằng đã gửi gắm và cống hiến. Nước Việt là của dân tộc Việt, không phải của giặc Tàu hay Việt cộng. Cúi đầu chịu nhục lẽ nào lại là tác phong của chúng ta?

Ngày 27/08/2014



___________________________________

Tài liệu tham khảo:

(6) Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch
(7) Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều.
Previous Post
Next Post
Related Posts