Để bãi biển ngập ngụa rác: Chính quyền đã đi đâu?

Biển Cồn Vành (thuộc xã Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: Facebook Linh Phương Trần
Ngày 1/5/2016, khi hàng ngàn người dân tại Sài Gòn, Hà Nội cùng nhau xuống đường biểu tình yêu cầu giữ gìn môi trường biển trong lành, ngay lập tức nhiều người khác đưa hình ảnh xả rác trong ngày nghỉ ở các bãi biển khác để dè bỉu những người biểu tình. Thật ra xả rác là một thói quen xấu mà người Việt chưa bỏ được. Và trách nhiệm này thuộc về ai ngoài việc đổ lỗi cho ý thức của người dân kém?

DLB xin chia sẻ bài trên báo Infonet, để bạn bè có thêm góc nhìn về vấn nạn này.

*

Hồng Chuyên - Mấy ngày lễ vừa rồi, hình ảnh bãi biển Quất Lâm, Cồn Vành, Đồ Sơn ngập ngụa trong rác lan truyền trên các trang báo và mạng xã hội. Điều này đã khiến người dân không khỏi sửng sốt. Người ta đặt câu hỏi, chính quyền đã đi đâu?

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long xung quanh vấn đề này.

Trong mấy ngày lễ, trong khi dư luận còn chưa hết nóng về chuyện cá chết, thì nhiều người lại sửng sốt về việc xả rác tại bãi biển Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định), Cồn Vành (Tiền Hải, Thái Bình) và Đồ Sơn (Hải Phòng). Quan điểm của anh thế nào về việc này?

Vốn là người hay di chuyển, tôi đã từng đến rất nhiều bãi biển khắp Việt Nam nhưng những hình ảnh ghi lại cảnh xả rác tưng bừng, tràn ngập bờ biển Quất Lâm và Cồn Vành ngày lễ thì đúng là khiến tôi thực sự bất ngờ.

Tất nhiên, đây là một hình ảnh quá xấu xí và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam. Nhưng bên cạnh thắc mắc rằng tại sao người dân có thể "vô tư" làm những việc này, tôi còn băn khoăn không hiểu chính quyền địa phương và các tổ chức bảo vệ môi trường có động thái tích cực nào không.

Hình ảnh rác thải sinh hoạt ngập ngụa bãi biển ở Quất Lâm (Ảnh PLVN)

Phải chăng ý thức của người dân Việt Nam trong bảo vệ môi trường là quá kém?

Không có số liệu thống kê cụ thể thì tôi cũng không dám phán bừa. Nhưng thực tế có những bãi biển ở Việt Nam rất sạch, cho dù không nằm trong resort. Thí dụ như biển ở Đà Nẵng, một số đoạn ở Nha Trang.

Đặc biệt là bãi biển ở Cù Lao Chàm, tuyệt nhiên không có ai sử dụng túi ny-lông. Thậm chí, một số hộ dân tham gia kinh doanh trên cù lao còn mang dụng cụ ra "đãi cát tìm... rác" để giữ cho bãi biển sạch tuyệt đối nữa kìa.

Cho nên, tôi nghĩ ý thức chỉ một phần, mà lý do khác là bị ảnh hưởng bởi đám đông. Chúng ta tới một nơi mà không ai xả rác, tự nhiên mình muốn bôi bẩn cũng thấy chùn tay. Và ngược lại!

Vậy còn các cơ quan quản lý, đơn vị xử lý môi trường các khu du lịch này đi đâu?

Tôi cũng có chung câu hỏi này khi nhìn vào các bức hình lan truyền trên mạng. Và hoàn toàn không thể tự tìm ra một câu trả lời thoả đáng!

Nếu chính quyền địa phương thản nhiên để mặc chuyện này thì hậu quả sẽ như thế nào với du lịch, thưa anh?

Vấn đề xả rác bừa bãi này không chỉ khiến cho cảnh quan môi trường biển bị ảnh hưởng, chất lượng nước biển và chất lượng không khí bị ảnh hưởng khiến cho khách du lịch sợ hãi tránh xa. Mà việc này còn gây ra tác hại rất xấu về hình ảnh của địa phương đó với bạn bè quốc tế.

Có thể địa phương anh có nhiều sản phẩm du lịch hơn là một bãi biển hay bãi tắm, nhưng người ta nhìn vào cái ý thức này và đánh giá chung mọi chuyện. Họ sẽ chán nản, ghê sợ và không tới địa phương của anh du lịch nữa. Như vậy, tất cả cùng bị ảnh hưởng, kể cả một khách sạn hay quán ăn ở sâu trong đất liền chứ không chỉ những hộ kinh doanh ngay ngoài bờ biển.

Theo quan điểm cá nhân, anh có quay trở lại nơi mà rác thải biển bừa bãi như thế không?

Lúc trước tôi rất thích đi Đồ Sơn, về sau bãi biển dơ quá nên cứ nghĩ tới là tôi thấy e ngại chẳng muốn đi. Trong thực tế, tôi vẫn đến để ăn hải sản và ngồi... nhìn biển chứ không xuống tắm! Nhưng tôi nghĩ, số lượng người quá ghiền ăn hải sản đến mức "bất chấp" như tôi sẽ không nhiều.

Hơn nữa, nếu có nhiều lựa chọn, chắc chắn tôi sẽ chọn một nơi có hải sản ngon và bãi biển sạch đẹp để đi du lịch. Đó là điều chắc chắn!

Anh có gợi ý, tư vấn gì để những khu du lịch này sẽ trở lên sạch, lịch sự hơn?

Tôi rất thích cách mà chính quyền, người dân, các hộ kinh doanh và cả hướng dẫn viên du lịch ở Cù Lao Chàm chung tay bảo vệ bờ biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới nơi họ ở. Tất cả chỉ bắt đầu từ một việc rất rất nhỏ là nói không với túi ny-lông. Họ không kêu gọi bạn giữ gìn bờ biển sạch sẽ, hay không xả rác. Thông điệp chỉ đơn giản và nhất quán là đừng sử dụng túi ny-lông.

Nhưng "kỳ lạ" là tất cả khách du lịch đều hiểu rằng họ phải và nên làm nhiều hơn thế. Và hệ quả là biển Cù Lao Chàm rất sạch. Tôi nghĩ, để mà làm thì có ti tỉ cách. Nhưng quan trọng là phải đi vào thực tế. Tôi không thích các hoạt động phong trào. Rủ nhau đi nhặt rác, khoả thân bảo vệ môi trường hay tuần hành giơ cao biểu ngữ tôi không tạo ra hiệu ứng nào tích cực. Nó chỉ giúp chính những người đó cảm giác mình đang làm điều hay, việc tốt và họ tự sướng với nhau.

Muốn bảo vệ biển, phải dùng sức của chính người dân, đó mới là thành trì lâu dài, vững chắc và hiệu quả.

Xin cảm ơn anh!

Hồng Chuyên (thực hiện)
Previous Post
Next Post
Related Posts